Về nguy cơ lây nhiễm nCoV qua việc thổi đo nồng độ cồn, tại cuộc họp về phòng chống dịch nCoV do Bộ Y tế tổ chức trước đó, PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã cho biết, nếu thực hiện thổi nồng độ cồn theo quy trình không đúng thì tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này qua người khác chứ không chỉ riêng gì virus corona.
“Tuy nhiên, khi thiết kế ra ống thổi, các nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo dùng ống thổi một lần và đã tính toán kỹ lưỡng để hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm. Do đó, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà nhà sản xuất đã khuyến cáo thì sẽ không có chuyện lây truyền bệnh truyền nhiễm. Người dân không nên hoang mang về điều này” – PGS Cường khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị, thu dung các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nCoV ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.
Ở người, nCoV lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
nCoV cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nCoV là 1 virus thuộc nhóm coronavirus tương tự với bệnh SARS (gây dịch viêm đường hô hấp cấp năm 2003 khiến hơn 8.000 người mắc và gần 800 người tử vong) và MERS-CoV (bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông). Trên cơ sở những thông tin hiện tại, người ta nhận thấy nCoV cũng chỉ lây truyền hạn chế từ người sang người qua tiếp xúc gần tương tự với SARS và MERS-CoV.
Tuy nhiên, nCoV chỉ gây tử vong khoảng 3-4% trong số các bệnh nhân nhập viện, trong khi tỷ lệ tử vong tương ứng với SARS là khoảng 9% và với MERS-CoV là 35,5%. Trên những cơ sở đó có thể cho rằng nCoV có độc lực thấp hơn SARS và MERS-CoV.
Khuyến cáo người dân phòng tránh nCoV của Bộ Y tế
“Để đề phòng bệnh, người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do n-CoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời” – bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Tính đến 17h30 ngày 30/1, thế giới đã có 7822 ca mắc nCoV, 170 ca tử vong. Riêng Trung Quốc là 7711 ca mắc. Và 108 ca khác xuất hiện tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 170 ca tử vong đều ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 05 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã âm tính với virus cCoV); 3 ca mắc mới đều công dân Việt Nam đều từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về. Hiện còn 29 ca khác nghi nhiễm nCoV đang được cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.