Ngay trong phiên buổi sáng 17.5, HĐXX (TAND TP. Hòa Bình) công bố: Nhận thấy sự có mặt của ông Bùi Nghĩa Thịnh (bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh – chuyên gia về thận) là không cần thiết, nên không chấp nhận sự có mặt của ông Thịnh tại phiên toà theo như đề nghị của luật sư (sự có mặt của bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến quá trình chạy thận nhân tạo).
Hợp đồng ký sau khi xảy ra sự cố
Trong phần xét hỏi, tòa cũng đã triệu tập vợ ông Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước trâm Anh).
Đại diện Công ty Trâm Anh (là vợ bị cáo Quốc) khai tại tòa: "Lần đầu tiên báo giá là 44.000.000VND, lần thứ 2 là 49.500.000VND. Bên Công ty Trâm Anh chưa gửi cho Công ty Thiên Sơn. Ngày 25.5.2017, chồng tôi đi từ Nam ra, tôi rất bất ngờ vì chồng tôi đi công tác mà có chữ ký ở hợp đồng này. Công ty Trâm Anh chưa nhận được số tiền hợp đồng. Ngày 29.5, chồng tôi ở bệnh viện Hòa Bình về. Ngày 30.5 (sự cố y khoa khiến 8 người thiệt mạng xảy ra vào sáng ngày 29.5), chồng tôi mang con dấu sang Thiên Sơn đóng dấu, đến chiều chị Minh (PGĐ Công ty Thiên Sơn) mang dấu sang trả tôi và bảo Quốc để quên con dấu nhưng tôi không có nhà và chị Minh đưa cho em trai của Quốc".
Tại phần xét hỏi của HĐXX nhiều vấn đề của vụ án đã dần sáng tỏ.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Vũ Hải (tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Quốc), đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định có ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh vào ngày 25.5.2017. Thời điểm ký hợp đồng không làm thay đổi việc bị cáo Quốc sửa chữa vào ngày 28.5.2017.
Khi được hỏi về địa điểm ký hợp đồng, đại diện Thiên Sơn nói: “Ký hợp đồng với Trâm Anh ở đâu là việc của chúng tôi. Chúng tôi khẳng định có ký, hành vi đó đã được xác lập”.
Về thời điểm ký hợp đồng, vợ bị cáo Quốc phủ nhận ngày 25.5.2017 như lời khai của phía Thiên Sơn. Theo chị, chồng mình có hợp đồng tại bệnh viện ở Cần Thơ nên vào miền Nam cùng một người khác - người này có thể làm chứng, tối ngày 25.5.2017 mới về.
Ngày 17.5 là ngày thứ 3 diễn ra phiên tòa liên quan đến 8 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tương tự, Bùi Mạnh Quốc khai: “Ngày 25.5.2017, bị cáo không có mặt tại Hà Nội vì đi miền Nam. Sáng 25.5, bị cáo đang nghỉ ở Đồng Hới (Quảng Bình) và tối hôm đó về tới Bắc Ninh”.
Bị cáo Quốc khẳng định, hợp đồng ký với Thiên Sơn được lập sau khi sự cố xảy ra và Quốc tới trụ sở Thiên Sơn. Theo bị cáo này: “Anh Tuấn (GĐ Thiên Sơn) nói cứ để con dấu (của Trâm Anh) đấy, nhân viên anh đóng cho, lên phòng nói chuyện. Sau anh Tuấn bảo bị cáo ra ngoài uống nước, có gì điện vào. Khoảng 1 - 2 tiếng sau, điều tra viên có gọi cho bị cáo bảo lên Công ty Thiên Sơn để viết tường trình. Công an hướng dẫn bị cáo về nhà lấy các mẫu vật tư. Có điều tra Nghĩa, Giang về nhà, mời bị cáo lên Công an tỉnh Hòa Bình, lúc đó chưa khởi tố, chưa bắt”.
Tiếc 2 màng lọc và 8 mạng người
Luật sư Trần Vũ Hải xin trình bày nhiều ý kiến, nhưng tòa khẳng định đang trong phần xét hỏi. Vị luật sư tiếp tục nói chỉ dừng lại khi chủ tọa yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa ông Hải ra ngoài nếu tiếp tục nói.
Sau đó, luật sư Lê Văn Thiệp xin hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Quá trình này, ông Thiệp đề nghị tòa yêu cầu luật sư Trần Vũ Hải ra ngoài do quá mất trật tự. Chủ tọa buộc phải nhắc nhở ông Hải.
Bị cáo Quốc khai tại tòa, cần thay 4 màng lọc RO (nước tinh khiết dành cho chạy thận nhân tạo), nhưng chỉ thay có 2, còn 2 màng phải xúc rửa.
Trả lời câu hỏi của ông Thiệp, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết từng đề nghị thay cả 4 màng lọc RO trong hệ thống lọc nước nhưng không được đồng ý, chỉ cho thay 2 màng lọc, tẩy rửa 2 màng còn lại.
Luật sư Thiệp hỏi, nếu thay cả 4 màng lọc, bị cáo sẽ không phải dùng axit để tẩy rửa, như vậy sẽ không có ai chết? Bị cáo Quốc: “Dạ đúng… nếu thay cả 4 màng lọc, giá sẽ tăng lên khoảng 10 đến 12 triệu đồng”.
Ông Thiệp đặt lại câu hỏi, như vậy nếu không tiết kiệm 12 triệu đồng sẽ không có ai chết tức là chỉ 1,5 triệu đồng/người? Bị cáo Bùi Mạnh Quốc đáp: “Dạ đúng ạ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.