Tiếp thêm sinh khí mới

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 02/01/2015 07:17 AM (GMT+7)
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Chủ tịch Hội ND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: “Quyết định 673 thực sự tiếp thêm luồng sinh khí mới, là căn cứ pháp lý để các cấp Hội ND TP. Cần Thơ có thêm điều kiện thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình”. 
Bình luận 0

Chuyển động trong tín dụng, dạy nghề

Theo báo cáo của Hội ND TP. Cần Thơ, đến nay các đơn vị quận, huyện của thành phố này đều xây dựng được Quỹ Hỗ trợ ND, trong đó có 5 đơn vị đạt mức 500 triệu đồng trở lên. Ở tuyến cơ sở, đã có 72 đơn vị Hội cấp xã xây dựng được quỹ này.

img

Các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật đã giúp ND sản xuất hiệu quả hơn.  


Tổng số tiền Quỹ Hỗ trợ ND toàn TP.Cần Thơ quản lý là hơn 4,6 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn cho vay là hơn 11,5 tỷ đồng, cho gần 3.000 lượt hộ ND được vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các hộ vay vốn đều được hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích. Việc thu và trích nộp phí theo đúng quy định.

Không chỉ tương tác tích cực trong hoạt động tín dụng, Quyết định 673 còn mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ trong công tác dạy nghề. “Chỉ tính năm 2014, Hội ND TP.Cần Thơ đã phối hợp Sở LĐTBXH Cần Thơ mở 127 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 4.375 học viên; phối hợp Sở NNPTNT tổ chức 812 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi tại các quận, huyện với 26.528 lượt hội viên tham gia, phối hợp tổ chức 1.829 hội thảo đầu bờ. Thành hội cũng phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ mở 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn trái, chăn nuôi…” - ông Nguyễn Thanh Bửu – Trưởng ban Kinh tế, Hội ND TP.Cần Thơ cho biết thêm.

Nông dân hào hứng

Quan điểm

Ông Nguyễn Thành Khinh
  Vừa rồi lớp dạy nghề mà tôi tham gia có 35 học viên được học trong thời gian 3 tháng, các học viên đều rất hào hứng và nhiệt tình học hỏi, áp dụng trực tiếp trên ruộng 
Ông Nguyễn Thành Khinh - một học viên từng tham gia lớp học nghề về quy trình sản xuất lúa giống ở khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt chia sẻ: “Vừa rồi lớp dạy nghề mà tôi tham gia có 35 học viên được học trong thời gian 3 tháng, các học viên đều rất hào hứng và nhiệt tình học hỏi, áp dụng trực tiếp trên ruộng. Sau lớp học, chúng tôi đã thành lập được 1 tổ hợp tác sản xuất lúa giống với 15 tổ viên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Lúa giống làm ra có giá bán cao hơn lúa thường từ 500 đồng/kg trở lên”.

 

Không chỉ ông Khinh mà rất nhiều nông dân khác được tham gia các lớp học nghề, tập huấn, hội thảo đầu bờ do Hội phối hợp tổ chức đều cho rằng, các hoạt động này đã góp phần rất lớn giúp cho hội viên ND thêm vững kiến thức, để áp dụng vào sản xuất và ổn định cuộc sống.

Đánh giá về những tác động tốt mà Quyết định 673 mang lại cho tổ chức hội, ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ nhấn mạnh. “Thông qua ký kết, phối hợp và chủ động xây dựng các kế hoạch thực hiện, Hội đã được tạo niềm tin trong hội viên, vận động ND tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn có hiệu quả hơn”.

Cũng theo ông Tùng, trong thời gian tới, các cấp Hội ND TP.Cần Thơ cần phải tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định 673. Các cấp hội cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, mềm dẻo trong việc áp dụng phương thức thực hiện, để thu được kết quả có ích lợi thực sự cho hội viên ND.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem