Tiếp vụ công trình vi phạm “trơ gan” ở TT-Huế: Xử lý "qua loa" khiến xây dựng không phép tràn lan?

An Sơn Thứ tư, ngày 16/03/2022 11:32 AM (GMT+7)
Người dân cho rằng việc xử lý qua loa của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng “đua nhau” xây dựng không phép tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Bình luận 0

Báo Dân Việt ngày 15/3 đăng bài "TT-Huế: Công trình vi phạm vẫn "trơ gan" sau 16 tháng tỉnh buộc tháo dỡ". 

Bài báo phản ánh việc sau hơn 16 tháng kể từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tháo dỡ, công trình nhà hàng Biển Ngọc Lăng Cô (tổ dân phố Loan Lý, thị trấn Lăng Cô) vi phạm pháp luật về xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Tiếp vụ công trình vi phạm “trơ gan” ở TT-Huế: Xử lý qua loa khiến xây dựng không phép tràn lan  - Ảnh 1.

Toàn bộ công trình nhà hàng Biển Ngọc Lăng Cô của bà Phan Thị Bê đều được xây dựng không phép trên đất rừng. Ảnh: An Sơn.

Công trình nhà hàng Biển Ngọc Lăng Cô thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ và du lịch An Thiên Ngọc, do bà Phan Thị Bê (SN 1971) đại diện. Công trình được xây dựng quy mô trên khu đất rừng ven biển. 

Trong thời gian dài, bà Bê xây dựng các công trình của nhà hàng khi chưa được cấp phép nhưng UBND thị trấn Lăng Cô và các cơ quan liên quan không vào cuộc xử lý.

Mãi đến ngày 9/9/2020, khi bà Bê đang xây dựng thêm công trình bê tông cốt thép với diện tích 55,51m2 trên khu đất thì UBND thị trấn Lăng Cô mới tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Bê.

Do vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, UBND thị trấn Lăng Cô gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý vi phạm của bà Bê. Đến ngày 7/11/2020, khi đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với bà Bê.

Tiếp vụ công trình vi phạm “trơ gan” ở TT-Huế: Xử lý qua loa khiến xây dựng không phép tràn lan  - Ảnh 2.

2 ngôi nhà xây dựng không phép của Lê anh Dũng và bà Nguyễn Thị Thành ở thị trấn Lăng Cô. Ảnh: An Sơn.

Bà Bê bị buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Mặc dù vậy, đến nay, đã hơn 16 tháng trôi qua, bà Bê vẫn không tự tháo dỡ công trình và cơ quan chức năng cũng không thực hiện cưỡng chế.

Theo người dân thị trấn Lăng Cô, việc cơ quan xử lý qua loa các công trình vi phạm pháp luật về xây dựng, điển hình như công trình của bà Bê, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép xảy ra tràn lan trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, thời gian qua, ở thị trấn Lăng Cô xảy ra hàng chục vụ xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp và đất do UBND thị trấn quản lý. 

Trong đó, theo số liệu thống kê của UBND thị trấn Lăng Cô, từ năm 2020 đến nay ở thị trấn có 20 công trình xây dựng vi phạm trong lĩnh vực đất đai, gồm 10 trường hợp vi phạm năm 2020 và 10 trường hợp vi phạm năm 2021.

UBND thị trấn Lăng Cô đã xây dựng kế hoạch tiến hành cưỡng chế 12 công trình vi phạm, gồm 4 công trình ở tổ dân phố Loan Lý, 3 công trình ở tổ dân phố Lập An, 2 công trình ở tổ dân phố Hải Vân, 2 công trình ở tổ dân phố Hói Dừa và 1 công trình ở tổ dân phố An Cư Đông.

Tiếp vụ công trình vi phạm “trơ gan” ở TT-Huế: Xử lý qua loa khiến xây dựng không phép tràn lan  - Ảnh 3.

Công trình xây dựng không phép của bà Trương Thị Minh Thu ở thị trấn Lăng Cô. Ảnh: An Sơn.

Điều khiến dư luận băn khoăn trong số 12 công trình được đưa vào diện cưỡng chế không có tên các công trình vi phạm được cho là nghiêm trọng, như công trình của bà Phan Thị Bê và một số công trình xây dựng không phép. 

Việc này khiến dư luận cho rằng việc xử lý của chính quyền mang tính chất qua loa và thiếu công bằng, dẫn đến tình trạng "đua nhau" vi phạm pháp luật về xây dựng.

Ngoài trường hợp công trình của bà Phan Thị Bê như đã đề cập, ở thị trấn Lăng Cô còn có nhiều công trình xây dựng vi phạm quy mô khác không nằm trong diện sẽ bị cưỡng chế. Điển hình như 2 công trình bê tông của ông Lê Anh Dũng và bà Nguyễn Thị Thành, 1 công trình của bà Trương Thị Minh Thu…

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Vui - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, đợt này UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo chính quyền thị trấn xây dựng kế hoạch để cưỡng chế các trường hợp cấp bách, trong đó ưu tiên xử lý các công trình lấn chiếm đất công trước. 

Theo ông Vui, đối với các công trình xây dựng vi phạm phức tạp, chính quyền thị trấn Lăng Cô sẽ tính toán cưỡng chế vào đợt khác. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem