Thủ phủ điều bi đát vì mất mùa mất giá, nông dân cạn nước mắt

Trần Hiền Chủ nhật, ngày 24/02/2019 09:33 AM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều vườn điều đã chín rũ cây, rụng kín gốc nhưng vì điệp khúc “mất mùa mất giá” nên hàng trăm hộ dân tại huyện Ia Grai (Gia Lai) chẳng buồn xuống vườn thu hoạch.
Bình luận 0

Cám cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá

Những năm gần đây, hai loại cây chủ lực của Tây Nguyên là hồ tiêu, cà phê cùng lâm cảnh rớt giá thảm, nhiều vườn tiêu còn nhiễm bệnh chết đồng loạt khiến nông dân thiệt hại nặng nề. Tưởng rằng cây điều sẽ là cái phao cứu giúp người dân vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại, bởi điều cũng là loại cây chủ lực của nông dân Gia Lai, nhưng đáng tiếc là khi vừa bước vào vụ thu chính, giá điều bỗng rớt thảm từ hơn 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg.

img

Điệp khúc "mất mùa, mất giá" tiếp tục hành hạ người nông dân. 

Không chỉ mất giá, vụ điều năm nay còn mất mùa nặng do những cơn mưa vào dịp cuối năm đúng vào lúc điều ra hoa khiến bông bị thối, không đậu quả.

Ngán ngẩm vì vụ điều oái ăm, ông Trần Lực (53 tuổi, trú tại thôn 2, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) thở dài nói: “Chán lắm rồi, chẳng muốn thu hoạch nữa các cô chú à. Nhà tôi có hơn 2ha điều, cơn mưa cuối năm đã làm thối hoa hơn một nửa, gần 1ha còn lại, tưởng sẽ kiếm được đồng ra đồng vào nay thấy giá chẳng buồn nhặt nữa. Mùa điều năm ngoái, mỗi ha tôi thu được khoảng 40 triệu còn năm nay, không biết có thu nổi 20 triệu không...”.

img

Thủ phủ điều những ngày này ảm đạm vì giá điều nguyên liệu sụt giảm mạnh. 

Cả năm cháy nắng ngoài ruộng vườn, đến khi thu hoạch người nông dân chỉ thu về những giọt nước mắt “mặn chát” cùng nỗi lo nợ nần. Họ nợ tiền phân bón mùa này rồi lại mùa tới, tiền công cán, chi phí thuê nhân công… Chưa hết, sự lo lắng còn hiện rõ lên khuôn mặt mỗi người vì sợ rằng giá điều sẽ tiếp tục “lao dốc không phanh”.

Thực tế là trong năm 2018, giá điều dao động từ 40.000- 50.000 đồng/kg. Đến đầu năm 2019, giá điều rớt thảm chỉ còn 29.000-30.000 đồng/kg, mức giảm kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Cũng như gia đình ông Trần Lực, hiện 2ha điều của bà Trần Thị Thu (55 tuổi, trú tại xã Ia Tô) đã chín nhưng năng suất thì giảm 1 nửa so với năm 2018. Từ 30 tết đến thời điểm hiện tại, bà Thu luôn có mặt tại vườn để tranh thủ nhặt điều chín, phần vì không thể đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch, phần sợ mất trộm. 12h trưa người phụ nữ có tuổi này vẫn lau vội giọt mồ hôi “mặn chát” trên trán để tiếp tục công việc của mình.

img

Giá điều giảm mạnh chỉ còn 29.000 đồng/kg.

“Cũng chẳng muốn nhặt điều nữa, nhưng không nhặt lấy tiền đâu trả phân bón, thuốc men. Năm ngoái, với 2ha điều tôi thu được 90 triệu đồng nhưng năm nay chắc chỉ được khoảng 40 triệu đồng” - bà Thu chán nản nói.

Làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm?

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều vườn điều ở các xã Ia Tô, Ia Khai, Ia O, Ia Krai… huyện Ia Grai đều đã chín, rụng gốc rất nhiều. Tuy nhiên, giá bán và sản lượng điều năm nay đều giảm mạnh, khiến nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, không dám thuê nhân công thu hoạch vì không đủ chi phí trả.

img

Nhiều vườn điều đã rụng vàng gốc, nông dân chán nản chẳng buồn thu

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phùng Hưng – Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Ia Grai cho biết, diện tích điều trên địa bàn huyện đạt 5.307 ha, hiện người dân đang bước vào thời điểm thu hoạch chính. Tuy nhiên, giá cả đã giảm rõ rệt chỉ còn chưa đầy 30.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất so với những năm gần đây.

"Về năng suất, phía huyện chưa có số liệu cụ thể vì vẫn đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng theo chia sẻ của người dân thì năng suất giảm mạnh so với năm 2018. Trước đó, vào tháng 12.2018 khi vào mùa điều ra hoa, một số vùng trồng điều đã gặp phải những cơn mưa dài khiến bông hoa bị thối, đậu quả kém" - ông Hưng nói. 

img

Năm nay năng suất điều của gia đình ông Lực đã bị giảm một nửa do thời tiết thất thường.

img

Giá cả hạ thấp nhiều nhà vườn không dám thuê nhân công.

“Hiện đời sống của người nông dân đang gặp khá nhiều khó khăn vì các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều đều rớt giá mạnh, đặc biệt là hồ tiêu chết khá nhiều. Để phần nào cải thiện đời sống kinh tế của người dân, Phòng NNPTNT huyện Ia Grai đang đẩy mạnh xen canh các loại cây ăn quả, tìm và liên kết với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm giúp bà con.

"Ngoài ra, chúng tôi đang tăng cường tổ chức các phiên chợ nông sản kết hợp với các tour du lịch để quảng bá nâng cao chất lượng sản phẩm. Sắp tới sẽ có lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô, đây là thời điểm khá thích hợp để huyện giới thiệu các loại nông sản đặc sản như chôm chôm Ia Châm, cá lăng, na thái, cà phê bột…” - ông Hưng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem