Thiếu tướng Lê Huy Mai: "Bác Lê Khả Phiêu luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới"
Thiếu tướng Lê Huy Mai: "Bác Lê Khả Phiêu luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới"
Anh Thư
Thứ bảy, ngày 08/08/2020 13:00 PM (GMT+7)
Thiếu tướng Lê Huy Mai kể, trong suốt chiến dịch Mậu Thân năm 1968, khi nghe các cơ quan tác chiến, cơ quan trinh sát... báo cáo về tình hình của địch, của ta, ông Lê Khả Phiêu rất chú ý lắng nghe ý kiến của cấp dưới, phát biểu rất ngắn gọn và kết luận rất sâu sắc.
LTS: Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên là Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc Phòng. Năm 1969, ông là chủ nhiệm Trinh sát Đặc công Trung đoạn 1 Sư đoàn 324, đã có nhiều lần được làm việc, gặp gỡ với nguyên cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên, khi ấy cố Tổng Bí thư làm Chính ủy Trung đoàn 9 ở chiến trường Thừa Thiên. Dân Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết về những hồi ức của ông với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
"Cách đây khoảng 20 ngày, tôi cùng ban liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên vào bệnh viện thăm bác. Lúc đó bác nằm ở Bệnh viện 108, đã mệt và yếu rồi, phải thở oxy nhưng khi chúng tôi hỏi thăm, bác vẫn nhận ra và gật đầu. Sáng 7/8, nghe tin bác mất, những người lính từng ở chiến trường Thừa Thiên - Huế như chúng tôi biết tin đều không khỏi bùi ngùi", Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng bắt đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.
Thiếu tướng Lê Huy Mai kể, mùa xuân 1968, khi ấy ông là Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 1 đang cùng đơn vị chiến đấu ở Bắc Thành Phố Huế, đã được nghe nhiều về ông Lê Khả Phiêu, Chính ủy Trung đoàn 9 - một trung đoàn chủ lực được giao nhiệm vụ tấn công nhiều mục tiêu rất quan trọng ở thành phố Huế trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1968.
"Quá trình tấn công vào Huế, một tình huống rất khó khăn đến rất bất ngờ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 Nguyễn Văn Khảm hy sinh ngay từ Mồng 5 Tết. Chính ủy Lê Khả Phiêu được Mặt trận giao nhiệm kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9. Ông đã vừa lãnh đạo, vừa chỉ huy Trung đoàn 9 vượt bao khó khăn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ còn lại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 25 ngày đêm chiếm giữ Thành Phố Huế vô cùng ác liệt. Tôi ngưỡng mộ ông Lê Khả Phiêu ngay từ lúc đó", ông Mai cho biết.
Chiến dịch A BIA kết thúc vào cuối tháng 8 năm 1969. Trung đoàn 1 và Trung đoàn 9 được lệnh về miền rừng núi Tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên củng cố. Hai đơn vị đóng quân cách nhau vài cây số, cho nên Trung đoàn 1 và Trung đoàn 9 đã thống nhất với nhau là hàng tuần mỗi bên được cử một cử sỹ quan tham mưu sang dự họp tai các cuộc giao ban để trao đổi thông tin về địch, ta, để cả hai bên, có kế hoạch tác chiến cho phù hợp. Thời gian đó, ông Mai là chủ nhiệm trinh sát Đặc công trung đoàn, nên được Trung đoàn Trưởng 1 cử sang Trung đoàn 9 dự giao ban hàng tuần trong suốt thời gian hơn 2 tháng do Trung đoàn Trưởng Đệ và Chính ủy Lê Khả Phiêu chủ trì.
"Trong từng buổi giao ban, sau khi nghe trực ban cùng cơ quan tác chiến, trinh sát, báo cáo về tình hình trung đoàn, tình hình của địch, của ta thường bác Phiêu phát biểu rất ngắn ngọn, sâu sắc, có tính định hướng rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị; đồng thời làm cơ sở cho kết luận cuối cùng của Trung đoàn trưởng. Hơn 2 tháng được dự họp giao ban tại Trung đoàn 9, tôi học được rất nhiều ở Chính uỷ trung đoàn Lê Khả Phiêu. Ông là một cán bộ quân đội văn võ song toàn", Thiếu tướng Lê Huy Mai nhớ lại.
Rồi ông Mai kể tiếp, sau đó mấy năm, ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập, ông Lê Khả Phiêu về làm Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn.
"Chiến dịch nào ông Phiêu cũng xuống Sư đoàn 324 của tôi. Ông đến từng cơ quan thăm hỏi và đặc biệt rất muốn nghe ý kiến cấp dưới, sau đó ông đều có những lời động viên ân cần và những ý kiến chỉ đạo thiết thực", ông Mai nhận định.
Đến lúc hoà bình, ông Lê Huy Mai về Quân khu 1 công tác với cương vị là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327, Sư đoàn 3, Phó tham mưu trưởng Quân khu, tham gia Đảng uỷ Quân khu. Ông kể, ông thường được gặp ông Lê Khả Phiêu trong những phiên họp Đảng uỷ (lúc đó ông Phiêu là Chủ nhiệm chính trị Quân đội). Khi gặp lại, ông Phiêu luôn ân cần hỏi han, động viên. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp cho Quân khu 1 về bài học đoàn kết đến bây giờ ông vẫn còn nhớ mãi.
"Tôi còn nhớ những lần về Quân khu 1 họp để giải quyết những vấn đề gây cấn ông thường động viên tôi phát biểu trước rất ân cần. Chủ nhiệm chính trị Lê Khả Phiêu thường nói "đồng chí Mai phát biểu trước" hoặc "ông Mai phát biểu trước xem nào". Với giọng nói mộc mạc, cách nói rất gần gũi, thân tình, rất lính ấy làm sao mà tôi quên được", ông Mai kể.
"Khi tôi về Bộ Quốc phòng làm Phó Chánh thanh tra Bộ, tôi còn nhớ có một lần tôi cùng môt số anh em cán bộ quân đội được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở sảnh hội Trường Bộ Quốc phòng. Lúc bấy giờ đang xảy ra tình hình căng thẳng ở Thái Bình. Gặp mấy anh em, bác vẫn trăn trở: "Tỉnh Thái Bình vẫn chưa ổn. Như vậy cũng đã kỷ luật khoảng 50 cán bộ xã phường rồi nhưng tình hình vẫn chưa ổn, không biết tại sao". Tôi cùng một số anh em nói với bác: "Thưa Thủ trưởng, tôi nghĩ kỷ luật cán bộ cơ sở, xã phường, cán bộ cấp trên có khuyết điểm với dân là đúng, nhưng theo quan điểm của tôi là phải trị đích đáng cả những kẻ quá khích và những kẻ kích động dân để gây rối trật tự an ninh xã hội". Lúc đó bác bảo: "Ừ, cũng có thể"".
Sau đó một thời gian, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng các đồng chí lãnh đạo nhà nước chỉ đạo, dẹp được vụ gây rối trật tự cộng ở Thái Bình bằng cách ngoài kỷ luật cán bộ thi hành pháp luật còn trừng trị cả những kẻ kích động.
"Chính vì điều này, tôi càng khẳng định thêm là bác Phiêu rất lắng nghe cấp dưới, lựa chọn những gì cấp dưới đóng góp đúng mức thì bác ghi nhận và sử dụng, thực hiện", ông Mai nhớ lại.
Luôn trăn trở với những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt
Ông Mai kể lại, một ấn tượng sâu sắc đối với Hội cựu chiến binh của Sư đoàn 324 là mặc dù không phải là cán bộ của Sư đoàn (ông Phiêu là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 (sư đoàn 324 nằm trong Quân đoàn 2) nhưng mỗi lần anh em hội cựu chiến binh gặp mặt nhân ngày kỷ niệm Sư đoàn, những ngày chiến thắng các trận lớn..., ông Phiêu đều đến dự.
"Khi bác đến anh em đều mừng lắm, hỏi chuyện, chụp ảnh nhưng bác không quên dành thời gian phát biểu, dặn dò anh em. Bác vừa nhắc lại truyền thống của quân đội, vừa nhắc nhở anh em về hưu rồi thì làm sao xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống quân đội".
Đối với Thiếu tướng Lê Huy Mai, một kỷ niệm sâu sắc về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà ông không bao giờ quên được, đó là lời căn dặn rất chân tình.
"Có một lần bác nói, chiến trường Trị Thiên là chiến trường ác liệt, nhiều chiến công nhất, nhiều liệt sĩ của chúng ta chưa về được nghĩa trang, chưa về được với gia đình, như vậy các cựu chiến binh là người biết, phải có trách nhiệm cùng với nhà nước, với nhân dân tìm đưa hài cốt anh em về".
Theo ông Mai, ông Lê Khả Phiêu cũng hay dặn dò anh em hội cựu chiến binh, những ai còn viết được cố gắng viết hồi ký, viết sách để lại cho thế hệ mai sau. Bởi ông sợ khi thế hệ trước qua đi rồi, thì những thế hệ mai sau không biết được những thế hệ trước đã cống hiến, hy sinh.
Ông Mai kể lại ông có khoảng 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 2016-2018 ông viết một cuốn hồi ký. Lúc đó nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người viết lời giới thiệu về cuốn sách.
"Khi viết lời, bác rất cẩn thận xem hết nội dung. Lời tựa của bác rất sâu sắc, tính khái quát rất cao, tính giáo dục lớn, chỉ những người am hiểu chiến trận mới có những lời như thế. Đặc biệt bác luôn nhắc nhở thế hệ mai sau giữ vững ý chí của dân tộc, biết ơn những người đi trước đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Bác nhắc luôn cả những người còn sống sót vẫn tiếp tục phấn đấu để làm việc, xứng đáng chính mình, xứng đáng là bộ đội cụ Hồ", Thiếu tướng Lê Huy Mai nói.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội.
Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII). Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa X.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tin cùng chủ đề: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần
Vui lòng nhập nội dung bình luận.