Biến ruộng vắng thành nông trại du lịch ở Ninh Thuận, ngủ nhà đắp đất sét khách vẫn thấy mê
Thôn nữ người Chăm ở Ninh Thuận làm "nông trại vui vẻ", khách ngồi trong nhà đắp đất sét vẫn thấy mê
Bùi Phụ
Thứ bảy, ngày 12/03/2022 06:15 AM (GMT+7)
Hơn 2 năm qua, chị Hán Thị Khánh Ly, một thôn nữ người Chăm ở Ninh Thuận đã bỏ công biến vùng ruộng vắng vẻ của nhà mình thành Khánh Ly Farmstay khiến ai đến cũng thích. Đặc biệt là các phòng nghỉ được làm bằng đất sét và rơm vàng từ ruộng nhà...
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều du khách từ các nơi khác đến Ninh Thuận nghỉ dưỡng đều muốn tìm về một nơi có không gian xanh, để nhâm nhi cà phê, tĩnh tâm bên những ruộng lúa, bờ hoa dại.
Và tận mắt nhìn những cánh đồng"cối xay gió"(điện gió) đang quay trên bầu trời. Nơi đó là Khánh Ly Farmstay nằm trong làng Chăm thuộc thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước(Ninh Thuận).
Tại đây du khách sẽ được "thư giãn" trong những ngôi nhà làm bằng đất sét, có ụ rơm vàng, có vườn bầu bí, ruộng lúa, ao cá…
Du khách có thể tận tay hái những cọng rau tươi, hái những trái bầu xanh đang treo lơ lửng trên giàn trước nhà và có thể chế biến thức ăn ngay tại chỗ.
Du khách còn thưởng thức những món ăn đặc sản, đậm đà truyền thống của bà con người Chăm như thịt dê hấp ăn kèm với rau ghém, canh thịt gà, cơm gạo ruộng nấu trong nồi đất…
Tất cả những sản phẩm này đều được nuôi dưỡng và có trong môi trường tự nhiên của Khánh Ly Farmstay (Farmstay kết hợp giữa "farm" - nông trại và "homestay" - khu lưu trú tại địa phương. Mô hình đất trang trại được dùng để du lịch nghỉ dưỡng).
Gia đình chị Minh Thanh, du khách đến từ Hà Nội cho biết, rất bất ngờ khi giữa vùng đầy nắng gió này lại có một nơi thư giãn vô cùng độc đáo này khiến cả đoàn ai cũng thích.
"Dù khí hậu ở đây nóng, nhưng khi vào trú trong những ngôi nhà làm bằng đất sét, mái lợp tranh này chúng tôi cảm giác rất mát mẻ, khí hậu trong lành, dễ chịu, không gian đẹp và yên tĩnh. Chúng thích nhất khi tận mắt nhìn những "cối xay gió", có những cánh quạt gió dài, cao lớn, mọc trên những cánh đồng cỏ xanh, khiến bao muộn phiền bay theo gió…", chị Minh Thanh tâm sự.
Con anh Trần Quang du khách đến từ Cần Thơ cho biết, từ lâu anh từng nghe ở Làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) như là cái nôi văn hóa dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nên cố gắng tìm đến một lần cho biết.
"Hôm qua, tôi đã tận mắt chứng kiến người Chăm nơi đây đã lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc như trống Ginăng, Paranưng và kèn Saranai… nên tôi rất thích. Nay được vào Khánh Ly Farmstay thư giãn và cảm thấy yêu thích nơi này. Nếu có dịp tôi sẽ đưa gia đình quay trở lại thêm lần nữa để tận hưởng…"
Trao đổi với Dân Việt, chủ nhân của Farmstay trên là chị Hán Thị Khánh Ly ( SN 1984) cho biết, chị sinh ra và lớn lên trên làng Chăm này nên thấy quê mình rất đẹp, con người hiền hòa.
Ở nhà bằng đất sét mùa nóng sẽ mát, mùa đông sẽ ấm
Do đó, chị muốn lưu giữ lại những truyền thống của dân tộc, ông cha mình để lại và quảng bá những cái đẹp của quê hương cho nhiều người biết. Khánh Ly Farmstay được xây dựng từ ý tưởng của chị từ 2 năm trước trên phần đất của gia đình chị rộng hơn 4ha và đến nay vẫn chưa hoàn thành.
"Thuở còn học phổ thông, người anh cả của tôi thường đưa khách từ TP.HCM về quê tôi chơi. Khi khách ra thăm những cánh đồng lúa chín quê tôi, ai cũng mơ ước phải chi có một căn nhà nhỏ ở giữa đồng này để nghỉ dưỡng thì tuyệt vô cùng..", chị Khánh Ly tâm sự
Từ đó chị nuôi ý tưởng thực hiện nhưng mãi đến khi tốt đại học chuyên ngành Luật, đi làm việc nhiều năm ở TP.HCM, mấy năm gần đây chị thường về quê, cùng gia đình xây dựng Farmstay trên cánh đồng ruộng của gia đình…
Theo chị Khánh Ly, cả gia đình đã đầu tư vào đây hơn 1 tỷ đồng để thực hiện theo ý tưởng của chị. Chị quan niệm, ở vùng này mà mình xây nhà tường thì xem như làm hỏng nét đẹp quê nhà. Vì vậy, chị quyết làm theo kiến trúc truyền thống thống của bà con ở đây.
"Tất cả rường, cột kèo, mầm đều làm bằng tre, tạo nên bộ khung, sườn. Phần vách, được lấy từ đất thịt ruộng nhà, ủ với rơm vàng rồi bện thành vách. Mái lợp tranh, được tuyển chọn bằng những cây lúa có thân cao rồi đánh thủ công lại bằng tấm mới lợp. Bởi vậy, mùa nóng ngồi trong nhà rất mát, còn mùa đông rất ấm…", chị Khánh Ly tiết lộ.
Cũng theo chị Khánh Ly thời điểm hiện tại chưa thể tính chuyện lời lãi. Quan trọng nhất với gia đình chị là làm cho khách hài lòng và hiểu rõ nét đẹp của văn hóa Chăm và yêu quý vùng đất Ninh Thuận này.
"Khách đến đây sau khi thư giãn, mình sẵn đưa họ đi đây, đi đó. Du khách đến với mình không chỉ được trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn hiểu thêm các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của người Chăm ở Ninh Thuận anh ạ…", chị Khánh Ly chia sẻ.
Chị Khánh Ly còn ao ước, mai mốt điều kiện thuận lợi, du khách đến đông hơn sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con quê mình...
Bà con người Chăm ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận đang "chuyển mình" làm du lịch, trong đó có chị Khánh Ly.
Bà con người Chăm vùng này còn lưu giữ những làng nghề truyền thống và nổi tiếng nhất Làng gốm Bàu Trúc (cổ nhất Đông Nam Á). Thiên nhiên cũng ưu đãi bạn tặng cho vùng đất lành này một địa danh nổi tiếng khác là đồi cát Nam Cương (kề làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải).
Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm với bà con người Chăm, cùng xoắn tay làm gốm, được ra vườn trồng rau sạch, được ra đồng cho dê cừu ăn…Và chiều chiều đắm mình, sáng tác ảnh nghệ thuật trên đồi cát Nam Cương…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.