Tích số của thời gian

Chủ nhật, ngày 07/08/2011 15:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn bao kiếp dân sinh con sâu cái kiến, thấp cổ bé họng ẩn khuất khắp làng quê vùng núi. Nhà báo Phùng Nguyên đến với họ, viết về nỗi đau, thăng trầm cuộc đời họ, không phải để "giật tít, bán báo" chuyện ly kỳ mà xót thương và cảm thông...
Bình luận 0

1. Người đàn bà bị phong cứ chờ đêm là trốn trại về làng, cặm cụi vần đất, đóng gạch. Đạo diễn xử lý hình ảnh négative (âm bản) gây ám ảnh và hằn vào trí nhớ non nớt của tôi. Năm ấy, tôi học lớp 1, xem phim “Chuyện tử tế” (sản xuất 1985) ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư. Hằng "hủi", Trần Thị Hằng, chỉ là một nhân vật cùng với ông xích lô, bác chữa xe, ông giáo về hưu đi bán rau của mạch phim về những phận người hậu chiến; về lương tâm con người trước đồng loại thiệt thòi trong bộ phim tài liệu gần 50 phút của NSND Trần Văn Thủy.

img
Bìa cuốn “Thung lũng mỹ nhân” của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên.

21 năm sau (20066), Trần Thị Hằng - người đàn bà nghị lực hiếm có và sức mạnh phi thường ấy xuất hiện trên báo Tiền Phong qua “Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà” của Nguyễn Hữu Phùng Nguyên. Dùng thủ pháp đặc tả của điện ảnh, bằng ngôn ngữ rung động, anh viết: "Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy đôi bàn tay cụt hết ngón, sần sùi, sứt sẹo, đôi chỗ vẫn còn rớm máu... Gần cả một đời, người đàn bà "khó đôi bàn tay" này đã nếm trải trăm đắng ngàn cay mà có lẽ các nhà tiểu thuyết cũng không tưởng tượng ra nổi" và cận cảnh lần nữa, tạo cái kết ngưng đọng: "Ra về, tôi nắm chặt bàn tay của người đàn bà ấy. Đôi tay cụt ngón đã tự mình viết nên một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp".

img
Nguyễn Hữu Phùng Nguyên

2. Sau 10 năm ra trường, Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (sinh năm 1978) có số lượng phóng sự được in gấp hơn 10 lần số tuổi. Tập sách “Thung lũng mỹ nhân” vừa phát hành gồm 30 bài chọn lọc, chỉ là một mặt trong khối rubic mà Phùng Nguyên đã kết tụ bởi sự đa dạng của các nhân vật, miền đất anh đặt chân, những trải nghiệm và dấn thân. Mặt rubic này cũng là "tiểu rubic" thứ nhất của mảng phóng sự cho tập sách báo chí đầu tiên của cây bút trẻ ít nhiều đã tạo được uy tín.

Những "mặt màu" chứa ái, ố, hỉ, nộ, bi kịch, khổ đau, nghiệt ngã trong xoay vần khốc liệt của cuộc sống dữ dội chứa đựng lương tâm công dân - nhà báo của tác giả. Giọng kể là giọng điệu chính. Phát hiện nhân vật, khai thác họ, dựng lại một quãng đời, "đi qua cuộc đời" họ sau khi đã tìm hiểu hoàn cảnh quá khứ - hiện tại, đối chiếu và phân tích các nguyên cớ, nhân chứng, chi tiết để đưa đến độc giả cái nhìn đồng cảm về những con người đơn độc, lẻ loi, bất hạnh, Phùng Nguyên viết được những tác phẩm có giá trị nhân văn và sức cảnh báo.

Đọc, mà tự nhủ lâu nay chúng ta bàng quan trước đồng bào, đồng loại của mình thế ư? Vẫn còn bao kiếp dân sinh con sâu cái kiến, thấp cổ bé họng ẩn khuất khắp làng quê vùng núi. Trong hối hả tham vọng, mưu sinh, mấy ai động lòng xót xa họ? Phùng Nguyên đến với họ, viết về nỗi đau, thăng trầm cuộc đời họ, không phải để "giật tít, bán báo" chuyện ly kỳ, truân chuyên, éo le giật gân ngang trái.

Bước vào "Thung lũng mỹ nhân", không chỉ gặp những người đẹp ở Phong Thổ, Lai Châu, Phùng Nguyên sẽ đưa bạn rời Tây Bắc tới Việt Bắc, một cú chuyển đột ngột khi anh viết loạt phóng sự điều tra về tên tội phạm giết người Ngô Tiến Dũng (Thái Nguyên) lưu lạc sang Canada buôn bán cần sa xuyên quốc gia và thành triệu phú (bài “Từ tội phạm giết người đến triệu phú đô la”).

Lại thấy "Người đẹp Nha Trang và kết thúc có hậu của hoa khôi ết", rồi bị hút vào phóng sự 5 kỳ "Tìm mộ liệt sĩ từ xa bằng ngoại cảm" từng gây xôn xao. Ở đó, hành trình tìm mộ nhà văn Nam Cao sau nửa thế kỷ thất lạc; mộ người chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân (Hải Dương), Vũ Thị Kính và hàng ngàn mộ liệt sĩ được tìm thấy nhờ các nhà ngoại cảm.

Đọc “Thung lũng mỹ nhân”, người ta cảm nhận tác giả có sự điềm tĩnh của một phóng viên chân chính làm chủ ngòi bút. Không có những bài báo lá cải hàng chợ được viết từ Phùng Nguyên - người luôn ký tên thật của mình.

3. Sức vóc, đam mê khám phá, khai thác của Phùng Nguyên, phải được bộc lộ ở ngay cuốn tiếp theo. Tôi chờ cùng bạn đến những miền xa xôi, mạo hiểm. Trang báo "nóng" vì chữ tuôn từ mạch máu có khi phải thấm cả máu, mồ hôi, nước mắt của nghề được xếp vào danh sách nghề nguy hiểm nhất thế giới đó sao!

Đi qua "thung lũng" sẽ tới ngọn núi khác cao hơn. Để tìm "ngọc trong đá", tìm tích số phải cần sự tích hợp không chỉ của thời gian. Không thể dừng bước, ngần ngại. Và cần nhiều nữa những dư âm, thậm chí dư chấn từ Phùng Nguyên. Độc giả và tôi đòi hỏi. Tin chờ.

Nguyên vốn là người có sức nén (và khả năng bứt phá bất ngờ). Im lặng lao về phía trước. Phía mặt khác của rubic đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem