Người Tày chỉ dùng trứng kiến đen để chế biến món ăn vì không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Trứng của kiến đen - loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những chạc cây không cao lắm và thường được thu lượm ở cây ngõa, xoan, quế, găng, vầu...
Bánh nếp nhân trứng kiến của đồng bào Tày tỉnh Tuyên Quang thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng.
Để thu hoạch trứng kiến, không phải là chuyện dễ dàng. Người dân dùng một cái rổ có cán dài, buộc cỏ tranh để kiến không bò vào người. Sau đó, phải sàng sảy thật khéo để loại bỏ lá cây và tạp chất trong ổ kiến mà không làm trứng bị vỡ, nát.
Người Tày dùng trứng kiến để làm nhân bánh. Họ xào trứng kiến cùng hành phi, rau thì là thái nhỏ và nêm chút muối để miếng bánh đậm vị, hấp dẫn hơn. Công đoạn này cũng phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa.
Điều đặc biệt là người Tày không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá vả (hoặc lá sung) loại bánh tẻ không quá non hay quá già để gói bánh. Nếu lá non thì khó bóc, còn lá già thì bánh bị cứng và không đủ thơm. Xong xuôi, bánh được xếp vào khay và hấp cách thủy trong khoảng 30 - 45 phút là chín.
Nếu mới lần đầu thưởng thức đặc sản Tuyên Quang-bánh nếp trứng kiến, bạn nên thử một miếng nhỏ để xem có dị ứng với trứng kiến không. Bởi trứng kiến tuy không độc nhưng lại có phản ứng phụ với tùy người, tùy cơ địa, như có người dị ứng hải sản,... còn số khác thì không.
Thưởng thức bánh nếp nhân trứng kiến của người Tày ở Tuyên Quang, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo, thơm của nếp, mùi lá vả đặc trưng và vị trứng kiến béo ngậy. Bánh nếp trứng kiến-đặc sản Tuyên Quang ngon nhất khi được sử dụng ngay và là một món được yêu thích trong bữa cơm chiều của đồng bào dân tộc Tày. |
Hoàng Anh (Báo Tuyên Quang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.