Sửa đổi NĐ 67 - Những vấn đề cần đặt ra: Bảo vệ ngư dân đến cùng

Trương Hồng Thứ hai, ngày 28/08/2017 08:30 AM (GMT+7)
Ngoài Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách khác ưu đãi để hỗ trợ như Quỹ Hỗ trợ ngư dân, quỹ giúp đỡ ngư dân, nông dân…
Bình luận 0

Hàng chục tỷ đồng giúp ngư dân

Tại Quảng Nam thời gian gần đây, số lượng tàu cá xa bờ của tỉnh Quảng Nam tăng rất nhanh do có chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như: Nghị định 67 của CP (NĐ); Quyết định 48 của CP; Quyết định 20 phê duyệt đề án hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ; thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam...

img

Đại diện Hội ND Quảng Nam (trái) trao quà hỗ trợ các ngư dân huyện Núi Thành bị tàu lạ cướp phá ngư cụ.  Ảnh: T.H

Ngày mai (29.8), tại TP. Đà Nẵng, Bộ NNPTNT, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67- Những vấn đề cần đặt ra” nhằm mục đích thảo luận, góp ý về những vấn đề còn hạn chế, cần sửa đổi, khắc phục trong việc thực hiện Nghị định 67 thời gian tới. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu, gồm: lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các địa phương ven biển, các doanh nghiệp, công ty đóng tàu, ngân hàng, chuyên gia kinh tế.

“Đây là cơ hội tốt để tỉnh có điều kiện phát huy tiềm năng lợi thế về biển, phát triển nghề khai thác hải sản nói riêng, kinh tế xã hội vùng ven biển, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân...” - ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Theo ông Út: Hiện tỉnh Quảng Nam có 4.289 chiếc tàu, thuyền với tổng công suất 268.584 CV, trong đó, tàu cá có khả năng hoạt động xa bờ là 585 chiếc với tổng công suất 203.584,6 CV. Giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động. Tổng sản lượng khai thác thủy sản với tốc độ tăng bình quân là 7%/năm; trong đó sản lượng có khả năng xuất khẩu chiếm khoảng 35%. Ngoài ra, Hội ND tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động hết sức thiết thực nhằm hỗ trợ, động viên, giúp đỡ ngư dân an tâm bám biển. Vận động ngư dân thành lập được 136 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 971 phương tiện nghề cá tham gia.

“Việc thành lập các tổ, đội đoàn kết đã phát huy sức mạnh cộng đồng hỗ trợ nhau về tìm kiếm ngư trường khai thác, về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như giúp đỡ nhau khi có sự cố tai nạn trên biển và sẵn sàng huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền các vùng biển của Việt Nam; vận động thành lập được 8 nghiệp đoàn nghề cá thu hút đông đảo ngư dân gia nhập. Đây là điểm sáng mới để Quảng Nam khơi dậy và phát triển nghề biển trên địa bàn…” - ông Út phấn khởi.

Theo Hội ND Quảng Nam, đến nay, Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã giải ngân 54,2 tỷ đồng để ngư dân triển khai đóng mới 55 tàu có công suất lớn, hoạt động ở các vùng biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

img

Đôi tàu vỏ thép trị giá 32 tỷ của ngư dân huyện Duy Xuyên được đóng theo Nghị định 67 vừa hạ thủy.  Ảnh: T.H

Về trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên, ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị TAND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hỗ trợ TAND TP. Tam Kỳ trong thu thập, bổ sung các chứng cứ để tiếp tục đưa vụ án ngư dân Trần Văn Liên kiện doanh nghiệp đóng tàu ra xét xử, kết luận giải quyết vụ việc để các cơ quan, đơn vị chấp hành giúp ngư dân Liên sớm đưa tàu vào sản xuất, ổn định cuộc sống…

Riêng các cấp Hội ND trong tỉnh đã thành lập được quỹ giúp đỡ nông dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn, qua 4 năm hoạt động (từ 2013-2017) đã có hàng trăm ngư dân được thăm hỏi, động viên giúp đỡ khi không may bị tai nạn trên biển hoặc gia đình ngư dân gặp khó khăn hoạn nạn. Năm 2016, Hội ND tỉnh đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên 2 chủ tàu đã tích cực tham gia cứu nạn, cứu hộ ở Trường Sa, thăm 10 ngư dân huyện Núi Thành bị tàu Trung Quốc cướp phá ngư lưới cụ, tổ chức đón 34 ngư dân bị tàu Trung quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa, qua đó đã trực tiếp hỗ trợ các ngư dân gặp nạn số tiền 34.000.000 đồng.

“Ngoài ra các cấp Hội còn vận động nhiều cơ quan, doanh nghiệp trao hàng trăm xuất học bổng giúp con em ngư dân có điều kiện học tập. Hội ND tỉnh còn phối hợp với công ty Bảo hiểm Bảo Long và Bảo Việt vận động kinh phí mua ngàn thẻ bảo hiểm tai nạn tặng thuyền viên, giúp họ yên tâm sản xuất, nếu chẳng may bị tại nạn. Những hoạt động trên tuy nhỏ nhưng thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của các cấp Hội ND đối với bà con ngư dân những người đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng, ngọn gió có đóng góp công sức rất lớn cho phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…” - ông Út chia sẻ.

Không để ngư dân chịu thiệt

Theo Hội ND tỉnh, việc triển khai NĐ 67 có thể nói thời gian qua rất tốt, những chiếc tàu vỏ thép hạ thủy, ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, hầu hết đều phát huy hiệu quả kinh tế rất cao, đem lại thu nhập ổn định cho thuyền viên. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới (đạt 100% chỉ tiêu phân bổ từ T.Ư), trong đó có 83 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hậu cần; trong số đó có 60 tàu vỏ thép 2 tàu composite và 30 tàu vỏ. Tính đến ngày 15.8.2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cho vay là 696,3 tỷ đồng, giải ngân được 666,96 tỷ đồng/63 tàu.

Tuy nhiên, duy nhất chỉ có một chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) bị hỏng máy do vận hành thử vẫn còn nằm bờ 2 năm, hiện chủ phương tiện đã kiện doanh nghiệp đóng tàu ra TAND TP.Tam Kỳ. “Về vấn đề này, Hội ND tỉnh kiến nghị với T.Ư cần cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do: tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; do diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường...” - ông Út kiến nghị.

img

Ông Huỳnh Tấn Đức  - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam

Ông Huỳnh Tấn Đức  - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng: Việc đánh giá các tiêu chí đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo NĐ 67 giữa các cấp chính quyền và các ngân hàng thương mại vẫn chưa đồng nhất; Bộ NNPTNT đã ban hành 26 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc, nhưng khi áp dụng cho từng địa phương, vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp. Đối với ngư dân, lâu nay chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép, nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ, vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình. Do vậy, khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách…

“Riêng trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên, tàu bị hỏng máy, đây là thiệt hại lớn nhất của ngư dân nói riêng và của tỉnh nói chung, vì đây là trường hợp đầu tiên của cả nước được đóng theo NĐ 67 kiện doanh nghiệp đóng tàu ra tòa. Cái thiệt thứ hai là ngư dân Liên 3 năm nay không vươn khơi bám biển được, bây giờ thiệt hại của ngư dân ai là người chịu trách nhiệm khi tòa án đưa ra kết luận cuối cùng. Dù sao đi nữa, phía ngành cũng sẽ đứng về phía ngư dân Liên” - ông Đức nói.

img

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tàu 16 tỷ đồng chứ có phải trăm triệu đồng đâu mà làm ẩu vậy. Theo tôi, tàu vỏ sắt của ngư dân Liên là có vấn đề, việc này không thể chấp nhận được. Hội ND tỉnh sẵn sàng đứng ra bảo vệ pháp lý, yêu cầu công an phải vào cuộc điều tra, điều tra xem xét khuyết điểm thuộc về đâu, nguyên nhân là do chủ tàu, do cơ sở đóng tàu hay do cơ sở kiểm định, cần phải làm rõ trước khi đi đến kết luận để xử lý…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem