Thức trắng, lùng sục các chợ để xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 08/11/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sau 3 năm hoạt động, lãnh đạo Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, cả lãnh đạo và cán bộ của ban đã phải nhiều đêm thức trắng, nhiều lần phối hợp hoạt động xuyên đêm với các lực lượng thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý vi phạm ATTP.
Bình luận 0

Trắng đêm “soi” thực phẩm bẩn

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP cho biết, từ khi thành lập cuối năm 2017, Ban đã sử dụng 300/400 nhân sự hiện có của Ban để cơ cấu vào các đội thanh tra, quản lý ATTP ở 24 quận, huyện.

Để tìm đường đi và phát hiện các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, cả Ban đã nhiều đêm thức trắng, lùng sục tại các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, xử lý.

img

img

 Ban ATTP TP.HCM kiểm tra lợn giết mổ tại lò mổ An Hạ (Củ Chi).  Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã đề xuất trình Chính phủ thành lập Sở ATTP TP.HCM trong thời gian tới.

Việc đề xuất Ban quản lý ATTP thành Sở ATTP như một sở chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố là để tạo điều kiện cho Ban có đầy đủ cơ sở pháp lý, phát huy hiệu quả công tác, phù hợp với thực tế hoạt động. Khi ra đời Sở ATTP sẽ chịu sự quản lý chuyên môn của 3 bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT.

Tuy nhiên, do vướng các quy định hành chính về xử lý vi phạm, tiêu hủy tang vật khi phát hiện thực phẩm không an toàn, có lúc cán bộ Ban phải áp dụng “đòn” tâm lý với các đối tượng vi phạm để họ chấp nhận tiêu hủy lô hàng.

“Chúng tôi vận động chủ hàng tiêu hủy ngay sau khi bị phát hiện, vì có những lô hàng số lượng quá lớn, muốn lưu kho chờ quyết định thì không có chỗ chứa. Còn nếu doanh nghiệp không chịu tiêu hủy ngay, sau khi có kết quả kiểm tra, xét nghiệm, chúng tôi phạt nặng hơn nữa để làm gương” - bà Lan cho biết.

Dù đã rất nỗ lực để đảm bảo ATTP cho người dân thành phố, nhưng với địa bàn rộng lớn, lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ hằng ngày “khổng lồ” nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được. 

Bà Nguyễn Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được nhờ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của TP.HCM thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải. Đầu tiên chính là công ty trong chuỗi cung ứng toàn diện phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp thông thường khác có chuỗi cung ứng thiếu chặt chẽ.

Các doanh nghiệp này thường chỉ tham gia ở khâu thu mua, xử lý trứng mà không đầu tư con giống, kiểm soát chế độ ăn dinh dưỡng, đầy đủ cho gia cầm. Tuy vậy, họ vẫn nhận là trứng sạch “từ trang trại đến bàn ăn”.

Hơn nữa, những doanh nghiệp phát triển chuỗi phải đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi gia cầm, đầu tư dây chuyền xử lý trứng tốn kém nhiều chi phí cố định cho nhà máy, lại phải bán sản phẩm bằng giá với những cơ sở thu mua thông thường, không qua xử lý ngoài thị trường.

“Đó cũng là nguyên nhân phần nào làm cho những doanh nghiệp đổi mới phải chịu những tổn thất, riêng những hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác vô tình được hưởng lợi. Qua đó, cho thấy động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những sản phẩm an toàn đến nhiều nhất vẫn từ nhận thức của người tiêu dùng” - bà Ba Huân cho biết.

Lúng túng với phụ gia thực phẩm

Ông Trần Đăng Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Brenntag Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp này vẫn còn lúng túng trong việc công bố các nguyên liệu thực phẩm trong thành phần có các phụ gia chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong trường hợp này, Brenntag Việt Nam đã phải xin phép Cục ATTP cho phép sử dụng phụ gia đó. Doanh nghiệp này đề xuất Cục ATTP đưa vào quy định cho phép làm hồ sơ tự công bố sản phẩm cho sản phẩm nguyên liệu thực phẩm nêu trên.

“Chúng tôi cũng lúng túng trong việc công bố các chất hỗ trợ chế biến chưa có trong danh mục cho phép. Hiện nay, danh mục chất hỗ trợ chế biến theo QĐ 46/2007 là rất hạn chế và chưa được cập nhật” - đại diện Brenntag Việt Nam cho biết.

Đồng tình, đại diện DuPont Nutrition & Biosciences cho rằng, Nghị định 15/2018 thay thế Nghị định 38/2012 quy định một số điều của Luật An toàn thực phẩm là một cải cách đột phá trong quản lý hành chính lĩnh vực ATTP. Nghị định 15 cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy vậy, Nghị định 15 và Thông tư 24/2019/BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập như chưa quy định hình thức công bố sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia ngoài danh mục hoặc đối tượng sử dụng.

“Cũng chưa quy định thủ tục và thời gian xin phép bổ sung phụ gia thực phẩm, đối tượng thực phẩm chưa được quy định, chưa có trong danh mục. Riêng khái niệm “phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới” là một khái niệm mới tại Việt Nam. Trong quá trình thực thi văn bản quy phạm pháp luật về công bố sản phẩm, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc hiểu rõ khái niệm này” - đại diện DuPon Nutrition & Biosciences cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem