Tại cuộc Hội thảo về một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng 5 mới đây tại Quảng Ninh, phát biểu của một quan chức đã gây choáng dư luận khi đề xuất “nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”.
Cùng thời gian, có nhiều đề xuất từ các địa phương về việc tiếp tục xây các trung tâm hành chính và quảng trường hàng ngàn tỉ đồng mặc dù trước đó, từ hồi tháng 11/2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng xây trụ sở gây tốn kém, thiếu hiệu quả.
Hai vấn đề này có liên quan gì với nhau?
Về lý thuyết cả hai đều hướng tới người dân,chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không tên cho người dân và xây trụ sở hoành tráng để phục vụ người dân tốt hơn.
Nhưng thực tế thì sao?
Việc đề xuất in tiền mệnh giá nhỏ để chống tham nhũng thực chất là chỉ nhìn thấy cái nhỏ mà không tập trung ráo riết vào cái lớn, nhấn mạnh cái tiểu tiết mà không thực sự quan tâm đến cái cơ bản, coi trọng cái hình thức mà bỏ qua cái nội dung thực chất, như kiểu bàn về in tiền mệnh giá nhỏ để kẻ hối lộ ngại mang đên đưa, kẻ nhận hối lộ cũng ngại nhận, mà không tập trung bàn đến những bất cập dân đang quan tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì việc phòng chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn gian nan lắm thay.
Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và một số tổ chức trong nước công bố đầu tuần này cho những kết quả đáng lo ngại sau khi thu thập ý kiến đánh giá của gần 14.000 người dân cả nước trong năm 2015.
Theo đó người dân cam chịu đưa hối lộ để được việc và cam lòng không tố cáo khi số tiền bị “nhũng nhiễu” không quá 24 triệu đồng.
Như vậy cho dù mệnh giá tiền cực thấp như đề xuất của vị cán bộ nọ cũng đều vô nghĩa khi mà các quyền dân sinh của người dân vẫn còn gắn liền với những cơ chế mang tính xin cho, ban phát thay vì là được phục vụ.
Nhiều người dân còn than phiền về dịch vụ hành chính công. (ảnh minh họa)
Như vậy muốn chống tham nhũng có hiệu quả, chỉ nói về hành chính công và dịch vụ công điều cần thiết là phải cải tổ bộ máy, lề lối làm việc, xử lý cán bộ và loại bỏ các rào cản như những loại giấy tờ phát sinh ngoài luật như giấy phép con mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang kiên quyết yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng loại bỏ.
Thực tế song hành là dù cho trụ sở hành chính có hoành tráng đến đâu thì lời kêu than về thủ tục hành chính rườm rà của người dân vẫn không ngừng tăng lên bệnh viện vẫn quá tải, trường học vẫn thiếu, nước vẫn ngập, nước sạch vẫn thiếu, cán bộ vẫn “khó ưa” và yêu thích phong bì hơn là công vụ.
Chúng tôi dẫn chứng 2 lĩnh vực xin cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Papi 2015.
Chất lượng dịch vụ cấp phép xây dựng cho các công trình xây mới hoặc tu sửa nhà ở, nhà xưởng ở quy mô phải xin phép nhìn chung ở mức khá ổn định qua 5 năm. Tuy nhiên, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả làm giấy phép xây dựng ở cấp tỉnh và phòng xây dựng huyện/quận chưa thực hiện đúng vai trò “một cửa”, bởi tỉ lệ người đi làm thủ tục không phải đi qua nhiều cửa, gặp nhiều người mới làm xong thủ tục đã giảm từ trên 87% trong những năm trước xuống còn 69% năm 2015. Tổng chất lượng dịch vụ cấp phép xây dựng năm 2015 giảm từ khoảng 6,6-6,8 điểm của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,2 điểm. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm là do thiếu công khai mức phí và lệ phí. Một điểm sáng trong dịch vụ này là những ai đã đi xin cấp phép xây dựng đều thành công. Đặc biệt ở Sóc Trăng, hầu như tất cả những người đã đi xin cấp phép xây dựng đều đã được cấp phép.
Về dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ở nội dung thành phần này, PAPI đo lường mức độ hiệu quả và chất lượng của dịch vụ và thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy CNQSD đất cho cá nhân và hộ gia đình, bao gồm cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở ba cấp tỉnh, huyện và xã. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, mặc dù việc tiếp cận dịch vụ “một cửa” ngày càng dễ dàng hơn, song chất lượng dịch vụ nhìn chung còn nhiều bất cập.
Điểm số của dịch vụ này đạt mức thấp nhất kể từ năm 2011 trong bốn nhóm dịch vụ hành chính, thậm chí có chiều hướng đi xuống trong năm 2015. Nguyên nhân chính dẫn tới giảm điểm tổng chất lượng dịch vụ này là do người dân không nhận được kết quả đúng lịch hẹn, thủ tục làm giấy CNQSD đất còn rườm rà, phí và lệ phí chưa được công khai đầy đủ. Chẳng hạn, về thời hạn trả kết quả, gần 57% số người được hỏi cho biết đã nhận được giấy CNQSD đất sau 30 ngày, theo đúng quy định của pháp luật. Song, cũng có tới 22% số người đã làm thủ tục trong năm vừa qua phải chờ từ 100 ngày trở lên mới nhận được kết quả.
Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh gọi tắt là PCI khảo sát và đưa ra bảng xếp hạng cho thấy nhiều tỉnh, nhiều địa phương có trụ sở khiêm tốn nhưng mức độ hài lòng của người dân cao còn những nơi có trụ sở hoành tráng thì ngược lại.
Chính phủ đang có những động thái quyết liệt trong cải cách hành chính, chấn chỉnh hành vi công chức để chất lượng phục vụ người dân tốt hơn,nâng cao phúc lợi và mức sống người dân đồng thời chống tham nhũng.
Sẽ là rất khó khăn, nhưng Chính phủ có rất ít sự chọn lựa, chỉ có làm và làm quyết liệt thì mới kéo giảm được tình hình tham nhũng mang tính “bánh ít đi bánh quy lại” , không còn mang tính “đương nhiên” đầy đau đớn cho người dân và bộ máy công quyền không còn là nơi để cán bộ, công chức nuôi mộng làm giàu bằng cách “vặt lông, vặt cánh” người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.