Thuê xe ô tô tự lái ở Hà Nội, người dân "sập bẫy" mất tiền đặt cọc
Thuê xe ô tô tự lái ở Hà Nội, người dân "sập bẫy" mất tiền đặt cọc
Việt Sáng
Chủ nhật, ngày 05/02/2023 10:13 AM (GMT+7)
Trên mạng xã hội xuất hiện thủ đoạn dụ người có nhu cầu thuê xe ô tô tự lái đặt cọc tiền thuê, rồi người xưng là chủ xe lặn mất tăm, không giao xe như thỏa thuận.
Thời gian gần đây, một số đối tượng tài khoản trên mạng xã hội quảng bá thông tin cho thuê xe ô tô tự lái rồi "ỉm" tiền đặt cọc của khách hàng khiến nhiều người rơi vào cảnh tiền mất mà không thuê được xe.
Nhiều hội nhóm thuê xe ô tô tự lái cũng có những bài đăng “bóc phốt” các chiêu trò kể trên của đối tượng cho thuê xe ô tô tự lái "ảo". Theo chia sẻ, người thuê đã tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, gọi điện làm việc và đặt cọc tiền thuê xe, nhưng tới ngày lấy xe thì không liên lạc được với bên cho thuê.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Toàn (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) phản ánh với PV Báo điện tử Dân Việt về việc đã đặt cọc thuê xe ô tô tự lái nhưng không được giao xe như cam kết.
Cụ thể, trước Tết Nguyên đán 2023, gia đình anh Toàn cần di chuyển nhiều nên muốn thuê xe ô tô tự lái, thế nhưng ngay sau khi anh đặt cọc để chốt xe, người cho thuê biệt tích.
"Tôi vào nhóm Hội cho thuê xe ô tô tự lái trên mạng xã hội thấy nick facebook Hoàng Ah Tuyên đăng bài cho thuê xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Người này đưa ra nhiều thông tin uy tín như có 4 cơ sở, giá cho thuê ngày tết lại rẻ hơn một số đơn vị khác, nguồn xe dồi dào nên tôi đã tin tưởng.
Người này liên tục hối thúc phải chuyển tiền để cọc xe không người khác thuê mất. Dù đã rất cẩn thận nhưng do đang cần xe nên tôi đã dính bẫy", anh Toàn bức xúc.
Theo đó, anh Toàn đã chuyển cho đối tượng Hoàng Ah Tuyên 1.000.000 đồng để cọc xe, thế nhưng ngay sau đó đối tượng liền chặn mọi liên lạc.
"Tuyên bảo tôi chuyển tiền vào số tài khoản 02888943301 thuộc ngân hàng TPBank mang tên Hoang Anh Tuyen, sau khi tôi chuyển và yêu cầu ra lấy xe thì đối tượng bặt vô âm tín.
Thông tin người này đăng tải cùng với địa chỉ gara cũng không chính xác", anh Toàn nói.
Tìm hiểu của phóng viên phóng viên, anh Toàn không phải là nạn nhân duy nhất bị mất tiền đặc cọc.
Trong các hội nhóm cho thuê xe, anh Đ.H.Q (trú tại Hà Nội) cũng liên tục đăng bài cảnh báo về trường hợp facabook "Hoàng Ah Tuyên" cho thuê xe rồi lừa tiền cọc.
"Tôi cũng là nạn nhân của người này. Mới đầu đối tượng giới thiệu nhiệt tình, bảo qua cơ sở để kiểm tra xe. Nhưng khi tôi muốn ra tận nơi cọc rồi lấy xe thì không cho. Do ngày Tết, nhu cầu cần xe nên tôi đã chuyển 500.000 đồng", anh Q cho biết.
Dùng chiêu trò tinh vi để "dụ" người thuê xe ô tô tự lái
Từ thông tin các nạn nhân cung cấp, chúng tôi tìm và liên hệ với nick facebook Hoàng Ah Tuyên để xem chiêu trò của đối tượng này.
Trên facebook cá nhân, người tự xưng tên Tuyên đăng các thông tin giới thiệu bản thân rất uy tín.
"Tôi có mấy showroom, cửa hàng bán xe tô tô, cho thuê xe ô tô tự lái - xe đời mới, sản xuất và đăng kí năm 2022. Khách ở tỉnh xa, có hộ khẩu vẫn cho thuê bình thường. Công ty hiện có rất nhiều văn phòng, chi nhánh tại các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh. Công ty có nhân viên giao xe đến tận nhà. Thủ tục nhanh gọn, chuyên nghiệp. Khách hàng chỉ cần mang đăng ký xe hoặc 15 triệu tiền mặt. Danh sách các showroom của tôi gồm...". Đây là những dòng thông tin người này cung cấp để lừa người thuê xe. Bên cạnh đó, mức giá thuê đưa ra rẻ hơn một số đơn vị khác dẫn đến việc người thuê xe có niềm tin hơn.
Ngay sau đó, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại 0969176528 được cho là của người xưng tên Tuyên.
Đầu dây, giọng một người đàn ông xưng tên Tuyên quảng cáo nhiệt tình mọi dịch vụ. Và điểm đến cuối cùng, Tuyên yêu cầu phải cọc để giữ chỗ, giữ xe.
"Em không cọc anh không giữ xe cho đâu. Thời điểm này nhiều người thuê. Em cọc ít nhất 1.000.000 đồng cho anh nhé. Sáng mai, tầm 7h30p em ra showroom số 2a đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) để nhận xe và cọc thêm", Tuyên yêu cầu.
Khi phóng viên bảo hiện tài khoản không đủ, ngày mai ra nhận xe và gửi cọc luôn. Tuyên vẫn nài nỉ nếu có 200.000 đồng hoặc 300.000 đồng thì cọc trước.
Sau một lúc đàm phán không được Tuyên tắt máy. Sáng hôm sau, phóng viên liên hệ lại, Tuyên không bốc máy.
Lần theo địa chỉ đối tượng cung cấp, phóng viên có mặt tại địa chỉ 2b đường Lê Đức Thọ (Hà Nội). Thế nhưng theo ghi nhận tại khu vực này, không có công ty như lời Tuyên quảng cáo.
Cẩn thận hình thức cho thuê xe ô tô tự lái
Trao đổi với Dân Việt, anh Minh Vương - chủ một công ty cho thuê xe tại Hà Nội cho biết, mặc dù thuê xe ô tô không đòi hỏi thủ tục quá phức tạp, song những ai sử dụng dịch vụ này vẫn cần nắm được một số lưu ý để tránh mất tiền oan, hoặc thuê phải những chiếc xe không phù hợp, không đảm bảo chất lượng.
"Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu tìm xe giá rẻ, giá hời và nguồn cung dồi dào để đánh vào tâm lí khách hàng mà chiếm đoạt tiền cọc.
Người thuê xe nên chọn chỗ cho thuê uy tín, tốt nhất là có pháp lý công ty, có địa chỉ cụ thể và thông tin liên lạc chất lượng. Đặc biệt nên tìm xe sớm cách tết, lễ khoảng 15-30 ngày để thoải mái về thời gian và thị trường còn rất nhiều xe để chúng ta chọn, giá thì bao rẻ.
Người thuê xe cần chủ động tìm kiếm đến chỗ cho thuê để biết họ là ai, họ ở đâu và họ còn hoạt động không. Lưu ý là kiểm tra số điện thoại của người cho thuê xem có làm trong lĩnh vực cho thuê xe thật sự, bằng cách copy số điện thoại đó và dán lên google là sẽ hiển thị thông tin”, anh Vương nói.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, đối tượng lừa tiền cọc của người thuê xe có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.