Thủ tướng Phạm Minh Chính: 13 tỉnh, thành ĐBSCL phải liên kết để bổ sung cho nhau, không trông chờ, ỷ lại

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 06/03/2022 15:08 PM (GMT+7)
Hôm nay 6/3, tại Kiên Giang, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch Covid-19. 

Ngoài ra, còn thách thức lớn hơn, được nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn đó là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL không được trông chờ, ỷ lại - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” ngày 6/3 tại Kiên Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, những thách thức nói trên như một lời nguyền, nếu không vượt qua được thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Do đó, đã đến lúc ĐBSCL cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ NNPTNT cùng UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. 

"Hy vọng rằng, đến năm 2025, chương trình liên kết sẽ giúp phát triển bền vững cho vùng châu thổ sông Me kong này" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NNPTNT sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. 

Văn phòng điều phối sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL không được trông chờ, ỷ lại - Ảnh 2.

Bộ NNPTNT ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Huỳnh Xây

Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL còn điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống, hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp. 

Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.

Đóng góp nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL

Tại hội nghị, trong phần thảo luận đóng góp ý kiến, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hai khâu yếu nhất của vùng ĐBSCL là nhân lực và hạ tầng. Trong bối cảnh nguồn vốn Trung ương và địa phương còn khó khăn, cần có cơ chế, chính sách để huy động mạnh mẽ các nguồn lực phát triển.

Còn ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp vùng còn rất hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ.

Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho hay, trong phát triển ngành lúa gạo ĐBSCL có 13 bài toán khó. Trong đó có việc được mùa mất giá, mất mùa được giá, chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất của hộ dân thấp, liên kết sản xuất chưa hiệu quả, chưa gắn được sản xuất với tiêu thụ ổn định,...

Muốn giải được các bài toán nêu trên, theo ông Thòn, giải pháp hàng đầu là phát triển mô hình hợp tác xã để liên kết sản xuất, hướng tới các hợp tác xã có diện tích tối thiểu 1.000 ha. 

Trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp giảm chi phí đầu vào, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, chế biến sâu, từng bước nâng chất lượng, bán được giá cao.

Cũng tại hội nghị, đa số các đại biểu vui mừng vì mới đây, ĐBSCL là vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây là một chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng.

13 tỉnh, thành ĐBSCL không được trông chờ, ỷ lại

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành với nhiều tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh. Thời gian qua, ĐBSCL luôn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW về ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

"Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước, là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Tập trung phát triển nhanh và bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo bước đột phá nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội".

Để phát triển nông nghiệp bền vững, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần gắn kết chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên kết để bổ sung cho nhau cùng phát triển cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương phải phát huy tính tự lực, không trông chờ, ỷ lại.

"Làm sao phải đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thời gian qua, ĐBSCL đã đạt kết quả đáng mừng như đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước. Cụ thể, chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem