Tiêm phòng vẫn mắc dịch sởi

Thứ hai, ngày 10/02/2014 07:22 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm vắng bóng, dịch sởi bùng phát tại nhiều tỉnh thành với hàng trăm trẻ bị mắc. Đáng lo ngại, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi - tuổi đang có miễn dịch từ sữa mẹ, chưa đến độ tuổi tiêm phòng vaccine sởi cũng mắc bệnh.
Bình luận 0
Miễn dịch vẫn mắc

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư), từ đầu tháng 2, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 80 trẻ nhập viện do bệnh sởi biến chứng, với các triệu chứng phát ban sởi, kèm theo sốt cao, viêm phổi, suy hô hấp.

Trước đó, tháng 1, bệnh viện cũng tiếp nhận gần 70 trẻ cùng triệu chứng. Trong khi đó, số trẻ mắc bệnh sởi năm 2013 chỉ lác đác vài ca, riêng 3 tháng cuối năm 2013 chỉ có 2 ca. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định… Hiện gần 50 trẻ vẫn đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi T.Ư, trong đó có đến 27 trẻ dưới 9 tháng tuổi – chưa đến tuổi tiêm phòng vaccine sởi.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, từ tháng 1 đến nay, khoa liên tục nhận các ca sốt phát ban (nghi sởi), có ngày lên đến 15-20 ca. Bệnh nhi hầu hết có các biểu hiện ho, sốt cao, mắt kèm nhèm (viêm kết mạc), xuất hiện ban đỏ toàn thân.

Trẻ điều trị bệnh sởi tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội).
Trẻ điều trị bệnh sởi tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội).

GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định, tính từ đầu năm 2014 đến nay, dịch sởi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, với hàng trăm ca sốt phát ban nghi sởi. Tổng số các ca sốt phát ban được xét nghiệm dương tính với bệnh sởi là 203 ca.

Riêng tại Hà Nội, sau 3 năm không có dịch sởi, bệnh sởi cũng đã bùng phát. Tính từ tháng 1 đến đầu tháng 2 đã có 98 ca sốt phát ban và 30 ca được xác định là dương tính với bệnh sởi. Trong số này, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%), trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi.

Theo bác sĩ Lâm điều bất thường trong vụ dịch sởi này là có đến hơn 50% trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh. Thông thường, trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ có miễn dịch từ mẹ (truyền thông qua bú sữa mẹ) vì miễn dịch do sởi là miễn dịch bền vững. Vì thế, trẻ mắc sởi có thể là do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm, chưa từng mắc sởi) hoặc tiêm chưa đầy đủ nên miễn dịch chưa đủ để bảo vệ trẻ. Ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm hơn.

Đã tiêm phòng vẫn mắc

Theo bác sĩ Lâm, các bậc cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh khi thấy con ho, khó thở. Vì nguyên nhân gây bệnh sởi là virus, nếu dùng kháng sinh phải có sự chỉ định của bác sĩ khi có các biến chứng bội nhiễm.

Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hơn 40% ca mắc sởi là do chưa tiêm phòng sởi, nhưng cũng có đến 12,5% trẻ em đã tiêm phòng sởi mà vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, GS Hiển cho biết, không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%.

Vaccine sởi được tiêm chủng miễn phí cho trẻ 9 tháng tuổi và nhắc lại vào 18 tháng tuổi. Với mũi 1, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Tiêm đủ 2 mũi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.

Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. “Nguyên nhân không phải do chất lượng tiêm chủng mà do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ cả 2 mũi vaccine” – GS Hiển khẳng định.

Bác sĩ Lâm cho biết, bệnh sởi với các triệu chứng sốt, ho, viêm kết mạc, sau đó phát ban đỏ từ mặt, tay, chân và toàn thân. Cha mẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà, hạ sốt, cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa, cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng.

“Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, cha mẹ nếu thấy con sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy nhiều, suy hô hấp thì cần đưa đi viện để điều trị” – bác sĩ Lâm nói.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem