Thượng đẳng sâm "made in Vietnam" sẽ thông dụng như... rau?

Duy Hậu - Hoài Thu Thứ hai, ngày 22/06/2015 06:30 AM (GMT+7)
Mỗi lạng thượng đẳng sâm với mức giá chỉ trên dưới 100.000 đồng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, cao cấp như: canh sâm tươi hầm với các loại thịt heo, bò, gà với nhiều củ, quả, rau xanh; sâm tươi xay chung với các loài cây trái khác để thành sinh tố; sâm tươi cắt lát mỏng ngâm với mật ong...
Bình luận 0

Thấy tôi ngỡ ngàng vì cái tuổi 53 chẳng ăn nhập gì với vẻ bề ngoài, anh cười nửa đùa, nửa thật “chắc tại anh dùng nhân sâm nhiều nên trẻ đó”. Đấy là anh Nguyễn Phú Tuấn, người đang có tham vọng biến thượng đẳng sâm thành món ăn thông dụng rẻ như… rau cho mỗi gia đình Việt. Hiện anh Tuấn sở hữu vườn thượng đẳng sâm gần 10ha trên đỉnh Biduop- Núi Bà (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

Từ thuần hóa sâm núi

Người ta gọi anh là Tuấn “nông nghiệp” bởi anh rất mê nông nghiệp. Dù ngành học chẳng ăn nhập gì với nghề nông nhưng năm 2006, vợ chồng anh lại vào Đạ Chais xây dựng trang trại rau xanh rộng đến hơn 30ha. Có lẽ việc quyết định vào Đạ Chais là cái duyên đã định sẵn để anh “gặp” thượng đẳng sâm. “Tôi đến thăm trang trại của anh bạn trong Bidoup mới biết loại sâm này. Lúc đó bạn tôi, một tiến sĩ khoa học thuộc Viện Dược liệu phía Nam, đang nghiên cứu về đặc tính sinh thái của cây nhân sâm tự nhiên trong rừng rậm Bidoup – Núi Bà. Rồi anh này ngỏ ý muốn tôi cùng giúp thuần hóa sâm rừng thành sâm nhà”- anh Tuấn kể.

img
Anh Phú Tuấn chăm sóc những mầm thượng đẳng sâm từ trong ống nghiệm  vừa đưa ra vườn. Ảnh: Duy Hậu
Câu chuyện tưởng chẳng đến đâu nhưng nó đã “ăn” vào tâm trí anh kể từ lần gặp đó. Vậy là anh bắt đầu tìm hiểu về sâm. “Thượng đẳng nhân sâm (hay thượng đẳng sâm, hồng đẳng sâm, đẳng sâm…) là 1 trong 40 loại cây nằm trong danh mục cây thuốc quý cần được bảo tồn và phát triển của Bộ Y tế. Theo đánh giá, hàm lượng saponin trong thượng đẳng sâm 2 tuổi đạt 6,37% và khi 4 tuổi đã đạt hơn 9%. Trong khi đó, đối với nhân sâm hàm lượng saponin đạt từ 3% đã đạt tiêu chuẩn. Khi tìm hiểu thị trường, thấy nhiều người dân phải bỏ tiền triệu để mua sâm Hàn Quốc mà chất lượng rất thấp nên mình càng quyết tâm hơn. Nhiều người bảo mình liều nhưng mình đã chấp nhận liều. Bởi đây là cơ hội không chỉ cho bản thân mà cho rất nhiều người”- anh Tuấn tâm sự.

Chẳng chần chừ nữa, Công ty Cao Lâm (do vợ anh Tuấn làm giám đốc) đã cùng Viện Dược liệu xin Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn, nhân giống và phát triển thượng đẳng nhân sâm. Ngay trong năm 2009, những cây thượng đẳng sâm đầu tiên đã được đưa từ ống nghiệm ra vườn. Nhưng chỉ sau 3 tháng, vườn sâm ngàn cây của anh Tuấn chỉ còn vỏn vẹn 50 cây sống sót. Bàng hoàng trước thất bại, song những mầm sâm còn sót lại đã thôi thúc anh nuôi hy vọng. Anh tự bảo mình phải bình tĩnh hơn. Tìm kiếm khắp nơi chẳng được một tài liệu nào hướng dẫn kỹ thuật trồng loại cây này nên anh Tuấn đã quyết định tự mình “huấn luyện” cho cây. Không vội vàng như lần trước, từ trong ống nghiệm, những mầm thượng đẳng sâm bắt đầu được cho tiếp xúc dần với ánh sáng. Khi cây quen ánh sáng mặt trời, anh mới đưa chúng ra vườn. Cứ thế, anh kiên trì rút kinh nghiệm mỗi ngày, mỗi tháng… Và sự kiên trì của Tuấn đã được đền đáp. Từ 5% ban đầu, cứ mỗi vụ xuống giống, tỷ lệ sống của thượng đẳng sâm tăng dần lên 10%, 20%… và đến thời điểm hiện tại đã đạt đến 50%. Và từ 1 sào ban đầu đến nay anh Tuấn đã mở rộng diện tích lên đến gần 10ha.

Đến tham vọng biến sâm thành… rau

Năm 2011, Tuấn “nông nghiệp” thu hoạch lứa sâm đầu tiên. Theo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chuyên môn, hàm lượng saponin trong thượng đẳng sâm của anh Tuấn đạt 6,37%, tương đương với thượng đẳng sâm tự nhiên trong rừng Bidoup. Đầu năm 2012, sản phẩm thượng đẳng sâm tươi của Tuấn “nông nghiệp” đã được Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và chất lượng tốt vì làm theo quy trình VietGAP. Sản phẩm thượng đẳng nhân sâm tươi cũng đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Cũng từ đó, sản phẩm sâm tươi của Tuấn “nông nghiệp” bắt đầu có mặt trong các cửa hàng rau sạch, các bếp ăn của nhiều nhà hàng, các trung tâm thể dục thể thao; các hệ thống siêu thị như: Citi mart, Vinatex, Maximart… với số lượng tăng dần từ vài trăm ký ban đầu đến vài tấn như hiện nay. “Mỗi 1ha thượng đẳng sâm, sau 4 năm trồng đạt năng suất trên 1 tấn củ. Nếu thu hoạch từ sau sau 2 năm, sản lượng mỗi năm ước đạt 6 tấn. Với giá bán dao động từ 0,5 -1,5 triệu đồng/kg, mỗi năm mình thu về khoảng 5 tỷ đồng”- anh Tuấn cho biết.

Quan điểm

Anh Nguyễn Phú Tuấn
 Bước đầu có thể gọi là thành công song khó khăn trước mắt vẫn chưa phải hết. Mong ước lớn nhất của tôi là làm sao biến sản phẩm chất lượng cao này trở thành quen thuộc trong mỗi gia đình Việt. Và để làm được điều đó, tôi đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. 
Theo PGS - TS Trần Công Luận - Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh thì thượng đẳng sâm chẳng thua gì sâm Hàn Quốc. Ông đánh giá: “Trên thị trường Việt Nam, sâm Hàn Quốc đang bán với giá rất cao, từ 5- 10 triệu đồng một bình rượu vài lít ngâm với đôi, ba củ sâm tươi. Mỗi ký củ sâm đóng gói giá bán hàng chục triệu đồng. Thế nên sâm Hàn Quốc có thể nói là một sản phẩm xa xỉ, chỉ dùng cho người có thu nhập cao. Nay Lâm Đồng có thượng đẳng sâm Bidoup với công dụng tương đương như nhân sâm Hàn Quốc đã được các cơ quan khoa học trong nước ghi nhận. Thượng đẳng sâm có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, cao cấp như: Canh sâm tươi hầm với các loại thịt heo, bò, gà với nhiều củ, quả, rau xanh; sâm tươi xay chung với các loài cây trái khác để thành sinh tố; sâm tươi cắt lát mỏng ngâm với mật ong; sâm tươi nguyên củ ngâm với rượu… Với giá bán như hiện nay, mỗi lạng thượng đẳng sâm chỉ trên dưới 100.000 đồng, có thể nói đây là cơ hội lớn để những người có thu nhập thấp sử dụng được sản phẩm chất lượng cao”.

 

Trở lại câu chuyện của Tuấn “nông nghiệp”, tuy đang thu tiền tỷ mỗi năm từ vườn sâm, song theo anh con số đó chẳng thấm tháp gì so với số vốn đã bỏ ra. Từ ngày “kết duyên” với thượng đẳng sâm, vợ chồng anh đã phải chạy vạy khắp nơi để “nuôi” chúng. Năm 2014, Sở KHCN Lâm Đồng đã hỗ trợ cho công ty anh 500 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu, bảo quản, chế biến sau khi thu hoạch cho thượng đẳng sâm với 3 loại sản phẩm mới: Sâm tươi đóng hộp, cao sâm và sâm tẩm mật ong. Anh Tuấn bảo “số tiền đó thật rất quý giá đối với tôi”.

Thế nhưng tham vọng của Tuấn “nông nghiệp” không phải là thuần hóa sâm để làm giàu cho mình mà là anh muốn biến sâm thành… rau trong mỗi bếp Việt. “Một lạng sâm tươi có thể chế biến được một bữa ăn bổ dưỡng cho 5-6 người. Với giá bán như hiện tại chỉ từ trên dưới 100.000 đồng/lạng thì những người thu nhập thấp có thể dễ dàng sử dụng sản phẩm chất lượng cao này”- anh Tuấn nói.

Để tham vọng biến thượng đăng sâm thành món ăn rẻ như rau, Tuấn “nông nghiệp” cho biết: “Sắp tới, mình sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con dân tộc ở vùng cao trồng đẳng sâm ở những khu vực có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp rồi bao tiêu sản phẩm cho họ. Mình tin rằng điều này sẽ giúp nhiều nông dân nơi đây thoát nghèo. Hơn thế, điều này sẽ làm tăng sản lượng sâm trên thị trường để ngày càng có nhiều người được sử dụng thượng đẳng sâm”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem