Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng tôi nhận khuyết điểm việc chưa hoàn thành Nghị quyết Trung ương giao

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 08/11/2023 14:41 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận khuyết điểm việc Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá X giao Chính phủ thể chế hoá nhưng gần 15 năm qua chưa được thực hiện.
Bình luận 0

Ngày 8/11, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, sau gần 15 năm, đến nay vẫn chưa thể chế hóa nội dung này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến bao giờ sẽ thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết đã giao?

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng tôi nhận khuyết điểm việc chưa hoàn thành Nghị quyết Trung ương giao - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh QH

Bên cạnh đó, Nghị định 42 năm 2017 quy định cho phép ủy quyền cho địa phương để thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng đối với một số dự án nhóm A. Tuy nhiên, Nghị quyết 15 năm 2021 không còn ủy quyền nữa.

Đại biểu Hạnh đề nghị Thủ tướng cho biết việc ủy quyền một số dự án như trên có phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hay không? Đồng thời, đề nghị rà soát các trường hợp tương tự để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa.

"Giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành phải nhận khuyết điểm"

Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh về việc Nghị quyết 27 giao nhưng sau gần 15 năm chưa thể chế hoá, Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi nhận khuyết điểm về vấn đề này. Giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành phải nhận khuyết điểm, phải kiểm điểm, phải xử lý trách nhiệm và phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành; đồng thời Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phụ trách phải vào cuộc cùng các bộ, ngành để thực hiện.

Thủ tướng nhận khuyết điểm vì chưa hoàn thành Nghị quyết Trung ương giao - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định). Ảnh: Quốc hội

Về vấn đề phân cấp phân quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chủ trương là phải tăng cường phân cấp phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp và phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp.

Theo Thủ tướng, chúng ta có chính quyền trung ương, tỉnh, huyện, xã... nên phân cấp phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo, phân định rõ trách nhiệm các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp phân quyền, tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của Quốc hội, cử tri.

Nguyên nhân, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là do chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước. Các cơ quan trung ương, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong xây dựng quy định; năng lực của cán bộ chưa đáp ứng; việc đáp ứng các yêu cầu của người dân liên quan đến 1 cấp, nhiều ngành nên phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu...

Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, khả năng của cấp dưới. Đồng thời, các cấp phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy...

"Có những dự án các bộ, ngành liên quan phải phối hợp các địa phương, không có nghĩa phân cấp, phân quyền là giao khoán cho địa phương, cấp dưới mà phải đôn đốc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo sinh kế cho người dân

Phúc đáp đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) định hướng và giải pháp với lao động ở khu vực phi chính thức, Thủ tướng phân tích, yếu tố nền tảng của đất nước ta là đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là đứt gãy các chuỗi cung ứng về công nghiệp. Chúng ta mất đơn hàng, mất các chuỗi cung ứng do đại dịch, do khó khăn, doanh nghiệp khó khăn nên việc dịch chuyển lao động này cũng là việc điều tiết để cho người lao động phù hợp với tình hình và có điều kiện để tìm sinh kế cho mỗi người.

"Tính tự chủ, tính tự lực, tự cường ở đây rất đáng hoan nghênh. Nhưng rõ ràng về mặt quản lý nhà nước là chúng ta rất đáng suy nghĩ", Thủ tướng nói.

Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, phải tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân. Muốn có công ăn việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực công nghiệp là chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động.

"Liên quan đến an sinh xã hội, chúng ta phải làm tốt công tác an sinh xã hội, phải "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", phải hỗ trợ nhau", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, Chính phủ đang tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật đã ban hành để đi vào cuộc sống và từ đó giải quyết được vấn đề lao động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem