Sáng 6.7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.Hà Nội, trả lời chất vấn về vấn đề an toàn PCCC tại các nhà chung cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2016 đến 30.6 vừa qua đã có 55/79 công trình vi phạm an toàn PCCC đã khắc phục và được nghiệm thu. 24 công trình còn lại đã có 10 đang tích cực khắc phục, tiến độ đã đạt 70%.
Có 7 công trình dù chủ đầu tư có ý thức tìm giải pháp nhưng liên quan đến nhiều vấn đề thay đổi mục đích, công năng sử dụng, kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Có 5 công trình mà chủ đầu tư có biểu hiện chây ì, chậm khắc phục, khả năng tài chính cũng khó đáp ứng, đang củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật, trước đó đã có 3 trường hợp, 2 công trình trên địa bàn Long Biên, Cầu Giấy người dân không đồng tình phương án khắc phục vì thay đổi kết cấu, làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội
Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, quá trình xử lý, khắc phục an toàn PCCC tại các nhà chung cư còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn của pháp luật, do đó phải báo cáo Bộ Công an và các bộ, ngành có thẩm quyền hướng dẫn, có giải pháp tháo gỡ.
Đề cập đến 168 chung cư tái định cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết chất lượng công trình nói chung là thấp và tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC.
“Hiện TP đã giao các cơ quan liên quan khảo sát các hạng mục vi phạm để tìm giải pháp xử lý. Tháng 3 vừa qua, UBND TP đã có văn bản giao Ban QLDA Văn hoá xã hội Hà Nội thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC đối với các chung cư tái định cư trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên 5 công trình, đảm bảo hoàn thành trước tháng 3.2019. Các đơn vị quản lý cũng phải tập trung hoàn thiện hồ sơ hoàn công, tổ chức lực lượng tại chỗ nhằm ứng phó khi xảy cháy” – Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho hay.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC tại các chung cư cao tầng. Trước hết, các cấp ngành, đơn vị và chính người dân phải nâng cao nhận thức về an toàn PCCC. Đối với các vấn đề tồn tại cũ phải tích cực gải quyết, ngăn ngừa phát sinh thêm các vấn đề mới. Chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát quá trình đầu tư, xây dựng nhà chung cư cao tầng, khi chưa hoàn thành PCCC phải có cảnh báo để người dân biết, không mua và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trước khi mở bán.
Với chủ đầu tư dự án chung cư yêu cầu phải lập, và được thẩm duyệt hồ sơ PCCC trước khi cấp phép xây dựng. Công khai các công trình, đơn vị tồn tại vi phạm về PCCC và các lĩnh vực khác để người dân được biết; đề nghị người dân cùng đồng hành, giám sát khắc phục vi phạm.
Trước đó, ĐB Duy Hoàng Dương nêu ý kiến, hiện trên địa bàn TP còn bao nhiêu công trình chung cư không đảm bảo PCCC, 6 tháng đầu năm đã phát sinh thêm bao nhiêu công trình vi phạm mới? Ông Dương đề nghị lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP.Hà Nội làm rõ trách nhiệm của mình đối với những trường hợp này và cho biết lộ trình cụ thể khắc phục vi phạm. “Đặc biệt đối với 68 chung cư tái định cư không đảm bảo PCCC, phải có giải pháp như thế nào và đến khi nào mới xong?” - ông Dương hỏi.
Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, vẫn thường xuyên chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư. Hiện trên địa bàn Hà Đông còn 10 toà chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, Quận đã yêu cầu dừng hoạt động các hầm, toà nhà, sàn giao dịch nếu không đảm bảo công tác PCCC.
Ông Phụng cũng nêu lên một thực tế là hiện không ít người dân sinh sống tại các nhà chung cư chưa mặn mà với Hội nghị nhà chung cư. Theo quy định, phải có 75% hộ tham dự họp mới đủ điều kiện bầu ra BQT, nhưng nhiều toà nhà không đảm bảo được con số này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.