Ông Nguyễn Quang, một hộ trồng tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, có một số thương lái dạo đến khu vực này để hỏi mua rễ tiêu. Nhiều nhà vườn vì tình hình giá tiêu xuống thấp nên khi chặt bỏ vườn tiêu đã “tranh thủ” đào gốc để bán lấy tiền.
Ông Quang thông tin, khi hỏi mua, thương lái không phân biệt rễ tiêu còi cọc, già cỗi phải phá bỏ hoặc vườn cây bị dịch bệnh, chết. Tất cả sản phẩm mua được đều gom chung với nhau để bán cho một số mối thương lái Trung Quốc. Giá bán tùy loại rễ đã phơi khô hoặc rễ tươi.
Giá tiêu xuống thấp, nhiều nhà vườn chặt bỏ vườn tiêu. Một số thương lái đến hỏi mua rễ tiêu, bất kể vườn cây dịch bệnh, già cỗi...
Không chỉ ở huyện Xuân Lộc, một số thương lái cũng bắt đầu tìm về các vùng trồng tiêu khác của tỉnh Đồng Nai như các xã Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom) để hỏi mua rễ tiêu. Tại các địa phương này, hiện đang có tình trạng nhiều nhà vườn chặt bỏ vườn tiêu để chuyển sang trồng chuối, vì giá tiêu xuống thấp trong thời gian dài vừa qua.
Một chủ vườn trồng tiêu tại Trảng Bom đang thu dọn vườn tiêu 4 năm tuổi của gia đình, cho biết: Vườn tiêu vừa cho thu hoạch thì “dính” dịch bệnh, năng suất đã thấp, giá bán lại không bao nhiêu trong khi giá chuối xuất khẩu đang rất tốt. Do đó, gia đình quyết định dẹp bỏ vườn tiêu. Trong lúc đang cưa trụ tiêu thì có thương lái đến hỏi mua rễ tiêu.
“Tôi có nói là vườn tiêu có bị dịch bệnh, có phun thuốc… nhưng thương lái họ vẫn hỏi mua, giá rễ tươi là 20.000 đồng/kg. Tôi hỏi họ mua làm gì thì có lúc họ nói làm phân bón, có lúc bảo bán cho tiệm thuốc Bắc”, ông này cho biết.
Trong khi đó, mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị TX.Long Khánh và các huyện trên địa bàn thông tin đến người dân về việc một số thương lái mua gốc, thân, rễ cây hồ tiêu chết khô để xay thành bột trộn với tiêu xay gia vị.
Có ý kiến lo ngại, việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu sẽ làm lây lan dịch bệnh trên vườn tiêu.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, việc này rất nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng vì có thể trong thân, gốc, rễ cây hồ tiêu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Do đó, các địa phương cần vận động nông dân trồng tiêu nâng cao tinh thần cảnh giác, không bán thân, gốc, rễ cây hồ tiêu cho thương lái; báo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện có cá nhân, đơn vị mua thân, gốc, rễ cây hồ tiêu để theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trước đó, ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện 4 thương lái mua rễ tiêu của các hộ dân đang chặt bỏ, cải tạo vườn tiêu với giá 20.000 đồng/kg rễ tươi và 80.000 đồng/kg rễ đã phơi khô. Các thương lái này sau đó bán lại cho Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga. Làm việc với UBND xã Xuân Thọ, đại diện công ty này cho biết mua rễ tiêu bán cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc Bắc.
Thế nhưng, một cán bộ nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu với mục đích phá hoại kinh tế, gây ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm tiêu Việt Nam xuất khẩu hoặc làm lây lan dịch bệnh từ các vườn tiêu bệnh sang các vườn tiêu khỏe mạnh.
Do đó, hành vi này phải được được ngăn chặn kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu cũng như ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam. Trước đó, cũng đã có tình trạng thương lái thu gom rễ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên để bán cho thương lái Trung Quốc. Chính quyền địa phương các tỉnh này đã ngăn chặn kịp thời, xử lý tiêu hủy các lô rễ tiêu đã được thương lái thu gom…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.