Chọc cười kiểu “ăn xổi”
Những người thường xuyên theo dõi “Thư giãn cuối tuần” có cảm nhận là chương trình đang dần đi vào vết xe đổ của “Gặp nhau cuối tuần” trước đây khi mà kịch bản ngày càng nhạt, càng thiếu sự hấp dẫn, đặc biệt là kiểu chọc cười bằng những câu nói tục.
|
Tiểu phẩm trong mục Copy và Bơm vá phát sóng ngày 7.7 bị nhiều khán giả đánh giá là phản cảm (ảnh chụp từ màn hình). |
Trong tiểu phẩm số 76 với tiêu đề “Bệnh thành tích” phản ánh thực tế của một trường vùng nông thôn, ngay đoạn đầu của kịch bản người xem được nghe những câu nói đùa kiểu: “... Ông làm chim của tôi tụt cả cổ...”, “Chim tôi toàn phải ăn bim bim...”.
Trong tiểu phẩm ở mục “Copy và Bơm vá” của chương trình số 92 có sự tham gia của diễn viên Tự Long và NSƯT Trần Hạnh vừa phát sóng ngày 7.7, thật ngán ngẩm khi đạo diễn, biên tập để cho diễn viên cố chọc cười khán giả bằng cách đưa ra một tình huống khá phản cảm: Người bố say rượu, bị con bắt nằm lên giường, giơ mông cho con đánh đòn đã “ăn theo” cách nói kiểu sách “Sát thủ đầu mưng mủ” của giới trẻ: “Con ơi, bố say bét nhè con gà què, con đừng cầm roi nhảy choi choi...”. Đứa con nghe vậy cười ngặt nghẽo, tha không đánh đòn ông bố. Vậy là ông bố xin đi học để cập nhật ngôn ngữ teen, phòng khi bị con đánh còn có “võ” mà xoa dịu.
Ông bố được nhân vật Phô (diễn viên Tự Long) chỉ cho vài chiêu nói theo cách của “Sát thủ đầu mưng mủ”. Ngoài những câu cóp nhặt ngoài đời như: Thoải mái như con gà mái, ăn chơi không sợ mưa rơi, ác như con tê giác, cái sảy nảy cái thai, một điều nhịn là chín điều nhục... kịch bản và diễn viên còn quá lạm dụng những từ ngữ nhạy cảm khiến người xem không còn nhận thấy đâu là ranh giới của sự phê phán và phản giáo dục.
Đặc biệt ở phần nhại bài hát “Chú ếch con”, nhân vật Phô còn chế những câu khá tục mà chúng tôi không tiện nêu ra đây. Dường như thấy chưa đủ “đô”, nhân vật tiếp tục chế tác theo một đoạn cải lương: “"Con ơi, đừng có đánh vào mông bố mà làm bố đau hết... đít”. Và mỗi lần “hiến kế”, cậu học sinh già bất đắt dĩ (diễn viên Trần Hạnh) lại vỗ tay khen hay rối rít. Nhưng đoạn làm nóng mặt người xem nhất là khi nhân vật Phô so sánh ông bố tội nghiệp với... chó bằng mấy câu thơ: “Cọ xoong, rửa bát, quét nhà/Quanh đi quẩn lại bàn là máy khâu/Suốt ngày chẳng được đi đâu/Cùng với con chó sủa gâu gâu suốt ngày”.
Có nên cấm trẻ em xem?
Rất nhiều ý kiến khán giả tỏ ra khá bức xúc và không muốn con em mình ngồi trước màn tivi nữa. Chị Thu Hương ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) cho rằng: “Với những kiểu chọc cười bằng những câu nói như “Chết vì gái là cái chết rất thoải mái” hay “Chết vì rượu là cái chết rất sành điệu”... thì chương trình thật phản cảm và thiếu giáo dục. Tôi nghĩ nhà đài nên có dòng chữ chạy phía dưới: “Trẻ em dưới 16 tuổi không nên xem chương trình này”. Vì tôi nghĩ, trẻ con là những cây non, uốn chiều nào là sẽ theo chiều đấy mà lại được rót vào tai những câu tục ngữ chế như: “Cái sảy nảy cái thai”, “Một điều nhịn là chín điều nhục” thì tác hại sẽ thế nào? Các con tôi chỉ cần nghe một lần là chúng tiếp thu ngay và áp dụng mà không cần suy nghĩ”.
Trong một mục “Hỏi xoáy đáp xoay” khi Đinh Tiến Dũng còn đảm nhận vai trò GS Xoay, với câu hỏi về cách nuôi bướm, GS Xoay cho rằng có 7 cách để nuôi bướm thành công. Một là không cho mượn, cho thuê hay mang tặng bướm cho ai vì như thế sẽ khiến bướm ốm mà chết vì lạ nhà... Đặc biệt phải chăm sóc bướm ăn đầy đủ từ khai vị đến tráng miệng, liên tục thay đổi thực đơn để tránh việc gây sự nhàm chán cho bướm...
Bức xúc không kém, anh Lê Đức ở khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất mê xem chương trình Thư giãn cuối tuần, bởi có những câu chuyện không chỉ đơn thuần là chọc cười khán giả lúc đó. Rất nhiều vấn đề của xã hội, những bức xúc về nạn tiêu cực cũng được đạo diễn, nhà làm phim lồng ghép trong tiểu phẩm. Nhưng mấy số gần đây, tôi cảm thấy kịch bản rất nhạt, thiếu sự hài hước gây cười như tên của nó. Đặc biệt trong tiểu phẩm phát sóng hôm 7.7, họ để cho ông bố già như thế mà bị con bắt nằm lên giường đánh thì tôi không thể cười nổi vì tình huống quá phản cảm. Dù gây cười thì phải dùng thủ pháp thậm xưng, nhưng để con đánh bố như thế thì nó trái ngược với văn hóa, truyền thống người Việt Nam. Tôi không còn háo hức như những số đầu nữa, nên gần đây cứ đến chương trình Thư giãn cuối tuần là tôi chuyển kênh”.
Về việc tiểu phẩm “Copy và Bơm vá” số 92 để nhân vật phát ngôn quá nhiều từ nhạy cảm, đạo diễn chương trình Bùi Thọ Thịnh cho biết: “Tôi không có bất cứ lời bình luận trong thời điểm nhạy cảm này”.
“Thư giãn cuối tuần” đang tỏ ra khan hiếm kịch bản chất lượng, nhưng có lẽ số lượng spot quảng cáo cao nên VTV vẫn quyết tâm duy trì chương trình này. Tuy nhiên, nếu vì mục đích ấy mà nhà đài cho phát sóng những chương trình theo kiểu làm ẩu, cho có, cho xong thì thật khó chấp nhận.
Thanh Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.