Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông tin đa chiều, nông nghiệp đa sắc

K.Nguyên Thứ ba, ngày 20/06/2023 15:45 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, càng thấu hiểu sức mạnh xã hội và sự vào cuộc, dấn thân của những nhà báo, người làm truyền thông, càng nhận ra rằng sứ mạng phục sự nông nghiệp, nông dân, nông thôn không của riêng ai, không chỉ riêng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nào.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có thư ngỏ gửi đến các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà báo, biên tập viên, phóng viên luôn đồng hành với sự nghiệp "tam nông".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi ngày theo dõi các kênh truyền hình, đọc các chuyên mục, bài viết trên các trang báo, tạp chí, nghe các bài đọc trên truyền thanh về nông nghiệp, ông ghi nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, cập nhật đa chiều, đa dạng về "bức tranh" tổng thể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

"Càng thấu hiểu sức mạnh xã hội và sự vào cuộc, dấn thân của những nhà báo, người làm truyền thông, càng nhận ra rằng sứ mạng phục sự nông nghiệp, nông dân, nông thôn không của riêng ai, không chỉ riêng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nào. Đúng như tâm niệm: "Muốn đi xa thì đi cùng nhau", đó là sự chung tay, chung sức, chung lòng để nền nông nghiệp Việt đi xa, nông dân Việt đi xa, nông sản Việt đi xa", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông tin đa chiều, nông nghiệp đa sắc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Lục Ngạn và nông dân trồng vải thiều về mô hình du lịch canh nông. Ảnh: P.V

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng trăn trở làm sao để những người đồng hành thông hiểu nhau hơn trên suốt chặng đường? Những điều mới mẻ không thể ngày một, ngày hai là có thể hoàn toàn đồng thuận và nhất trí ngay được. Làm sao để những giá trị mới được lan toả tới người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp? Đi cùng nhau thì phải nương tựa, san sẻ để vượt qua những ghềnh thác, bão giông. Làm sao để tập hợp được những sáng kiến tâm huyết và đưa vào ứng dụng thực tế trên thửa ruộng, bờ ao, chứ không chỉ dừng lại trong khuôn khổ các diễn đàn hội thảo? Làm sao để cùng hình dung, không có "đáp án" duy nhất đúng, mà luôn cần phải tìm hiểu, cập nhật, điều chỉnh liên tục, để ngày càng hiệu quả hơn, ngày càng hoàn thiện hơn?

"Tôi hiểu rằng, tất cả cũng đều vì tình yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng khác nhau ở cách thức biểu hiện và chuyển tải. Đề tài về "tam nông" luôn "nóng bỏng", nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận, phản hồi trên các diễn đàn, các trang báo. Vật tư đầu vào tăng, đầu ra bấp bênh, giá cả đổi chiều liên tục, được mùa mất giá, thương lái chèn ép, doanh nghiệp bỏ cọc, hay những thông tin "đắng ngắt": một ký trái này quả kia giá không bằng ổ bánh mì, ly trà đá! Rồi nơi này nơi kia "xẻ thịt", phân lô đất nông nghiệp, đất rừng, đất nuôi trồng thuỷ sản, xâm phạm khu bảo tồn. Ngổn ngang bao vấn đề, tồn tại bủa vây. Có ý kiến nghẹn ngào, phải chăng chúng ta đang bi kịch hóa nông nghiệp, bi lụy hóa nông dân, bi thương hóa nông thôn?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi.

Lý giải cho những tồn tại này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, một đất nước đang tiến đến cột mốc 100 triệu dân với diện tích vỏn vẹn hơn ba trăm ngàn cây số vuông. Dân số đứng trong nhóm 20 thế giới, mật độ dân số đứng nhóm đầu trong khu vực, đó là bản chất vấn đề. Một nền nông nghiệp sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đó chính là mấu chốt. Manh mún, thì khó cơ giới hoá, tự động hoá. Nhỏ lẻ, thì chi phí sản xuất cao. Tự phát, thì dễ dẫn đến xung đột nhau, cạnh tranh lẫn nhau. Một nền nông nghiệp thiếu sự hợp tác, liên kết, chưa lấy thị trường để định vị sản xuất và kinh doanh. 

Cách nghĩ "thuận mua, vừa bán" theo từng mùa vụ hoàn toàn khác với tư duy hợp tác, liên kết dài hạn. Một nền nông nghiệp còn phân mảnh, gián đoạn giữa trên dưới, ngang dọc. Một nền nông nghiệp còn thiếu tính cộng sinh, tất cả cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro san sẻ, thì khó lòng hướng đến phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông tin đa chiều, nông nghiệp đa sắc - Ảnh 2.

Phóng viên báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ niềm vui được mùa với nông dân trồng vải thiều xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Dẫn lại tiêu đề bài báo: "Gỏi gà măng cụt: Khi truyền thông giúp được nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, truyền thông, báo chí mang tính xây dựng, tìm kiếm giải pháp, định hình xu hướng, hoàn toàn có thể tạo ra giá trị không ngờ, hơn gấp nhiều lần, như tên một tựa sách: "Truyền thông phát triển trong nền kinh tế nối kết". Truyền thông là phương tiện gắn kết toàn bộ con người trên thế giới lại với nhau. Khi xã hội không ngừng phát triển, kiến thức con người ngày một nâng cao, thì vai trò của truyền thông ngày càng tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng, đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn do bối cảnh kinh tế chung của thế giới và do cả bất cập, hạn chế trong quản lý, điều hành. Và nông nghiệp không là ngoại lệ. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng đang tạo áp lực ngày càng gia tăng lên ngành nông nghiệp, người nông dân. Mọi thay đổi đều khó khăn, do sức ì quán tính trong xã hội, trong cả bộ máy và do cách nghĩ ngắn hạn. Như vậy, mỗi thay đổi theo hướng tích cực dù nhỏ nhất, như tinh thần "hợp tác - liên kết" cần lắm những sự cổ vũ, khuyến khích. Vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng trong việc này.

"Tôi ngẫm nghĩ về hai chữ "niềm tin". Phải chăng, chúng ta đang ít chú ý hoặc xem nhẹ việc tạo dựng niềm tin trong hợp tác, liên kết. Hầu như khi hợp tác, liên kết chúng ta chỉ chú trọng đến yếu tố phân chia lợi ích, khi thoả thuận hợp tác, liên kết là bàn ngay đến tỷ lệ "ăn chia" với nhau. Đúng là chuyện "ăn chia" không thể thiếu trong hợp tác, làm ăn với nhau, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào đấy thì hình như không phải. Ông bà mình có chữ "hùn hạp" rất hay. Vậy muốn hùn phải hạp, muốn hạp phải có niềm tin, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người bán và người mua. Các cơ quan báo chí, truyền thông có thể góp phần tạo lập niềm tin trong xã hội, trong nông dân và doanh nghiệp.

Tôi trăn trở về hai chữ "cảm xúc". Con người thường mang trong mình hai dạng cảm xúc: tích cực và tiêu cực. Cảm xúc tích cực khiến con người như được tiếp thêm dòng năng lượng, trở nên mạnh mẽ hơn, ngay cả khi gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Cảm xúc tiêu cực có thể làm cho con người chán nản, không còn cố gắng, dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc. Cảm xúc tích cực sẽ giúp con người tự vấn, bình tĩnh nhìn vào chính bản thân mình, phân tích điều gì đúng, điều gì chưa, để điều chỉnh, cải thiện, vươn lên. Cảm xúc tiêu cực thường tìm đến lý do từ ngoại cảnh, mà ít khi xem lại trong những lý do có thể xuất phát từ chính mình. Báo chí, truyền thông có thể khơi gợi mạch cảm xúc tích cực trong xã hội từ những người nông dân, doanh nghiệp sẵn lòng thay đổi, để thích ứng không ngừng với yêu cầu mới, điều kiện mới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới các nhà báo về những điều đang trăn trở.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông tin đa chiều, nông nghiệp đa sắc - Ảnh 3.

Phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trao đổi với nông dân trồng cà rốt ở Thanh Miện (Hải Dương).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "chuyển đổi", "thay đổi" là những từ được nhắc đến nhiều lần trên khắp thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các đợt khủng hoảng ngày càng gia tăng. Trong các nghị quyết của Đảng, chiến lược của Chính phủ về nông nghiệp đã nhất quán quan điểm, cách thức tiếp cận chuyển từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", từ "tăng trưởng đơn giá trị" sang "tăng trưởng tích hợp đa giá trị". Nền nông nghiệp đã chạm ngưỡng tăng trưởng do diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, năng suất cũng gần tới hạn. Như vậy, cần có cách tiếp cần tích hợp: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp công nghệ, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp điện quang… Báo chí, truyền thông cần giúp lan toả những giá trị từ những mô hình mới mẻ này.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là định hướng cho từng ngành hàng, mà tựu trung ở các nhiệm vụ: Hợp tác - Liên kết - Thị trường, Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hoá nông sản chế biến, trong đó, hợp tác và liên kết có tầm quan trọng quyết định. Hợp tác, liên kết không phải là khẩu hiệu, mà là văn hoá, là thái độ sống. Sản xuất tạo ra "sản phẩm", nhưng để đến được thị trường, phải trở thành "thương phẩm" phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của người tiêu dùng, tiêu chuẩn của thị trường. Báo chí và truyền thông có thể khai thác sâu hơn về nội dung trọng tâm này.

"Một bài báo, một chuyên mục có thể góp phần "gỡ khó", nuôi dưỡng ý chí thoát nghèo, ngược lại cũng có thể làm "trĩu nặng" thêm cái khó, cái nghèo. Một bài báo, một chuyên mục có thể truyền thêm cảm xúc tích cực để vượt qua thách thức, ngược lại cũng có thể làm tăng thêm cảm xúc tiêu cực, khiến xã hội sa sút niềm tin. Một bài báo, một chuyên mục có thể giúp thúc đẩy tinh thần hợp tác, liên kết, ngược lại cũng có thể tạo ra "hố sâu ngăn cách" giữa các chủ thể với nhau. Một bài báo, một chuyên mục cần phân tích để đưa ra thông điệp rằng những hậu quả đều xuất phát từ những nguyên nhân nào đó, hay ngược lại, chính nguyên nhân nào đó đã dẫn đến hệ luỵ. Ví dụ như sự khác biệt nhỏ giữa cách đặt tiêu đề: "Ký nông sản rớt giá còn chưa bằng li trà đá" với "Thiếu liên kết, ký nông sản rớt giá còn chưa bằng li trà đá", có thể giúp người nông dân quan tâm đến giải pháp thiết thực cho ngay mùa vụ tiếp theo. Thông tin đa chiều, nông nghiệp đa sắc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem