Thiếu tình yêu di sản sẽ khó bảo tồn tử tế

Thứ tư, ngày 12/06/2013 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi cán bộ quản lý phàn nàn thiếu văn bản chính sách, cơ chế, ngân sách cho bảo tồn di sản thì các nhà nghiên cứu cho rằng, thiếu tri thức, ý thức và tình yêu với di sản nên mới gây ra hàng loạt hệ lụy.
Bình luận 0

Di tích nuôi ai?

Sáng 11.6, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với sự tham gia của rất nhiều cán bộ quản lý di sản văn hóa của các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, do đề tài của cuộc hội nghị khá chung chung theo kiểu công thức “nâng cao chất lượng” nên tham luận của các đại biểu khá tản mát, không tập trung vào những vấn đề nóng của di sản hiện nay. Đó là mâu thuẫn trong bảo tồn và phát triển, tình trạng xuống cấp và trùng tu thiếu chuyên môn. Điểm danh hàng loạt những vụ việc gây nóng dư luận gần đây có thể kể tên như Làng cổ Đường Lâm, Đàn Xã Tắc, Chùa Một Cột...

img
Mái ngói nhà tảo mạt chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) bị sụt lở.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản thì trong thời gian qua, nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Chỉ riêng tiền bán vé, di tích Cố đô Huế đã thu được 100 tỷ đồng/năm, vịnh Hạ Long 196 tỷ đồng/năm… Mặc dù số lượng tiền thu được từ phát hành vé là con số khá lớn nhưng phần lớn số tiền này được dùng để... chi trả lương cho đội ngũ cán bộ hoạt động tại đây (ở những trung tâm di tích lớn, số lượng nhân viên có nơi lên tới 800 người). Vì thế lượng tiền tái đầu tư bảo tồn di tích chỉ còn lại rất ít, không đáng kể.

Ngay sau phát biểu của ông Hùng, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: “Hà Nội hiện nay có 5.175 di tích, trong đó 42,66% đã được xếp hạng, 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới.

Tuy nhiên, vì số lượng các di tích quá lớn, trải khắp trên địa bàn rộng nên Sở kiến nghị phải thành lập phòng di sản và nâng mức phụ cấp trách nhiệm cho lãnh đạo trung tâm bảo tồn di tích hiện nay và cán bộ bảo tàng cấp 1”. Bình luận về những vụ việc gây nóng dư luận liên quan đến công tác bảo tồn di sản của TP.Hà Nội vừa qua, ông Tiến cho biết: “Đó chỉ là những sơ suất thôi, còn về cơ bản là công tác bảo tồn di sản được làm rất hiệu quả”.

Lần lượt rất nhiều tham luận của đại diện các địa phương như Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Huế, Hà Tĩnh... đều chỉ quanh quẩn những yêu cầu về cơ chế, chính sách, văn bản quản lý tiền công đức, nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội. Rõ ràng, với những người thực sự quan tâm đến số phận của các di tích và cung cách ứng xử đáng báo động của toàn xã hội với di sản văn hóa hiện nay thì mối lo lắng của các cán bộ quản lý các địa phương thật chẳng ăn nhập gì.

Không ai đau đớn vì di sản

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền ngồi suốt từ đầu buổi hội nghị, trước những tham luận dài lê thê và khá tẻ nhạt của các đại biểu, ông không tránh khỏi những lúc quá sốt ruột, phải đứng lên để đi lại quanh hội trường.

Chỉ đợi đến lúc người điều hành hội nghị là Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên mời phát biểu ý kiến, GS Trần Lâm Biền ngay lập tức thổ lộ rất nhiều những bức xúc: “Từ sáng tới giờ, tôi chỉ toàn được nghe các ý kiến phát biểu theo chiều từ trên xuống. Tôi thì khác, tôi đi với dân nhiều, gần dân hơn các vị nên xin cho phép tôi đi ngược từ dưới lên.

Chúng ta nên lắng nghe người dân thì sẽ có cách ứng xử tốt hơn về bảo tồn di sản. Tại sao xảy ra quá nhiều vụ việc sai trái trong bảo tồn di sản? Đó là vì cả người dân, cả cán bộ quản lý đều không hiểu gì về di sản. Chính các di sản mới trả lời cho chúng ta câu hỏi: “Người Việt Nam là ai?”. Bản sắc văn hóa dân tộc nằm cả ở đó nhưng chưa nhiều người ý thức được tầm quan trọng của nó”.

Tôi đề nghị lực lượng thanh tra di tích phải tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm như các lĩnh vực khác. Với các di tích, tất cả các trường hợp đã xảy ra vi phạm rồi thì rất khó xử lý, không thể lấy lại những gì đã bị phá hỏng được nữa”.

GS Biền tha thiết yêu cầu: “Xin đừng chạy theo những tấm bằng. Đừng nghĩ rằng lấy được bằng công nhận di tích là đủ mà phải có tình yêu thực sự với di sản, phải đau đớn vì nó, phải khiến người dân coi di sản như là một phần cuộc sống của họ. Không có tình yêu thì không thể có bảo tồn một cách tử tế được”.

GS-TS Ngô Đức Thịnh cũng chung quan điểm này khi cho biết: “Cái chúng ta thiếu hụt là cả tri thức và ý thức bảo tồn di sản. Bảo tồn và phát triển chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau cả. Cái quan trọng là nhiều địa phương chưa biết cách giải quyết nó như thế nào. Có 2 việc quan trọng nhất là lo cho đời sống của người dân trong vùng di tích và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản. Phải làm sao để đồng tiền thu được từ di tích được quay trở lại trùng tu, bảo tồn di tích thì hầu như không ai quan tâm”.

Qua hội nghị lần này, có thể thấy rất rõ sự “vênh” nhau giữa 2 mối quan tâm của các cán bộ quản lý và nhà chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di sản hiện nay. Điều đó lý giải vì sao ngày càng nhiều di sản bị xâm hại và những bức xúc của người dân trong vùng di sản chưa được giải quyết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem