Thịt đầy nhà và những “bữa tiệc” chan nước mắt

Thứ sáu, ngày 14/01/2011 07:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi đến cửa ngõ huyện Trùng Khánh, hai bên đường, người dân đang thi nhau xẻ thịt trâu bán cho khách đi đường. Nơi đây, sau những ngày trâu bò chết, bỗng mọc lên khu chợ cóc bán thịt trâu bò.
Bình luận 0

Thịt trâu đầy đường

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Cao Bằng, đến 17 giờ ngày 13-1 đã có hơn 1.600 con trâu bò bị chết do rét. Số trâu bò chết chủ yếu là những con gầy yếu và bê nghé có sức khỏe và sức chịu rét kém. Nhiều huyện đã có trên 200 con trâu bò chết rét như: Bảo Lạc, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Trùng Khánh…

img
Thịt trâu bò chết rét được bày bán rất nhiều tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Tờ mờ sáng 13-1, chúng tôi đến cửa ngõ huyện Trùng Khánh, hai bên đường người dân đang thi nhau xẻ thịt trâu đi để bán cho khách đi đường. Nơi đây sau những ngày trâu bò chết, bỗng chốc mọc lên khu chợ cóc bán thịt trâu bò.

Hơn 1.600 con trâu bò bị chết rét đã làm cho cuộc sống của nông dân vùng núi Cao Bằng khốn đốn, dù thịt đầy nhà, nhưng ruột đau như dao cứa...

Anh Hoàng Văn Thọ chia sẻ: "Trời lạnh quá trâu chết rất nhiều, có nhà chết 3 trong số 4 con, những nhà chết 1-2 con thì nhiều lắm. Mất "đầu cơ nghiệp", mất một đống tiền, người dân phải xẻ thịt trâu bán để kéo lại tí vốn tuy nhiên không đáng bao nhiêu".

Chị Trần Văn Xiêm, tay xẻ thịt thoăn thoắt nhưng vẫn tranh thủ trò chuyện với chúng tôi: "Nhà tôi vừa mới mua được 3 con nghé mỗi con 6 triệu, mới nuôi được hai tháng, đùng một cái thời tiết ở rét, chết mất 2 con mỗi con xấp xỉ 60kg, giờ bán 80.000 đồng/kg, tính ra mỗi con chỉ khoảng 2 triệu, vậy là mất toi gần chục triệu".

Nhà anh Hoàng Trọng Thể, xã Thông Huê (huyện Trùng Khánh) chết hai con nghé 70kg, vì là nhà anh cách khá xa đường lớn nên sau khi nghé chết, cả nhà tập trung xẻ thịt một phần để ăn, phần còn lại đem đi cho họ hàng, xóm làng.

Anh Thể chua xót: "Lúc ăn thịt nghé, mấy đứa nhỏ không chịu ăn, chúng chỉ ngồi khóc thút thít, khiến cho không khí cả nhà như có đám vậy".

Miệng ăn mà lòng đau

Tính đến hết ngày 13-1, toàn huyện Hạ Lang đã chết 232 con trâu bò, chủ yếu là nghé và bê, đây là huyện có số trâu bò chết nhiều nhất tỉnh, chỉ tính riêng xã Cô Ngân đã có 89 con chết.

Ông Cao Văn Đoàn, thôn Cô Ngân cho hay: "Trâu bò chết, người dân phải gánh lấy mất mát. Lúc mua trâu giống, bò giống một con khỏe mạnh giá hơn 8 triệu đồng, những con kéo cày tốt có khi hơn 10 triệu đồng, nhưng khi chúng chết xuống, phải mổ lấy thịt bán, chẳng ai mua được giá, cứ một con trâu bò chết bị tư thương ép giá chỉ còn vài trăm ngàn đồng, đành chia cho hàng xóm, láng giềng cùng ăn, vậy là cả làng mở tiệc thịt trâu bò, miệng ăn mà bụng buồn lắm".

Tối 13-1, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Khẩn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng cho hay: "Ngoài do giá rét diễn ra nhiều ngày, tôi nhận thấy ý thức bảo vệ trâu bò của bà con những nơi này chưa thật sự tốt, vẫn còn hiện tượng trâu bò thả rông, vẫn còn sự thụ động trong việc triển khai phòng chống rét, có nhiều hộ dân khi tôi tới nơi, thấy chuồng trại rất bẩn và trống hơ trống hoác, thức ăn dự trữ hầu như không có".

Cũng theo ông Khẩn, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hộ có trâu bò chết, tuy nhiên việc cấp bách hiện nay là tuyên truyền bà con phòng chống rét cho trâu bò thật kỹ càng nhằm hạn chế tối thiểu số trâu bò chết rét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem