Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho những dự án hạ tầng giao thông

Thế Anh Thứ hai, ngày 04/07/2022 22:00 PM (GMT+7)
Ngày 4/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng giao thông.
Bình luận 0

Các dự án hạ tầng giao thông đang đáp ứng tiến độ

Các dự án giao thông được thảo luận gồm có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, có dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng TP.Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Long Thành.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho những dự án hạ tầng giao thông? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thông tin về các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan; tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai dự án, như thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Đồng thời, thực hiện giao ban định kỳ, kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, có giải pháp kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án.

Chính phủ kịp thời ban hành 2 Nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương trong việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án sắp triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác các mỏ làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Về tiến độ các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: "Tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ".

Với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đầu năm 2022, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào khai thác; 4 dự án thành phần với chiều dài 361,47 km dự kiến hoàn thành năm 2022; 4 dự án thành phần 3 với chiều dài 148,39 km dự kiến hoàn thành năm 2023; 2 dự án thành phần 4 với chiều dài 127,8 km dự kiến hoàn thành năm 2024.

Riêng 4 dự án có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), đến nay sản lượng trung bình đạt 61,3%.

Bên cạnh các dự án nêu trên, dự án sân bay Long Thành còn chậm trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công san nền khu vực nhà ga.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho những dự án hạ tầng giao thông? - Ảnh 2.

Dự án sân bay Long Thành đang được triển khai. Ảnh: Thế Anh

Giá vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

Nêu ra khó khăn đối với các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án như về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đắp nền đường; giá nhiên, nguyên, vật liệu thời gian qua có biến động lớn.

Ngoài ra, thời tiết có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ ảnh hưởng đến tiến độ thi công; năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án…

Với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các dự án này, đề nghị phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM và dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Đánh giá về tiến độ các dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia là thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, trong đó vai trò quan trọng của chính quyền địa phương; bố trí vốn đủ để thực hiện các dự án và giải ngân hiệu quả các nguồn vốn.

Cùng với những nội dung nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp rà soát, nếu còn vướng mắc thì tháo gỡ ngay để có các mỏ, đủ nguyên vật liệu cho các dự án.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu khai thác các công trình lưỡng dụng như các sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Nà Sản (Sơn La)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem