Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối)

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 19/08/2023 07:31 AM (GMT+7)
Trong công tác đấu tranh với tội phạm, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Hùng Vương luôn nhớ đến 6 điều Bác Hồ dạy Lực lượng CAND.
Bình luận 0

LTS: Loạt bài Toàn cảnh truy quét tội phạm có tổ chức và các băng nhóm xã hội đen khét tiếng xuyên thế kỷ đã được Báo Dân Việt đăng 7 kỳ. Đó là những câu chuyện kể về hành trình truy quét các băng nhóm tội phạm khét tiếng một thời như Khánh trắng, Năm Cam, Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn", qua đó cũng làm nổi bật những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND và những cá nhân tiêu biểu như Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc… Qua đó cũng khẳng định với truyền thống vẻ vang, lực lượng CAND luôn xứng danh là thanh bảo kiếm, lá chắn thép để bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bài cuối "Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời!" khép lại loạt bài nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945-19/8/2023).

Luôn nhớ 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND

Tôi xin gặp Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Hùng Vương – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để xin ông vài nhận xét về một người đồng chí với ông nhân ngày truyền thống Lực lượng CAND. Nhưng việc gặp không dễ dàng, bởi ông đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sĩ quan CAND hưu trí, đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Hội Cựu CAND Việt Nam. Thế rồi ông cũng đã "miễn cưỡng" nhận lời để gặp tôi.

Ông cho biết, năm nay ngành Công an có nhiều hoạt động quan trọng hướng về kỷ niệm 75 năm thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối) - Ảnh 1.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương. Ảnh NVCC

Theo Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, 6 điều Bác Hồ dạy CAND cực kỳ ngắn gọn, nhưng đã khái quát toàn diện bản chất đặc trưng của người "Công an cách mệnh". Đó chính là kim chỉ nam chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng CAND trong các thời kỳ cách mạng. Trong lực lượng này, để hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng phải tự mình thường xuyên soi vào 6 điều bác Hồ dạy.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn luôn tâm niệm về trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ; trung thực và khiêm tốn; kính trọng và lễ phép với nhân dân; biết nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi, dám chịu trách nhiệm và kỷ luật; đề cao lòng tự trọng. Đó là những yêu cầu mà mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND - là những công bộc của dân, phải tự ý thức, tự giác ngộ, trở thành một nhu cầu tự tại trong mỗi cá nhân họ.

Ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nội dung về "Tư cách người Công an cách mệnh", đó là:

"Ðối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Ðối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Ðối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Ðối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Ðối với công việc, phải tận tụy.

Ðối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".

"Ngay từ năm 1969, khi còn là một thanh niên nông thôn từ vùng quê lúa Thái Bình đỗ vào Trường Đại học An ninh nhân dân (C500), bài lên lớp đầu tiên sau ngày khai giảng chính là bài phân tích của thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Nghi về tư cách, đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ Công an. Bài giảng mở đầu cho cả khoá học ấy không hiểu sao khiến chúng tôi bị cuốn hút đến kỳ lạ. Kỳ lạ còn ở chỗ nhiều khi trở thành lẽ sống với những lý tưởng cao đẹp đã được hoà quyện lại mà chính mình cũng đâu có hay.

Tất cả những lời dạy ấy đã được cá nhân tôi nhận thức rồi thực hành trong công tác một cách rất linh hoạt, sáng tạo mà nhiều khi, lúc mình trực tiếp chiến đấu và công tác cũng có nghĩ rằng đó chính là mình đang thực hiện đúng, nhuần nhuyễn lời Bác Hồ dạy. Tức là đã ngấm vào máu, vào huyết quản của người cán bộ Công an chúng tôi. Chỉ đến khi làm xong, có thời gian để suy ngẫm thì mới thấy, ồ, hoá ra mình làm chuyện đó là thực hiện đúng điều thứ mấy, thứ mấy trong 6 điều mà Bác Hồ đã dạy chúng tôi", tướng Vương hồi tưởng.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối) - Ảnh 3.

Lực lượng CAND luôn ghi nhớ 6 lời Bác Hồ dạy.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhớ lại khi mới bước chân vào công việc vinh quang, vẻ vang này. Theo ông, vào trong ngành Công an, nhiều người muốn vào Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, Cảnh sát giao thông, Tình báo… Chẳng mấy người thích về làm mảng lưu trữ hồ sơ, về Viện khoa học hình sự chuyên đi khai quật tử thi, lại suốt ngày ngồi trong phòng giám định nước tiểu, giám định phân, nội tạng, hay về đơn vị trại giam, về đơn vị phòng chống ma tuý hoặc là vào lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng mà lúc hoả hoạn ai cũng phải thoát thật nhanh thì mình lại phải lao vào chỗ đó...

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (2007-2011), nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (từ tháng 9/ 1997-2007), nguyên Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát tháng 9/1997 trở về trước).

"Có ai muốn vào cái chỗ vất vả này? Cho nên, tôi muốn nêu những điều đó là để mà giải thích vì sao Bác Hồ lại dạy "đối với công việc phải tận tụy" là như thế!", tướng Vương cho hay.

Thế rồi, sau khi tốt nghiệp sỹ quan An ninh, ông Vũ Hùng Vương có 17 năm làm công tác tham mưu, tổ chức phân công việc gì cũng đều chấp hành, chưa bao giờ tự đề đạt công việc hay xin chuyển công tác đến chỗ "tốt hơn".

"Tôi biết rõ một số vị, họ đã không còn giữ được mình, đã sa ngã vì bị cám dỗ bởi vật chất, muốn hưởng thụ không chính đáng. Phong cách làm việc "tận tụy" kiểu gì mà người ta trình văn bản xin cho ý kiến ngâm cả tháng trời không thèm đoái hoài. Anh em cấp dưới biết cả đấy chứ! Sau này chính họ đã vi phạm đạo đức, lối sống cũng không có gì bất ngờ với chúng tôi. Có một số vị làm đến cấp Tướng trong lực lượng chúng tôi đã vướng vào lao lý. Đau xót lắm chứ! Cũng là do chính mình không chịu rèn luyện theo lời dạy của Bác chứ đâu!", Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nói.

Cương quyết, khôn khéo với tội phạm cũng phải nhớ đến tính nhân đạo

Nói về hoạt động chống tội phạm, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cho rằng phải hết sức kiên quyết nhưng cũng phải rất khôn khéo. Tội phạm luôn có hai vấn đề: Một là thủ đoạn luôn tinh vi, xảo quyệt; hai là đối với bọn tội phạm, họ cũng là con người, họ gây tội ác thì là tội của họ, nhưng trong một cái góc khác, họ cũng vẫn có tình người. Có những người không phải tư lợi, hằn thù gì mà vì một nguyên do nào đó mà họ sa ngã, phạm tội.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối) - Ảnh 5.

Lực lượng Công an triệt phá vụ án ma túy. Ảnh ANTV

"Về mặt tâm lý, khi bắt được, họ không khai báo, hoặc có khúc mắc gì trong tư tưởng nên họ cũng không khai báo. Sống nhân văn thì thuyết phục được họ. Ta cần dùng chính sách khoan hồng thuyết phục họ. Bởi vì, phải có nghiệp vụ sắc bén hoặc phải có kiến thức xã hội - tâm lý học và quán triệt phương châm, đường lối điều tra", ông Vương nói.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát lấy ví dụ khi thực hiện chuyên án Năm Cam và đồng bọn. Ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe.

Nguồn tin cơ sở của lực lượng phòng chống ma túy cho biết Dung Hà bị băng nhóm Hải Bánh bắn chết.Tuy nhiên, chưa xác định tên H đang trốn ở Quảng Nam là có chính xác không. Lực lượng công an có nguồn tin bí mật ở một tỉnh miền Trung. Đó là tụi buôn bán ma túy vào đánh bạc với Năm Cam trong TP.HCM nên đã nghe được.

"Lúc đó, tôi là Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, nên phải vào trong đó thật bí mật. Tôi đi xe thay biển số trắng vào. Tôi hẹn đối tượng tại một khách sạn. Tên này cung cấp cho tôi rằng chính Hải Bánh được Năm Cam sử dụng để bắn Dung Hà và hiện nay đang trốn ở đâu", tướng Vương kể.

"Nhưng anh giữ bí mật, không thì em sẽ chết ngay" - anh này nói với tôi. Tôi bảo: "Chú yên tâm, tôi sẽ có phương án bảo vệ cho chú".

"Trên đường về, tôi điện ngay cho anh Tư Bốn báo cáo vụ này do Năm Cam chỉ đạo Hải Bánh. Hải Bánh sai đàn em bắn trực tiếp Dung Hà, hiện H đang trốn tại một bãi vàng tỉnh Quảng Nam và có liên quan đến một Công an TP.HCM đã bị bắt. Tôi lưu ý anh, nhớ phải di lí thẳng về trại giam dưới Tiền Giang của Bộ mới được, vì lúc này Công an TP.HCM đang có vấn đề không tin được kể cả đến cấp phòng", ông Vương nhớ lại.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối) - Ảnh 6.

Năm cam và đồng bọn tại phiên tòa. Ảnh T.L

Khi đánh án, tướng Vương vẫn nhớ đến 6 điều Bác Hồ dạy. "Có những chuyện mà sau khi đánh án xong, ngẫm lại mới sực nhớ, những việc mình làm tốt thì ra là đã học 6 điều Bác dạy, nó đã thấm vào người, vào trí óc của mình, giúp mình hành động đúng, suy nghĩ đúng" - Tướng Vương nhớ lại.

Ngày 12/3/1997, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) được thành lập, ban đầu chỉ có hơn 20 đồng chí. Ngay sau khi thành lập, Cục đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ tuyên thệ: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, thề kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, vì lợi ích quốc gia, bình yên của nhân dân và danh dự của lực lượng công an".

Một vụ việc khác, tướng Vương cũng nhớ đến bởi lực lượng đã khéo léo xử lý, luôn bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng khi đánh án. "Có lần, tôi (Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm về ma tuý) xin ý kiến anh Trương Hữu Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về vụ 2 vợ chồng đều buôn bán ma túy ở Vinh, Nghệ An. Họ có bố mẹ già cùng 2 đứa con. Về nguyên tắc, khi bắt giữ, chúng tôi phải niêm phong nhà cửa. Sau khi tòa án sẽ xét xử, dựa theo điều tra, nếu nguồn gốc tài sản là tiền từ ma túy mà có thì sẽ tịch thu. Thế nhưng, chẳng nhẽ đuổi 2 cháu với bố mẹ tội phạm ra ngoài đường lúc này sao!", tướng Vương băn khoăn.

Thế nên, sau đó lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát thống nhất xử lý bằng cách lập biên bản nhưng lại giao ngôi nhà cho ông bà cụ quản lý, tuyệt đối không được bán vì đây là nhà của đối tượng phạm pháp đã bị bắt giữ.

"Anh Quốc trong chỉ đạo lĩnh vực này không bao giờ để lọt tội phạm, nhưng nhờ cách xử lý nhân đạo này mà cảm hoá được đối tượng, phục vụ chuyên án thuận lợi hơn... Khi vào trong trại chúng tôi động viên, đối tượng bảo cứ tưởng bố mẹ, hai cháu nhỏ đã ra ngoài đường rồi... Do đó, tụi nó đã thành khẩn khai ra đường dây...

Chúng tôi đấu tranh chống tội phạm ma tuý rất kiên quyết, không bỏ lọt tội phạm nhưng không xử lý oan người ngay, luôn luôn chú ý đến chính sách khoan hồng và chú ý đến vấn đề cảm hóa đối tượng từ cách làm nhân văn", nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kể.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Muốn đánh án giỏi mà tham nhũng tiêu cực thì có đánh bằng … giời! (kỳ cuối) - Ảnh 8.

Thủ đoạn cất giấu ma túy của tội phạm ngày càng tinh vi. Tháng 5/2021, lực lượng Công an, Hải quan đã phối hợp bắt vụ ma túy được giấu trong các mô tơ điện. Ảnh CAND

Nhắc đến lời dạy của Bác Hồ rằng phải "cương quyết, khôn khéo" trong đấu tranh phá án, cũng phải nhớ đến tính nhân đạo. Tướng Vương kể cho tôi nghe tiếp vụ Chuyên án 998c do Nguyễn Văn Tám cầm đầu. Vụ án 1.000 bánh heroin và hơn 3 tạ thuốc phiện do Nguyễn Văn Tám là ông trùm.

Đường dây buôn bán ma tuý từ Lào về Điện Biên, Nam Định, Thái Bình ngày đó rất lớn. Trong chuyên án này, lực lượng Cảnh sát ma túy bắt giữ đối tượng V.C vào năm 1999. Khi bắt V.C ở Nam Định, đây là mắt xích vận chuyển ma túy cho Nguyễn Văn Tám từ Điện Biên về Nam Định. Lúc ấy tên này vận chuyển 2 bánh, trinh sát phát hiện, lên phương án sẽ thống nhất bắt khi giao hàng ở phà Lạc Quần.

Trinh sát vạch kế hoạch theo dõi thì biết phương án của chúng. Theo đó, C. sẽ chở vợ, vợ sẽ ôm túi có 2 bánh heroin rồi chở ra đầu phà Lạc Quần giao. 1 bên trao tiền,1 bên trao ma túy. Sau đó, C. phóng đi...

"Trong quá trình 6 -7 tháng lập chuyên án, tôi sực nhớ là nhân thân của C. có vợ mới cưới dưới 1 năm. Khi tôi đọc báo cáo lúc đó đã 7 giờ tối, còn ở cơ quan chưa về. Trinh sát báo về là sáng mai 8 giờ bọn chúng giao hàng. Tôi nghĩ, C. mới cưới vợ, không biết y có con chưa, nếu chưa có con thì vợ y có thai chưa? Mình nghĩ phải lưu ý vì vấn đề nhân văn ở chỗ này. Người có thai trong bụng thì sẽ bắt hay không?

Tôi điện cho trinh sát, hỏi cần biết rõ chuyện C. mới lấy vợ, có con chưa?

Trinh sát bảo vào nhà nhưng không thấy đứa trẻ con nào. Cũng không thấy ai nói đối tượng có con. Mà biết đâu nó "ăn cơm trước kẻng" thì sao? Nhưng trinh sát vẫn báo cáo không có và cũng càng không biết vợ đối tượng có thai chưa. Vậy nhỡ có thai thì ta tính sao, vì nếu bắt được, sẽ thành án tử hình. Đây là 700 gram heroin nên mình nghĩ, giả sử đối tượng có thai thì cũng cần nhân văn chứ. Mình đánh tội phạm chứ không phải đánh những đứa trẻ. Nhân đạo thế nào đây? Mình phải đề ra phương án nếu người vợ có thai thì sao?

Tôi chỉ đạo trinh sát rằng, từ giờ đến trước giờ giao phải thỏa thuận nếu đi giao hàng thì cần biết ma túy rất đen, phụ nữ cũng rất đen. Phụ nữ có thai lại càng đen nếu có ma tuý, nên trinh sát cần khuyên khéo đối tượng nên đi một mình. Sau rồi để giỏ xe sẽ tốt hơn. Thằng đó nghe có lí và nhất trí với phương án của ta. Riêng hành vi này ta đã cứu cô vợ của đối tượng rồi. C. chịu nghe, cũng đồng nghĩa thừa nhận vợ đang có thai và cũng đúng như sau này chúng tôi biết", tướng Vương kể lại những băn khoăn khi đánh vụ án ma túy này.

Nhưng hôm sau đối tượng vẫn "cáo", rủ 1 cháu bé 8 tuổi nhờ đưa hàng. Cháu bé kia chỉ là đi theo thôi, khoác túi học sinh bỏ 2 bánh vào, như thống nhất. Lực lượng bắt luôn rồi đưa cả cháu bé vào UBND xã lập biên bán. Đối tượng cũng thừa nhận chính mình bỏ vào túi, dụ cháu bé mang hộ chứ không liên quan. Anh em gọi bố mẹ cháu bé ra đưa cháu về.

"Làm xong việc này, chúng tôi cảm thấy thanh thản, cứu được một người phụ nữ có thai. Sau này, tôi đi sang Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam báo cáo tình hình ma túy, các chị phấn khởi, thấy được luật tuy chưa quy định thì chúng tôi càng phải thận trọng khi bắt đối tượng là phụ nữ đang có thai. Nếu hôm ấy bắt thêm cô vợ là có công, nhưng cứu được họ mà mình vẫn làm đúng luật mới vất vả.

Sau này, ngay sau kết thúc Đại hội thi đua yêu nước, tôi lên báo cáo. Tôi kể câu chuyện này khiến khán giả truyền hình hoan hô nhiệt liệt bởi đã hết lòng vì nhân dân. Lúc đó có mấy người mang hoa lên. Nghĩ cũng thấy vui", Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cho hay.

Hơn 10 năm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương đã chỉ đạo phá hơn 700 chuyên án ma túy, trong đó có nhiều chuyên án mang đậm dấu ấn. Ví dụ như chuyên án chặt đứt đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy đặc biệt lớn với cả ngàn bánh heroin do Nguyễn Văn Tám cầm đầu với 190 đối tượng liên quan; chuyên án chỉ đạo phục hồi điều tra và phá chuyên án do Nguyễn Đức Lượng ở Diễn Châu (Nghệ An) cầm đầu buôn bán, vận chuyển 112 bánh heroin, 254,4kg thuốc phiện…

Tướng Vương nhớ đến một trường hợp khác, đã cứu được một mạng sống vì cảm hóa được đối tượng thông qua gia đình anh ta. Cảm hoá bằng cách rất trong sáng khi dứt khoát không nhận tiền của gia đình họ và viết thư khuyên đối tượng khai báo thành khẩn thì sẽ có lợi. Chuyện xảy ra ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Tướng Vương kể lại câu chuyện với chúng tôi.

"Hôm đó, tôi đi làm về còn chưa kịp thay quần áo thì có một ông già đến, cứ thậm thụt ngoài cửa, rồi hỏi có phải bác là Vương làm ở Cục ma túy không?

Tôi bảo đúng. Ông ta nói: "Bác cho tôi được thưa chuyện...". Ông tự giới thiệu là nông dân ở Kim Sơn, Ninh Bình, từng tham gia cách mạng năm 1946 và cho hay cả gia đình ông từng theo cách mạng. Ông nói tiếp: "Tôi có thằng cháu đích tôn, nó tham gia vận chuyển ma tuý thuê. Tôi biết chắc chắn sẽ có án tử hình với nó. Một gia đình mà có kẻ tử tù thì chúng tôi không sao sống nổi.Tôi xin bác điều tra, bác giúp tôi cho xuống án chung thân chứ tử hình thì nhục lắm bác ơi!".

Tôi đáp lời: "Cụ cũng giống như bố cháu thôi. Trên tinh thần của luật pháp, nếu cháu cụ ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn giúp ban chuyên án thì Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng. Cụ viết thư thì cháu sẽ đưa thư".

Khi đó, cũng không thể mớm lời được cho ông cụ vì về nguyên tắc trong lúc tạm giam thì không được đưa quà. "Cháu sẽ chia sẻ với cụ. Cháu sẽ nói với cơ quan điều tra" - tôi khuyên ông cụ.

Trước khi ra về, ông già đưa lên bàn 1 túi vải, trên có quả dưa gang rồi nói là của nhà ở quê trồng. Tôi bảo, dưa gang thì quê cháu hay trồng, nhưng vẫn xin cụ quả dưa. Tôi đoán trong túi còn là vàng nữa vì ông ấy đưa cao quá, lúc chạm vào mặt bàn phát tiếng "cạch cạch". Tôi biết quả dưa chỉ là lý do, nhưng nếu trả cả quả dưa thì chắc ông cụ sẽ âu lo, không yên tâm so với việc tôi nhận quả dưa. Tôi động viên cụ. Cách thể hiện này khiến cụ tỏ vẻ an tâm và hứa sẽ viết thư thuyết phục thằng cháu đích tôn trót dính tội ác.

"Lúc đó tôi đâu có nhớ lời Bác Hồ dạy! Cái đấy là tự nhiên thôi. Mình là người đấu tranh chống tội phạm mà bây giờ lại đi ăn tiền của thân nhân tội phạm thì nhân cách còn đâu, mà có khi ông cụ này phải bán nhà, bán ruộng lo lót, khổ lắm. Đó là chưa nói biết đâu đó là tiền bẩn do cháu cụ do phạm pháp mà có thì thật càng không được phép. Cụ là nạn nhân của thằng cháu, mình không thể như vậy được. Thế thôi chứ đâu nghĩ đó là cần kiệm liêm chính", ông trải lòng.

Tôi xin dẫn lại lời của Thiếu tướng Vũ Hùng Vương để thay cho lời kết của bài viết: "Nếu người chiến sĩ Công an nhân dân muốn đánh án giỏi mà lại tham nhũng, tiêu cực thì có mà đánh... Giời! Thực tiễn đó đã ngấm vào người tôi và cũng là phẩm chất của người chiến sĩ CAND nói chung khi đã được rèn luyện về đạo đức, tư cách... Những ai không thấm nhuần thì sẽ thấy hậu quả nhãn tiền mà vài năm gần đây đã và đang xảy ra. Chúng tôi rất đau buồn khi phải chứng kiến đồng đội mình vướng phải..."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem