Tiền lương của lao động trong doanh nghiệp sẽ không thay đổi khi cải cách tiền lương?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 23/09/2023 10:38 AM (GMT+7)
Không chỉ cải cách tiền lương trong khu vực công, trung ương cũng đặt mục tiêu cải cách toàn diện tiền lương trong cả khu vực tư (trong các doanh nghiệp).
Bình luận 0

Cải cách tiền lương đặt mục tiêu đưa mức lương "chạm" mức sống tối thiểu

Nghị quyết 27 của Trung ương chỉ rõ, để cải cách tiền lương trong khu vực tư, trung ương tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...); kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia; bổ sung các chuyên gia độc lập tham gia Hội đồng.

cải cách tiền lương trong khu vực tư mới nhất

Việc cải cách tiền lương chủ yếu cải cách trong khu vực công, ở khu vực tư tiền lương đang được cải cách liên tục. Ảnh: N.T

Đề án cải cách tiền lương hướng tới giao tự chủ về việc xây dựng thang bảng lương, chi trả tiền lương trong các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Các đơn vị này được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.

Quá trình tiến hành cải cách Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Nghị định 38 của Chính phủ quy định Mức tiền lương tối thiểu vùng được áp dụng từ 1/7/2022 là: Vùng I là 4.680.000 đồng; Vùng II là 4.160.000 đồng; Vùng III là 3.640.000 đồng; Vùng IV là 3.250.000 đồng.

Tương tự, mức lương tối thiểu giờ tại vùng I là 22.500 đồng/1 giờ; Vùng II là 20.000 đồng/1 giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ; Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. 

Nhìn chung, hiện nay tiền lương của khu vực doanh nghiệp đã đi những bước nhanh hơn so với tiền lương trong khu nghiệp công, của công nhân, viên chức. Hội đồng tiền lương cũng ban hành được mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Cái khó hiện nay là kinh tế khó khăn, đang kéo lùi tốc độ tăng trưởng của tiền lương, gây khó khăn cho việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Mới đây nhất, tháng 8/2023, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp tại Quảng Ninh để họp thương thảo về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Tuy nhiên, nhiều khả năng phải tới cuối năm 2023 phiên họp này mới được khởi động lại và bàn bạc thêm về khả năng tăng lương tối thiểu vùng.

Cải cách tiền lương, tiền thưởng phải gắn với năng suất lao động

Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, từng bước tiến tới thực hiện giao khoán, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp.

Phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành, thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước.

tăng lương tối thiểu vùng

Mặc dù đã có điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng nhưng bức tranh tiền lương của công nhân, lao động vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ảnh: Nguyệt Tạ

Mức lương cơ bản được điều chỉnh phù hợp theo mức lương của thị trường trong nước và khu vực, từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp, trong đó có khống chế mức lương tối đa theo kết quả sản xuất kinh doanh và mức tiền lương bình quân chung của người lao động. Thực hiện công khai tiền lương, thu nhập hàng năm của người đại diện vốn nhà nước và tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

 Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dịch vụ công ích, Nhà nước tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết thu nhập bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người quản lý, người lao động và Nhà nước.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, có vốn nhà nước đã tiến hành cải cách tiền lương bằng cách ban hành thang bảng lương, xin điều chỉnh tiền lương... Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 64 bổ sung Nghị định 87/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (gọi tắt là VNA) đã có đơn kiến nghị vì đơn vị này thường xuyên bị "chảy máu chất xám" do tiền lương thấp. Nhiều phi công người Việt dù làm công việc như phi công nước ngoài nhưng chỉ nhận mức lương thấp chưa bằng 1 nửa tiền lương của họ. Bởi vậy, VNA đã kiến nghị có cơ chế bổ sung tiền lương. Thực chất đây là bước tiến, một hành động trong tiến trình để cải cách tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem