“Thủ lĩnh” giàu lòng nghĩa hiệp trên biển Hoàng Sa

Hồ Văn Thứ ba, ngày 29/08/2017 13:30 PM (GMT+7)
Mới 37 tuổi nhưng hơn 10 năm qua, ngư dân Nguyễn Tuấn Anh (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã là một thủ lĩnh đầy bản lĩnh và trách nhiệm của 11 chiếc tàu cá chuyên đánh bắt ở vùng biển xa như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa... Nguyễn Tuấn Anh vừa được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.
Bình luận 0

Tiên phong mở ngư trường xa

Phải tranh thủ giữa tuần trăng, tàu không ra khơi, chúng tôi mới gặp được Nguyễn Tuấn Anh sau nhiều lần lỡ hẹn. Nhìn vẻ bề ngoài trắng trẻo, thư sinh của Anh, ít ai nghĩ rằng anh là một ngư dân dạn dày sóng gió biển khơi. Anh kể, mới qua tuổi 12 anh đã bắt đầu theo cha đi những chuyến biển đầu tiên. Tính đến nay, chính Anh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần dong tàu ra biển. Với Nguyễn Tuấn Anh bây giờ, tàu cá là nhà, biển cả là quê hương, đất liền chỉ là bến trọ.

img

Tàu cá của Nguyễn Tuấn Anh đang đánh bắt ở biển Hoàng Sa. Ảnh: Phan Phương

Mới 37 tuổi nhưng với 25 năm chinh phục những vùng biển xa, Nguyễn Tuấn Anh đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng mơ ước. Ngoài căn nhà 3 tầng khang trang mới hoàn thành thì sắp tới vợ chồng anh dự định sẽ đầu tư đóng mới một chiếc tàu cá có công suất lớn để anh thỏa chí chinh phục vùng biển, ngư trường xa, góp phần bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc...

Mới 37 tuổi đời nhưng Nguyễn Tuấn Anh đã có tới 25 tuổi nghề, trong đó có hơn 10 năm anh giữ vai trò là tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển của 11 chiếc tàu cá với gần 100 lao động. Chừng ấy năm lênh đênh cùng sóng biển quê hương, Anh thuộc từng con nước, từng cột sóng, từng mét biển chủ quyền của Tổ quốc. Điều đó đã cũng làm nên nhiều điểm khác biệt trong cuộc đời ngư phủ đầy sóng gió của Anh.

Ở thời điểm còn nhiều khó khăn trước năm 2000, trong khi phần lớn ngư dân trong xã Cảnh Dương, trong huyện Quảng Trạch… chỉ quanh quẩn đánh bắt ở ngư trường gần bờ thì Anh và những bạn tàu trẻ tuổi của mình đã mạnh dạn vươn ra khám phá những vùng biển mới, xa, nơi chưa từng có tàu cá đánh bắt bao giờ. Điều này đã mang lại cho Anh và những bạn tàu của mình có những mùa biển “bội thu”.

Từ những chuyến đánh bắt ở vùng biển xa ấy, Anh đã mang về thu nhập cho gia đình mỗi năm trên dưới 1,5 tỷ đồng, đồng thời giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 7 thuyền viên trên tàu với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/người, trên tháng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 này, sau hơn 10 chuyến đi biển, tàu cá của Anh đã mang về nguồn lợn nhuận hơn 500 triệu đồng, các bạn tàu của Anh cũng đã được trả lương trên 110 triệu đồng/người.

Kể với chúng tôi về những chuyến đánh bắt ở vùng biển xa, đặc biệt là ở vùng biển Hoàng Sa, Anh không giấu được niềm tự hào: “Những vùng biển xa như Hoàng Sa thường rất lắm tôm, nhiều cá nhưng hiểm nguy cũng nhiều. Ngoài việc đối mặt với sóng to gió lớn của tự nhiên, nhiều thời điểm chúng tôi còn phải đối mặt với những gây hấn từ những tàu lạ… Nói thật không có chút can đảm, không có lòng yêu biển, yêu chủ quyền Tổ quốc thì chúng tôi không thể đến đó được đâu!”.

Lấy chữ tâm đặt lên hàng đầu

img

Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh bên tàu cá  neo tại sông Roòn (xã Cảnh Dương). Ảnh: P.P

Với những thành tích lao động trên biển, anh Nguyễn Tuấn Anh đã được các cơ quan nhà nước tặng nhiều giấy khen, bằng khen: Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình năm 2016; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Đặc biệt năm 2017, Nguyễn Tuấn Anh được chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 10 năm qua Nguyễn Tuấn Anh được nhiều bạn tàu tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển của 11 chiếc tàu cá với hơn 100 thuyền viên, dù tuổi đời anh còn rất trẻ. Quanh năm lênh đênh trên biển, hơn ai hết Anh thấu hiểu được nỗi vất vả gian truân và lắm rủi ro của nghề biển. Thế nên, ngoài việc thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ nhau, Nguyễn Tuấn Anh đã nhiều lần xả thân cứu người trên biển mà không chút đắn đo.

Là một người tổ trưởng, khi gặp những hoạn nạn trên biển, Anh luôn là người nhận thiệt hại về mình, tận lực giúp đỡ nhiều chiếc tàu cá hư hỏng có thể an toàn cập bến. Nguyễn Tuấn Anh kể rằng, năm 2003, khi đi xuất khẩu lao động 1 năm ở nước ngoài, anh đã học được nghề thợ hàn. Sau khi về nước, trở lại với nghề đi biển, Anh đã mua một chiếc máy hàn bỏ sẵn trên tàu. Cũng từ đó, nhiều tàu cá hỏng hóc ngoài biển (phần lớn đã gãy chân vịt, bánh lái…) đã được Anh hàn giúp mới có thể tiếp tục hành trình. Tính đến nay, Anh không nhớ rõ mình đã hàn giúp bao nhiêu chiếc tàu cá bị hỏng hóc.

Có một điều khác biệt, dù phải bỏ bê công việc đánh bắt, trằn mình cả ngày dưới hầm tàu để sửa chữa nhưng chưa bao giờ Anh lấy của bạn nghề một đồng tiền công nào. Thậm chí có nhiều lần bão tố cận kề, nhiều chiếc tàu cá trên đường tìm nơi tránh bão gặp sự cố, không làm ngơ khi bạn nghề gặp hoạn nạn, Anh đã dừng tàu để giúp và khi tàu bạn đã an toàn cập bến thì bão tố đã ập xuống ngay chính con tàu của mình. Nguyễn Tuấn Anh kể, tháng 10.2010, trong khi cho tàu vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới, thì Anh gặp tàu cá của ngư dân Nguyễn Rộng ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) đang bị gãy chân vịt không di chuyển được.

Không chần chừ suy nghĩ thiệt hơn, Anh nói với anh em kẹp tàu vào tàu của ông Rộng để giúp ông hàn chân vịt. Khi hàn xong chân vịt, giúp tàu ông Rộng thoát khỏi cơn áp thấp đang đến gần thì chính chiếc tàu cá của Anh do công suất nhỏ (90CV) đã không vào kịp bờ trước khi bị sóng dữ đánh chìm, mất hết tài sản, may mắn là mọi người trên tàu đã có một tàu cá khác cứu vớt nên an toàn.

Cách đây chưa đầy một tháng, trong lúc đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, một thuyền viên trong tổ hợp tác của Anh đã bị rơi xuống biển mất tích. Gần nửa tháng trời, Anh đã huy động tất cả 11 chiếc tàu trong tổ hợp tác quần thảo ở vùng biển đó để tìm bạn. Thế như do ở vùng biển đó nước sâu, lạnh nên dù đã cố gắng hết sức, Anh và những tàu các khác đã không thể tìm được người bạn tàu xấu số… Điều này đã để lại cho Nguyễn Tuấn Anh và các bạn tàu trong tổ hợp tác nỗi buồn khôn nguôi. Và cũng từ những mất mát, đau thương đó, Nguyễn Tuấn Anh và các bạn tàu càng nỗ lực, phấn đấu, thêm dũng khí để đối mặt với những hiểm nguy trên biển, đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu cho những chuyến đi biển xa trong thời gian tới…

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Nguyễn Tuấn Anh luôn nhắc đi nhắc lại một điều: “Làm nghề chi cũng phải lấy cái tâm làm đầu, nghề biển càng phải thế. Mình giúp người lúc này chưa chắc sau này người đó giúp lại mình, nhưng chắc chắn một điều sẽ có người khác giúp mình khi mình gặp hoạn nạn…”. Và Nguyễn Tuấn Anh đã luôn tin điều đó, anh lấy đó làm “kim chỉ nam” cho nghề đi biển khơi xa đầy sóng gió mà anh đã nguyện theo nó đến hết cuộc đời. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem