Giám sát chặt chẽ vốn vay
Bà Trần Thị Thoa – Chủ tịch Hội ND xã Hồi Ninh cho biết: Lợn nái ngoại cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện và kinh nghiệm chăn nuôi của ND tại địa phương. Dự án chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản do T.Ư Hội NDVN phối hợp Hội ND tỉnh Ninh Bình thực hiện ở xã Hồi Ninh với sự tham gia của 14 hộ ND, số vốn vay là 300 triệu đồng, mỗi hộ được vay từ 20-30 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng, từ tháng 3.2014 đến tháng 3.2016, phí vay 0,7%/tháng.
Anh Phạm Văn Toàn chăm sóc đàn lợn nái ngoại giống của gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về việc quản lý nguồn vốn vay, bà Thoa thông tin: Ngay sau khi tiếp cận dự án, để đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, Hội ND xã tiến hành họp từng chi hội để bình xét công khai các hộ vay vốn, ưu tiên các hộ thực sự cần vốn để mở rộng chăn nuôi, có kinh nghiệm chăn nuôi và có khả năng hoàn trả vốn. Sau khi giao vốn 1 tháng, Hội ND tỉnh cùng Hội ND huyện trực tiếp đi kiểm tra một lần nữa. Hộ nào không chấp hành theo yêu cầu sẽ bị thu hồi vốn. Theo bà Thoa, đến nay tất cả các hộ được vay vốn Quỹ HTND của xã đều đáp ứng đủ tiêu chí kể trên và chăn nuôi hiệu quả.
Để tạo điều kiện giúp ND tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển hàng hóa và xây dựng các mô hình kinh tế, Hội ND xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, các công ty mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi trong xã.
Hết nỗi lo mua lợn kém chất lượng
Quan điểm
"Với giống lợn nái ngoại từ lúc bắt đầu nuôi đến lúc sinh sản phải mất ít nhất là 2 năm thì người ND mới có lãi. Tôi đề nghị Quỹ HTND nâng mức vay lên tầm 50 triệu đồng/ hộ và kéo dài thời gian vay lên 3 năm để các hộ vay có thời gian xoay vòng trả vốn."
Chúng tôi đến thăm khi anh vợ chồng anh Phạm Văn Toàn (SN 1980) và chị Phạm Thị Hải Yến (SN 1984), trú tại xóm 1, xã Hồi Ninh đang tất bật xẻ gỗ để làm thêm chuồng lợn mới. Vừa làm anh chị vừa vui vẻ trò chuyện: "Tôi nuôi lợn đã được 5 năm nay. Do không nuôi lợn nái, không chủ động được con giống nên tôi toàn phải nhập lợn giống từ nơi khác về nuôi. Vì thế lời lãi chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí có đợt còn bị lỗ nặng do dịch bệnh xảy ra”.
Nhiều năm chăn nuôi, anh Toàn nghiệm ra rằng, muốn nuôi lợn thịt thành công thì trước hết phải gây được lợn nái để chủ động con giống và chủ động được khâu phòng bệnh. “Có những mũi vaccine phải tiêm cho lợn giống ngay từ lúc mới đẻ ra, nhập từ nơi khác về vừa bị đắt, lại không đảm bảo được người bán có tiêm phòng đầy đủ cho lợn giống” - anh Toàn giải thích thêm. Muốn mua giống lợn nái ngoại về nuôi nhưng anh chị chẳng biết xoay đâu ra vốn. Đang khó khăn, gia đình anh được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng.
“Được vay vốn, vợ chồng tôi vào Thanh Hóa chọn mua 20 con lợn nái ngoại giống về nuôi, giá 1,3 triệu đồng/con, mỗi con nặng khoảng 5kg. Ngày ngày chăm sóc, nhìn đàn lợn nái lớn nhanh và đều thật là thích mắt. Tôi đang chuẩn bị xây chuồng để tách đàn lợn nái ra mỗi con một ô chuồng riêng. Hy vọng chúng mắn đẻ”- chị Yến thổ lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.