Tiếng khóc xé lòng của trẻ ung thư ngày Quốc tế Thiếu nhi

Quốc Hải Thứ tư, ngày 01/06/2016 13:37 PM (GMT+7)
Không có hình ảnh quần áo xúng xính, ngày tết thiếu nhi của bệnh nhi ung thư Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM là những bình truyền nước, những miếng dán hạ sốt... nhưng đằng sau đó là nụ cười của các bé khi được các tổ chức, đoàn thể xã hội đến thăm và tặng quà…
Bình luận 0

Và đâu đó là những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của những người cha, người mẹ… khi chứng kiến đứa con mình “nén cơn đau” đang hành hạ để vui chơi trong ngày Tết thiếu nhi, cũng có cả những giọt nước mắt của những người cha, người mẹ khi nhìn đưa con nằm bất động trên giường bệnh.

“Ba thương con, vì con giống mẹ…”, bé Ngọc Anh (3 tuổi, bị bướu nguyên bào thần kinh), cất tiếng hát khe khẽ trong lòng mẹ. Chị Lan Anh, mẹ bé bỗng bật khóc nhưng vội vàng lấy tay che miệng vì sợ bé biết, giọt nước mắt cứ lăn dài. Chị nghẹn ngào theo điệu nhạc nhẹ nhàng đứt đoạn của bé Ngọc Anh: “… cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ…”.

img

Các bác sĩ thăm và tặng quà các bé trong ngày tết thiếu nhi 1.6

Nhà chị Lan Anh ở tận Kiên Giang, ngày phát hiện bé bị bướu nguyên bào thần kinh, vợ chồng chị khóc cạn nước mắt. Cuộc hành trình khăn gói theo con vào bệnh viện bắt đầu từ dạo đó nhưng anh thì phải ở quê làm thuê để có tiền chữa bệnh cho con và lâu lâu mới ghé thăm con được. Ước ao của anh chị bây giờ đây thật đơn giản, là mong bé cứ mãi vui cười như thế nhưng chẳng biết bé có thể cầm cự đến bao giờ.

“Mỗi đợt vô thuốc đau lắm, nhưng cháu cũng chỉ khóc lúc đó thôi rồi lại cười, đòi mẹ kể chuyện và tập hát. Bé thích nhất là bài cả nhà thương nhau nhưng bữa nay thì hết sức rồi nên giọng cũng chỉ khàn khàn. Hôm rày ba bé có hứa sẽ vào thăm cháu ngày tết thiếu nhi nhưng lại có việc nên phải hoãn lại, mấy bữa nay bé hỏi ba suốt nhưng không khóc đòi như những đứa trẻ khác”, chị Lan Anh chia sẻ.

Cạnh giường bé Ngọc Anh là bé N.Long (7 tuổi) bị căn bệnh ung thư máu quái ác. Dù xung quanh khá ồn ào nhưng bé vẫn nằm ngủ. Chị Nguyễn Thị Mai, mẹ của em Long nói, cháu mới ngấm thuốc nên đau quá, khóc lóc suốt nên mệt quá và ngủ rồi. Nói chuyện bệnh tình của con, chị Mai cho biết: "Tính đến hôm nay  cháu nằm viện được gần 1 năm rồi. Bác sĩ nói cháu bị bệnh máu trắng, bệnh này nếu không thường xuyên truyền hóa chất, huyết tương thì cháu sẽ mau xuống sức và ra đi trong đau đớn bất kỳ lúc nào".

Không đành lòng nhìn đứa con ra đi, để có kinh phí điều trị cho con, gần 1 năm qua, vợ chồng chị Mai đã phải vay mượn khắp nơi, bán đất, cầm cố nhà cửa… “Mỗi đợt truyền hóa chất như vậy dù đã được bảo hiểm y tế thanh toán nhưng cũng phải đóng thêm từ 5 - 10 triệu đồng. Kinh phí rất nặng nhưng không đành lòng để con ra đi nên vay mượn được chổ nào thì vay thôi… ", chị Mai buồn rầu.

Đến thăm các em, thật xót xa khi chứng kiến nhiều em sống trong cảnh mù lòa, mang khối u trong lồng ngực, nằm thoi thóp trên giường bệnh, có em cắn răng tay bấu chặt bố mẹ rên rỉ vì những cơn đau quái ác hoành hành... Và gắn chặt với nỗi đau của các em là ánh mắt trũng sâu, là gương mặt hốc hác, âu lo từ những người làm cha làm mẹ.

Còn nỗi đau nào hơn khi những bậc làm cha, làm mẹ phải ngày ngày bất lực nhìn con oằn mình chống chọi với những cơn đau, và phải sẵn sàng tâm lý  “con có thể ra đi bất cứ lúc nào”…

Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, khoa Nhi của bệnh viện hiện đang quản lý và điều trị khoảng 500 bệnh nhân, mỗi ngày có 150 bé điều trị nội trú. Nhằm tạo sân chơi vui vẻ cho các bé sau những lần xạ trị, hóa trị mệt mỏi, BV thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho các tổ chức thiện nguyện, thanh niên tình nguyện… vào và tạo sân chơi cho các bé hòa nhập với bạn bè, thoải mái nói cười và giải trí với những màn kịch, ca hát vui nhộn, cho trẻ nghe kể chuyện… để bé quên đi những cơn đâu đang hành hạ.

Nhìn những đứa trẻ đầu nhẵn thín, cơ thể còi cọc chi chít các vết sẹo dài, các vết thương do tác dụng phụ từ những đợt truyền hóa chất, xạ trị và các cuộc phẫu thuật… ai đến thăm đều chạnh lòng.

Một điều dưỡng của BV Ung bướu nói, tuổi thọ của bệnh nhi bị ung thư khá ngắn ngủi, thường từ lúc phát bệnh đến khi tử vong, quá trình ấy chỉ kéo dài khoảng từ 1 đến 5 năm.

"Khoảng thời gian các bé phải vô xạ trị là quãng thời gian cả bé và các bậc cha mẹ đều chìm trong nước mắt. Nhìn các bé vật lộn với bệnh tật, với cơn đau để giành giật sự sống mà thấy thương, rồi nhìn bé khỏe lại và bắt đầu quen dần với cuộc sống ở bệnh viện, quen với các y bác sĩ thì bé lại đột ngột ra đi, đau lắm…", điều dưỡng này xót xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem