Thu hoạch nấm rơm chỉ sau 9 ngày

Chủ nhật, ngày 25/07/2010 08:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nấm rơm là loại nấm vừa ngon lại vừa bổ. Người ta còn coi nó là loại rau sạch cao cấp. Trong các bữa tiệc tùng, nấm rơm cũng được xếp ngang hàng với nhiều loại sơn hào, hải vị.
Bình luận 0

Ở ta, đâu cũng có rơm. Ấy vậy mà, nhiều nơi lại không biết tận dụng nó để trồng nấm. Nấm rơm dễ trồng và có lẽ là loại nấm nhanh cho thu hoạch nhất. Có nơi, trồng chỉ mới 9 ngày là đã được thu. Có loại sản phẩm nào mà lại quay vòng vốn nhanh hơn nấm rơm?!...

Rơm dùng để trồng nấm cần đảm bảo 3 điều kiện là: khô, vàng và thơm. Có nghĩa là: sau khi gặt đập xong, ta phải phơi rơm ngay. Rơm phải được phơi tới thật khô và còn mùi thơm. Ta “đánh” chúng thành cây rơm.

Rơm trước khi đem đi trồng nấm cần được xử lý để loại trừ các loại bào tử nấm khác có lẫn sẵn trong rơm và làm cho rơm mềm ra. Nếu ít, có thể xử lý rơm bằng nhiệt (theo cách đun cách thuỷ). Còn đơn giản nhất là xử lý bằng nước vôi trong. Sau đó, ta ủ chúng thành đống. Nhiệt ở đống rơm ủ có khi lên tới trên 600C, giúp diệt được nhiều loại nấm dại và làm cho rơm mềm ra. Việc ủ này kéo dài từ 4-6 ngày. Giữa đợt, ta nên đảo rơm cho đều, sau đó lại ủ tiếp.

Nếu trồng ngay ngoài ruộng, ta xếp rơm đã xử lý thành từng lớp. Ở mỗi lớp, phải dẫm đạp cho rơm chặt xuống, tưới nước và cấy giống (meo). Ta cấy thành từng điểm, cách bìa mô 5-10cm và cách nhau khoảng 20cm xếp thành 3-4 lớp. Mỗi lớp đều cấy như trên. Sau đó, dùng rơm khô rũ lên trên để tạo ra một cái mũ cho cả luống rơm.

Nếu đóng mô thì cần một cái khuôn. Khuôn lên có dạng hình thang đáy cụt, hở 2 mặt. Nếu không có, ta có thể dùng hộp bằng bìa cát-tông hoặc bất cứ loại vật liệu nào tương tự. Ta đặt khuôn vào chỗ định trồng, nhồi rơm vào và lèn thật chặt. Cứ một lớp rơm khoảng 15cm, ta lại cấy giống. Giống rải xung quanh, cách mép độ 3-4cm. Ta xếp 3-4 lớp như vậy, riêng lớp trên cùng, cấy kín mặt. Sau đó, tháo khuôn ra và cũng rũ lên trên 1 lớp rơm khô để làm mũ. Ta tiếp tục đóng mô mới.

Cần lưu ý, giống nấm nếu bị quá ẩm rất dễ chết. Vì vậy, 4-5 ngày đầu không nên tưới. Lúc này rơm còn đang ẩm. Tới ngày thứ 5, ta phun nhẹ trên bề mặt và xung quanh mô nấm để giữ ẩm. Khoảng 12-13 ngày sau là nấm đã mọc. Lúc này, ta tưới đều hơn nhưng không tưới quá ẩm.

Nấm rơm lớn rất nhanh. Từ khi xuất hiện nụ nấm tới lúc được thu chỉ 2-3 ngày. Lưu ý, khi nấm có 1 cái chụp bao bên ngoài. Không thu hoạch khi nấm đâm ra khỏi chụp và mọc lên như một cái ô. Vì rằng, nấm lúc đó rất dai, không ăn được. Ta chỉ thu nấm khi còn ở dạng búp (hình cầu hoặc hình trứng). Ta thu trong 3-4 ngày thì hết đợt 1. Khoảng 4-5 ngày sau nấm ra đợt 2, ta thu hết đợt 2 là xong.

Trồng nấm rơm không khó. Nhưng để hiểu tường tận, xin bà con tìm đọc cuốn “Nghề trồng nấm” của chúng tôi (trong bộ sách “100 nghề cho nông dân”). Xin liên hệ với NXB Nông nghiệp (ĐT: 043.8527008) hoặc liên hệ qua các trung tâm chuyên về nấm:

Phía Bắc: 0913.588.144

Phía Nam: 0903.744.686

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem