Vận động và làm trước
Không phải ngẫu nhiên mà tất thảy đồng bào Dao, Tày ở Cao Bình đều trìu mến gọi anh là “thủ lĩnh” của bản.
Năm 2006, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Lý Tiến Thắng bắt tay vào làm kinh tế. Với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, cùng năm đó anh được bầu làm Bí thư Đoàn. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh lại được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, vì Thắng vừa là đảng viên vừa có trình độ văn hóa lớp 9 - cao nhất bản thời điểm đó.
Năm 2008, anh tiếp tục kiêm nhiệm Chi hội trưởng Nông dân của bản khi bước sang tuổi 30. Là người trẻ, lại giữ vai trò thủ lĩnh, anh đã năng nổ, mạnh dạn đi đầu trong việc làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nghiền ngẫm nhiều sách tham khảo để thực hiện quy trình sản xuất mới...
Bản Cao Bình có trên 24ha ruộng canh tác, tuy nhiên do thiếu nguồn nước tưới nên thời điểm những năm 2007-2008 bà con chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mỗi năm.
“Mình còn trẻ mà được tín nhiệm giao trọng trách ở cả hai vai nên phải làm sao tìm ra hướng mới trong canh tác, sản xuất nhằm giúp bà con trong bản thoát nghèo...” - suy nghĩ ấy đã ám ảnh anh Thắng vào cả giờ ăn, giấc ngủ.
Anh nhớ lại: “Qua tìm hiểu thực tiễn, được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, tôi cùng với cán bộ của bản đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lấy lạc, ngô làm cây trồng chủ đạo. Điều quan trọng để bà con tin và làm theo thì bản thân mình và gia đình phải áp dụng thành công trước, và thật may mắn, tôi đã làm được điều đó...”.
Những thành công trong sản xuất cũng như trong chăn nuôi của “thủ lĩnh bản” đã hoàn toàn thuyết phục được bà con. Kể từ đó, việc đưa giống mới vào Cao Bình bắt đầu thuận lợi, bà con chấp nhận trồng cây lúa lai, ngô lai, chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao. Nhất là việc đưa cây lạc vào canh tác đại trà vụ hai đã đem lại thu nhập đáng kể. Chăn nuôi cũng được bà con đẩy mạnh phát triển.
Vui vì dân giàu lên
Phải cùng một lúc giải quyết nhiều việc ở nhiều cương vị nên hầu như rất ít khi Lý Tiến Thắng có thời gian rảnh rỗi. Anh không nề hà vất vả, bất cứ chỗ nào trong bản có việc là anh có mặt cùng bà con giải quyết. Nhìn tấm gương “thủ lĩnh” bản trẻ tuổi, năng động, nhiệt tình, bà con Cao Bình ai cũng thán phục.
“Là cán bộ ở bản có 100% số hộ là dân tộc thiểu số như Cao Bình, thời gian đầu tôi cũng gặp phải không ít khó khăn, nhưng cũng dần được khắc phục. Cán bộ bản cầm tay chỉ việc, nhắc từng gia đình làm theo nông lịch. Bù lại, bà con khi đã tin tưởng thì rất chịu khó đầu tư vào sản xuất. Chẳng thế mà từ năm 2010 đến nay, Cao Bình luôn ở trong nhóm những bản đi đầu trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của cả xã...” - Lý Tiến Thắng tự hào chia sẻ.
Chị Lý Thị Bền - một hộ có kinh tế khá giả ở Cao Bình nhận xét: “Cán bộ Thắng vừa trẻ vừa nói hay, làm giỏi lại thường giúp đỡ bà con nên ai cũng nghe theo. Vụ xuân vừa rồi, nghe anh ấy vận động mang giống lạc mới về trồng, nhà nào cũng đăng ký. Đến nay đang cho thu hoạch, củ lạc to và chắc lắm...”.
Hiện nay, công việc cày bừa ở bản đa phần được bà con sử dụng bằng máy móc, đáp ứng được thời vụ nên mặc dù diện tích canh tác hẹp, trồng cấy vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, nhưng năng suất cây trồng vẫn cao.
Từ chỗ thiếu đói lương thực, đến hết năm 2013, ngô lúa do bà con Cao Bình làm ra đã đạt bình quân 450 kg/người/năm, thừa ăn và chăn nuôi, còn dư để bán. Có thu nhập, bà con mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt. Nhà nào trong bản cũng có xe máy và tivi...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.