LTS: Cách đây 7 năm, Bộ Y tế ban hành Quyết định 41 về quy định bày bán thực phẩm với nhiều tiêu chí vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế từ các phản thịt cho thấy, từ khi Quyết định 41 ra đời, hầu như không ai giám sát, quản lý. Các loại thịt ôi thiu, thịt bẩn bày bán tràn lan từ thành phố tới thôn quê...
Thịt được bày bán ngay vỉa hè, dưới lòng đường trong tình trạng ôi thiu, ngả màu... nhưng người bán vẫn thản nhiên bán, còn người mua hàng nhắm mắt bỏ qua, phần vì nghèo, phần vì hám lợi… Trong khi đó, cơ quan quản lý vắng bóng.
|
Thịt được bày bán tại cổng chợ Vồ (Hà Đông). |
Vô tư mua bán
12 giờ trưa, khi cái nắng của Hà Nội đã trở nên gay gắt hơn thì tại khu vực bán thực phẩm của chợ Vồ (số 8 Quang Trung, Hà Đông) vẫn tấp nập kẻ mua, người bán. Chỉ bước đến đầu chợ, mùi hôi nồng từ các mẹt thịt đã xộc lên khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Trong vai người mua hàng, chúng tôi không ngớt nhận được những lời mời chào: “Mua thịt gà đi em, chị bán rẻ cho”. Vừa nói, người bán hàng vừa giơ tảng thịt gà đã se khô, ngả màu tím tái lên mời chào...
Vài năm trở lại đây, chợ Vồ được biết đến là chợ đầu mối thịt ôi thiu giá rẻ của Hà Nội, với các mặt hàng từ thịt lợn, thịt gà đến thịt bò, tôm, cá… Chợ chỉ họp từ 12 giờ – 15 giờ trong ngày, thời điểm mà các khu chợ khác đều đóng cửa nghỉ trưa. Chị Hoa - người bán thịt lợn cho hay, toàn bộ thịt ở đây đều là thịt ế được tập kết từ các chợ trong nội thành. Trước đây, thịt được bán ngay ở vỉa hè đường Nguyễn Trãi, bày la liệt trên những tấm xi măng hay bao tải dứa đen ngòm và cáu bẩn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi bị công an dẹp mạnh, người bán chuyển vào chợ Vồ. Người bán hàng chỉ bày trên bao tải dứa một con gà hay dăm ba miếng thịt lợn đã ôi...
Chiều 23.8, phóng viên đã làm việc với cán bộ UBND xã Đông Ngạc (Từ Liêm). Tuy nhiên, thay vì cung cấp các thông tin cho báo chí, cán bộ xã lần lượt khất lần, đùn đẩy trách nhiệm. Một cán bộ xã cho rằng nó không thuộc địa phận xã Đông Ngạc, nên họ không có trách nhiệm trả lời. Thậm chí có cán bộ còn thờ ơ cho rằng: “Đúng là có chợ thịt ôi tại đây, nhưng đa phần những người mua thịt là người lao động nghèo, ít kiến thức mới mua ăn thôi, chứ như chúng tôi chả ai dại mà ăn”.
Giá thực phẩm ở chợ Vồ rẻ bằng một nửa so với giá thông thường. Thịt lợn có 40.000 - 50.000 đồng/kg, rẻ hơn mức giá thông thường là 80.000 - 100.000/kg. Tương tự, thịt gà có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, thịt bò có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết người đi chợ này đều mua với số lượng lớn. Thay vì xách túi nylon, nhiều người mang cả bao tải to hay làn mây cỡ lớn, chất tới cả chục cân thịt.
Một chủ hộ kinh doanh tại chợ này cho hay, hầu hết khách hàng của anh mua hàng về phục vụ cho các quán cơm bình dân, bún chả, thậm chí là những hàng cơm văn phòng. Anh này khuyên chúng tôi: “Làm cơm văn phòng mà mua thịt ngon thì lãi lời được bao nhiêu. Em cứ tẩm ướp lên là thơm ngon hết. Nếu lấy số lượng lớn, anh chở hàng đến tận nhà mà không tính phí”.
Thịt bẩn “tấn công” bữa cơm dân nghèo
Chợ thịt ôi dưới chân cầu Thăng Long (giáp ranh 2 xã Xuân Đỉnh và Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) cũng khá nổi tiếng và chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng. Gọi là chợ nhưng ở những khu vực này không có quầy hàng, thịt được bày la liệt trên bao tải dứa, kẻ đứng, người ngồi nhốn nháo.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn (lái buôn thịt ở Mê Linh), sau khi bán thịt lợn tại chợ Nam Trung Yên, nếu quá 12 giờ mà không hết thì anh sẽ mang về đây để bán. Nhưng thường tháng nào anh cũng phải ngồi ở chân cầu này đến 20 ngày vì còn quá nhiều thịt ế. Trước đây, những người ngồi chợ này phải vừa bán vừa chạy, nhưng từ ngày có bà bán hàng nước chè bên đường sang thu tiền “làm luật” thì chợ không còn phải chạy như trước nữa. “Mỗi người ngồi bán thịt ở đây đều phải nộp 5.000 đồng cho một lần ngồi. Nếu không nộp sẽ bị đuổi đi, thậm chí bị chửi bới, đánh...”.
Ông Nguyễn Văn Hiển - cán bộ Trạm Y tế phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết, từ đầu năm tới nay cơ quan này đã phối hợp với phường tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để xử lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc bày bán thịt lợn tại chợ Vồ. Tuy nhiên, đây là địa bàn giáp ranh giữa phường Yết Kiêu và phường Quang Trung nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Khi phóng viên hỏi cơ quan y tế có biết việc thịt ôi thiu vẫn bán ở chợ không, ông Hiển cho rằng chưa hề nghe người dân phản ánh về vấn đề này. “Nếu tiểu thương có bán cũng hoạt động không công khai, vì thế khó xử lý triệt để được” - ông Hiển nói.
So với chợ Vồ, giá cả ở đây cũng tương đương nhưng chất lượng lại kém hơn nhiều lần. Những miếng thịt lợn chảy nước, màu bạc phếch được dãi ra ngay dưới mặt đất, ruồi, nhặng bâu kín, nhưng người bán hàng chẳng buồn đuổi đi. Trong khi đó, cả người mua và người bán vẫn thản nhiên ngã giá. Có thể dễ dàng nhận thấy, phần đông người mua hàng đều là công nhân của các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Dựng chiếc xe đạp vào lề đường, chị Nhân hớt hải bỏ đôi găng tay len lao động dày cộp để chạy lên vỉa hè chọn thịt. Không khỏi nhăn mặt khi nhấc từng miếng thịt lên ngửi, nhưng cuối cùng chị cũng tặc lưỡi mua 4 lạng với mức giá 10.000 đồng. Cầm túi thịt ngả màu trên tay, chị cười ngượng nghịu: “Hồi trước chưa biết chợ này, có khi cả tuần nhà mình mới dám mua ít thịt về ăn, còn lại chỉ ăn đậu với lạc. Biết là thịt ở đây không được tươi ngon, nhưng lương bọn mình thấp, tiền đâu mà ăn sang!”.
Chị Nhân cho biết, không chỉ riêng mình mà hầu hết công nhân cùng ở xóm trọ đều mua thịt giá rẻ dưới chân cầu. Sau khi mua về, để thịt bớt mùi ôi thiu, họ xát một lớp muối dày để rửa. Chị Nhân bảo, nhiều hôm thịt ôi quá, chị phải rửa thêm bằng giấm và ướp bột ngũ vị hương để rán mới “tẩy” hết được mùi...
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.