Rượu rắn tăng sinh lực
Rắn có nhiều loài khác nhau, thường chia thành loài rắn độc và rắn không độc. Rắn độc như: Rắn hổ mang, hổ mang chúa, rắn cạp nia (rắn mai gấm hoa), rắn cạp nong (rắn hổ lửa), rắn chàm quạp (rắn lục)… Nọc độc của chúng có thể gây chết người. Các loài rắn không độc như: Rắn liu điu, rắn nước, rắn hoa cân, rắn ráo…
|
|
Bình rượu rằn thường gồm một bộ 3 con rắn gồm hổ mang, cạp nong hay cạp nia và rắn ráo. Rắn bị cắt bỏ đầu, để cả da, mổ bụng bỏ ruột trừ mật để dùng riêng. Lau khô bằng giấy bản (không rửa nước vì sẽ làm thịt có mùi tanh), rồi chặt thành từng khúc, tẩm rượu gừng, nướng cho vàng thơm. Giã nhỏ, ngâm rượu theo tỷ lệ một phần thịt rắn với 3 phần rượu 400C trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Có nơi người ta còn chôn cả bình rắn xuống đất để hàng năm mới dùng. Mỗi ngày uống 20ml sau bữa ăn chiều. Có thể ngâm thịt rắn với các vị thuốc có nguồn gốc thực vật như ngũ gia bì, hà thủ ô đỏ, kê huyết đẳng, phòng phong, độc hoạt, thiên niên kiện (tác dụng bổ, mạnh gân xương), hồi hoặc quế (làm thơm và thêm nóng). Có khi còn ngâm 3 loại rắn với sâm biển (một loại đặc sản biển có giá trị) để tăng cường sinh lực như "Rượu Tam xà - Hải sâm"
Để giản đơn và tăng phần hấp dẫn, người ta thường để nguyên cả 3 con rắn (đã bỏ nọc độc) ngâm rượu trong thời gian dài mà uống. Có người lại dùng 5 con rắn là hổ mang, cạp nong, hổ trâu, rắn ráo và rắc sọc dưa ngâm với 1 con chim bìm bịp thành rượu ngũ xà.
Thịt rắn chữa bệnh
Từ lâu, thịt rắn đã được công nhận là một vị thuốc quý với tên là xà nhục. Thịt rắn có vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính ấm, vào kinh can, có tác dụng khử phong, giảm đau, trừ thấp, tiêu độc chữa các bệnh thần kinh đau nhức, bán thân bất toại, khớp xương sưng đau, chân tay tê mỏi, kinh phong, nhọt độc, lở loét, giang mai, tràng nhạc.
Một số người lấy mật rắn hòa vào rượu để uống. Cũng như mật các loại động vật, mật rắn độc không nên dùng. Không ít trường hợp bị ngộ độc do uống mật rắn. Ngoài ra phụ nữ, trẻ em và người bị dị ứng không nên ăn thịt rắn.
Trong dân gian, người ta thường dùng thịt rắn (bỏ da) dưới dạng món ăn - vị thuốc như rim, làm ruốc hoặc băm với lá lốt, mùi tàu và xương sông rồi nướng ăn trong đó có nhũng loại cần thiết cho cơ thể như leucin, lysin, arginin, valin, chất mỡ và chất saponosid. Từ thịt rắn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, và các tác dụng chữa bệnh.
Thịt rắn được xếp vào hàng những món ăn cao cấp và bổ dưỡng. Mỗi loại rắn có vị hơi khác nhau nhưng chúng đều là món ăn bài thuốc chống đau nhức khớp, chữa bệnh phong thấp và tăng cường sức khỏe.
Từ rắn có thể chế biến thành trên dưới 10 món ăn khác nhau như thịt rắn xúc bánh đa, rắn xé phay, xào lăn, chả rắn, rắn hầm xả, rắn tiềm thuốc bắc, cháo rắn đấu xanh, rắn nhồi thịt… Trong đó, rắn tiềm thuốc bắc là món bổ nhất trong các món rắn, có công dụng chống đau nhức và mát gan. Lưu ý khi làm thịt rắn là dùng nước gừng hoặc dùng cồn lau sạch, tuyệt đối không rửa bằng nước.
Một số bài thuốc từ rắn:
1. Chữa viêm khớp do thấp, bán thân bất toại: Thịt rắn 250g, thái nhỏ, ninh nhừ, với rễ cây hồ tiêu 40-60g, để nguội, hòa vào một ít mật rắn rồi ăn trong ngày.
2. Chữa đau lưng mạn tính: Thịt rắn 200g, nấu hoặc xào với hoàng kỳ 50g, và gừng tươi 3 lát. Ăn nóng.
3. Chữa xuất huyết dưới da: Thịt rắn nấu với thịt mèo, ăn trong ngày.
4. Chữa mẩn ngứa: Thịt rắn nấu với thịt cóc và gạo nếp thành cháo, ăn trong ngày.
Lương y Vũ Quốc Trung
(Hội Đông y Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.