Gia đình tôi là hộ DTTS nghèo đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, nay đến hạn trả nợ nhưng gia đình vẫn chưa hết khó khăn. Vậy tôi muốn hỏi:
Thời hạn cho vay vốn phát triển sản xuất được quy định như thế nào và nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì có được xem xét kéo dài thời gian trả nợ không?
Ông Vàng Văn Huỳnh (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)
Ông Chu Tuấn Thanh trả lời:
Về thời hạn cho vay vốn và trả nợ vốn phát triển hộ nghèo DTTS của gia đình ông sẽ căn cứ theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5.3.2007 và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015. Các văn bản trên có quy định:
Thời hạn cho vay:
Căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay vốn, nhưng tối đa không quá 5 năm.
Xử lý và gia hạn nợ: Trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì căn cứ thực tế để xử lý cho phù hợp.
a) Nếu hộ vay còn thuộc diện đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn được xem xét kéo dài trả nợ nhưng tối đa không quá 5 năm.
b) Nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính chưa có nguồn trả nợ thì có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 2,5 năm.
c) Nếu hộ vay đã thoát nghèo theo tiêu chuẩn nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp hộ vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Lãi suất cho vay 0,1%/tháng tương ứng với 1,2%/năm.
Về xử lý rủi ro:
Đối với các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.