Thu Quỳnh chia sẻ về trầm cảm tuổi học đường: "Các con cần được cảm thấy có giá trị"

Thủy Vũ Thứ bảy, ngày 09/04/2022 15:15 PM (GMT+7)
Là một người mẹ và cũng từng trải qua bệnh trầm cảm, diễn viên Thu Quỳnh có những chia sẻ với Dân Việt về vấn nạn đang gây nhức nhối này.
Bình luận 0
Thu Quỳnh chia sẻ về trầm cảm tuổi học đường: "Các con cần được cảm thấy có giá trị!" - Ảnh 1.

Diễn viên Thu Quỳnh trong "Tọa đàm Trầm cảm tuổi học đường. Cách nào vượt qua?" do báo Đại đoàn kết tổ chức. Ảnh: FBNV

Trong Tọa đàm Trầm cảm tuổi học đường. Cách nào vượt qua? gần đây, Thu Quỳnh có chia sẻ bản thân từng là bệnh nhân trầm cảm. Quãng thời gian được cho là đen tối đó đối với Thu Quỳnh thế nào?

- Cũng như bao người khác, mỗi độ tuổi tôi đều gặp những vấn đề khác nhau mà mình phải đối mặt. Không phải chuyện gì mình cũng dễ dàng vượt qua, những lúc mà tôi cảm thấy bế tắc, thường có điểm chung là mất niềm tin vào bản thân, cảm giác con người mình không có một giá trị tốt đẹp nào. Tôi  không phải là chuyên gia về tâm lý, nhưng dựa trên những trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng rất nhiều người từng trải qua bệnh trầm cảm sẽ có biểu hiện tương tự.

Tôi được may mắn xuất hiện trên màn ảnh qua nhiều bộ phim, qua nhiều vai diễn nhưng điều đó cũng phải đánh đổi áp lực vô cùng nặng nề. Có vai diễn mà người làm nghề như tôi phải cống hiến sức lực đến hơn 20 tiếng 1 ngày, thậm chí đi ngủ cũng nằm mơ là mình đang diễn. Khi phim của mình ra mắt, có ý kiến đóng góp đầy thiện chí nhưng bình luận tiêu cực, mang mục đích vùi dập cũng chẳng ít.

Chính vì những bình luận tiêu cực mà đôi lúc tôi cảm thấy chán ghét chính bản thân, suy nghĩ rằng: "Phải chăng mình đã nỗ lực vô ích, mình có phải người yếu kém hay không? Mình không có khả năng, không có chuyên môn hay sao?".

Thu Quỳnh chia sẻ về trầm cảm tuổi học đường: "Các con cần được cảm thấy có giá trị!" - Ảnh 2.

Thu Quỳnh đã từng trải qua bệnh trầm cảm và vượt qua được. Ảnh: FBNV

Vậy Thu Quỳnh đã vượt qua những mặc cảm và áp lực đó ra sao?

- Tôi cho rằng, sự chia sẻ là liều thuốc tốt nhất. Hãy tìm đến một ai đó làm mình cảm thấy tin tưởng nhất để chia sẻ bản thân từng tự ti hay cô đơn ra sao. Khi ta được lắng nghe, mọi âu lo muộn phiền sẽ được giảm bớt đáng kể.

Tuy nhiên, trước khi làm điều đó, tôi luôn cố gắng tự nhủ với bản thân rằng: mình phải là bác sĩ của chính mình. Lúc đó, tôi đã cố gắng để không chạy trốn mà phải nhìn vào sự thật rằng, mình đang gặp vấn đề và mình cần sự giúp đỡ, đó là được lắng nghe. Và may mắn rằng tôi đã có được bản lĩnh để vượt qua điều đó, rồi có người thân, bạn bè để san sẻ cùng mình trong lúc khó khăn.

Vậy với vị trí là một người mẹ, Thu Quỳnh làm cách nào để biết con mình trong trường hợp đang có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm?

- Tôi có quan sát một số trường hợp, thấy rằng có những bố mẹ thường hay yêu con đến mức "thần tượng" con, hay nghĩ rằng con mình sinh ra đã xuất chúng hoặc chắc chắn sẽ không thể làm điều gì đó tiêu cực. Tuy nhiên, có khuyết điểm hay biểu hiện bất thường mà người ngoài thấy mà bố mẹ lại không thấy, vì bố mẹ hay cho rằng mình sinh con ra nên mình biết tính con thế nào.

Với góc nhìn của một người mẹ, tôi không bỏ qua bất cứ một biểu hiện dù là nhỏ nhất của bạn Be (con trai của Thu Quỳnh - PV) nhà tôi đang bước vào lớp 1. Có thể ngày hôm đó Be đi học về cảm thấy hơi mệt hay gặp chuyện gì đó không vui, tôi cũng muốn ở bên hỏi han con nhẹ nhàng xem con ra sao, để con cảm thấy có người bên cạnh quan tâm.

Thu Quỳnh chia sẻ về trầm cảm tuổi học đường: "Các con cần được cảm thấy có giá trị!" - Ảnh 3.

Thu Quỳnh không ngại đặt vị trí của mình ngang hàng với con hay học hỏi từ con điều gì đó để làm bạn với con. Ảnh: NVCC

Theo Thu Quỳnh, quan tâm con thế nào mới hợp lý?

- Tôi xin phép được nhắc lại mình không phải là một chuyên gia nên những gì mình chia sẻ ở đây, đều dựa trên kinh nghiệm tự bản thân đúc kết trong quá trình nuôi dạy con. Chắc chắc mọi người thường không ít lần nghe tới phương pháp "làm bạn với con", nhưng theo quan điểm của tôi, làm bạn ở đây là sẵn sàng đặt vị trí của mình xuống ngang bằng với con, hay thậm chí là không ngại học hỏi từ con điều gì đó.

Tôi cũng từng cho rằng, mình trải qua độ tuổi của bạn Be, nên mình hiểu con nghĩ gì, con đang học trên trường ra sao. Nhưng hoàn toàn không phải, thời của tôi và con có rất nhiều sự khác biệt. Như khi tôi  cùng con học bài, có những bài toán mà tôi hoàn toàn không biết phương pháp giải thế nào. Những lúc đó tôi lại phải "lén lút" đi học ở đâu đó hoặc trao đổi với Be rằng: "Bài này mẹ không hiểu, con có thể giảng cho mẹ cách làm mà con học ở trường được không?". Con đã đi học trên trường vất cả ngày, nếu về nhà mình tiếp tục đóng vai là thầy của con hay gay gắt con, chắc chắn con sẽ bị quá sức.

Thật ra, câu hỏi này vẫn luôn làm tôi hết sức trăn trở và nghĩ về những vụ việc không may gần đây xảy ra với lứa tuổi học đường. Dù những bạn học sinh có biểu hiện nổi loạn hay nghĩ quẩn đến mức muốn chấm dứt cuộc sống thì các bạn ấy đang muốn khẳng định giá trị của mình. Người lớn hay cho rằng, những giá trị đó là sai lệch, nhưng chính vì các bạn chưa thể phát triển hoàn thiện nên không tránh khỏi bị vấp ngã. 

Bản thân chúng ta cũng vậy, ai cũng phải trưởng thành từ những sai lầm nên thay vì đem chúng ra để chỉ trích, hãy ở bên và khiến cho các bạn cảm thấy bên trong mình vẫn còn nhiều giá trị tốt đẹp. Bố mẹ hãy tìm cách khai thác nó và đừng bỏ bẫng đi, như vậy sẽ chỉ khiến con tiếp cận với những giá trị xấu.

Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cho con: "Tại sao chúng ta có mặt trên cuộc sống?"; "Sự sống có ý nghĩa như thế nào?". Đấy là cách mà gia đình có thể đồng hành cùng con cái, hiểu những mong muốn của con.

Thu Quỳnh chia sẻ về trầm cảm tuổi học đường: "Các con cần được cảm thấy có giá trị!" - Ảnh 4.

Thu Quỳnh hạn chế sử dụng mạng xã hội và khi đặt điện thoại xuống nói chuyện với con trai, Thu Quỳnh thấy con cởi mở hơn! Ảnh: FBNV

Mạng xã hội hay điện thoại thông minh chắc chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý của các bạn trẻ hiện hại. Thu Quỳnh làm cách nào để hạn chế ảnh hưởng đó cho con mình?

- Điện thoại thông minh hay mạng xã hội là phương tiện giúp cho chúng ta có thể học hỏi, được biết mọi thứ mà không mất quá nhiều thời gian. Chính vì thế, tôi cũng không thể ngăn cấm con sử dụng nó hoàn toàn nhưng phải dùng có hiệu quả và chừng mực.

Nhiều bố mẹ vì bận việc nên thường đưa cho con một chiếc điện thoại, chiếc máy tính bảng để không phải chơi đùa hay trò chuyện cùng con. Chính vì thế con mình sẽ gần như mất đi sự giao tiếp, không chỉ là những người xung quanh mà ngay cả chính bố mẹ mình.

Nhưng muốn con hạn chế sử dụng chúng, người lớn chúng ta nên trở thành tấm gương đầu tiên. Quỳnh biết nhiều phụ huynh thường hay mắng con mình là "cắm mặt" vào điện thoại nhưng có chăng ngay chính chúng ta là người làm điều đó trước tiên? Chẳng phải chúng ta cũng "cắm mặt" vào điện thoại để đọc email, để trả lời tin nhắn, để nói chuyện công việc, trao đổi cùng bạn bè… hay sao?

Nếu như được phép đưa ra một một giải pháp, hay một thử thách thì tôi mong muốn mỗi gia đình nên có một 1 ngày trong tuần không dùng điện thoại, hãy dành thời gian đó để đi chơi cùng nhau và tâm sự cùng nhau. 

Tôi đã từng khóa Facebook 1 tháng, tài khoản mạng xã hội nào tôi cũng có nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tôi hạn chế sử dụng mạng xã hội và khi đặt điện thoại xuống nói chuyện với bạn Be, tôi thấy con cởi mở hơn!

Cảm ơn những chia sẻ của Thu Quỳnh!

Lý giải về những áp lực dẫn đến chứng trầm cảm ở trẻ em tại Tọa đàm Trầm cảm tuổi học đường. Cách nào vượt qua? do báo Đại đoàn kết vừa tổ chức, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng:

"Tôi cảm nhận được những áp lực của con trẻ hiện nay. Trong khi cha mẹ nhìn nhận về những áp lực của trẻ em là vấn đề nhỏ thì thực tế vấn đề trưởng thành của các em lại chính là sự đau đớn. Ở lứa tuổi mới lớn, các em chịu nhiều áp lực từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay chính bản thân mình.

Nếu như với người lớn, câu chuyện áp lực có thể là những nỗi lo toan về cuộc sống và thậm chí có những người trút áp lực đó lên đầu con trẻ. Do đó, các con phải chịu áp thực từ bố mẹ trong gia đình. Cùng với đó, các em có thể chịu áp lực từ trường học bởi câu chuyện thành tích hay áp lực từ thầy cô. Ngoài xã hội, trẻ em cũng dễ chịu áp lực từ định kiến người lớn luôn luôn đúng. Dẫn đến các em phải chịu áp lực từ nhiều phía. Hay như đơn thuần xuất phát từ câu chuyện nhỏ một học sinh chưa đóng tiền học phí sẽ có thể chịu áp lực từ bạn bè xung quanh. Những áp lực đó đôi lúc hay bị người lớn bỏ qua khiến các em ngày một bế tắc.

img

Nhà văn Hoàng Anh Tú (ngoài cùng bên trái) tại Tọa đàm "Trầm cảm tuổi học đường. Cách nào vượt qua?" do báo Đại đoàn kết tổ chức. Ảnh: FBNV

Cũng theo chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh yêu thương con nhưng lại không biết cách thể hiện tình cảm với con, đồng thời con trẻ cũng không hiểu được tình cảm của cha mẹ. Do đó, chúng ta cần thể hiện tình yêu thương với con đúng cách để con hiểu được tình cảm của bố mẹ dành cho mình. Đây chính là điều giữ con ở lại và giúp con vượt qua mọi áp lực từ đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem