Công ty Luật TNHH YouMe trả lời: Căn cứ quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện);
Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã);
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính được phân loại như sau: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Căn cứ quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Điều 2 Thông tư 04/2012/TT-BN thì thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Trong đó, thôn là từ gọi chung dùng để chỉ thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,...; thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn.
Tổ dân phố là từ gọi chung dùng để chỉ tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,...; tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.