Theo đó, trong lần đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc tập trung (tháng 8.2017), Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đấu thầu 5 gói thầu với 22 loại thuốc (5 biệt dược gốc và 17 thuốc generic). Kết quả là giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm 17% so với giá kế hoạch), trong đó, biệt dược gốc tiết kiệm 114,3 tỷ đồng, giảm khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; thuốc generic tiết kiệm 362,7 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, thời gian qua giá thuốc tại nước ta cao hơn mặt bằng chung so với các nước trong khu vực. Tình trạng này dẫn đến số tiền mà Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các loại thuốc hàng năm rất cao. Cụ thể, năm 2016, Quỹ chi trả cho tiền thuốc 31.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, hiện nay, xu hướng của nhiều nước trên thế giới là thực hiện đấu thầu thuốc tập trung quốc gia và kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc.
"Bộ sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia. Trong quá trình thực hiện sẽ có những quy định chặt chẽ như bắt buộc doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo cung ứng đủ thuốc trúng thầu, chia nhỏ hơn nữa các gói thầu để tránh tình trạng thuốc giá rẻ, chất lượng không tốt nhưng vẫn trúng thầu do cùng một gói thầu với các loại thuốc trúng thầu khác" - Bộ trưởng cho biết.
Đấu thầu thuốc tập trung giúp người dân có thuốc rẻ hơn mà vẫn điều trị hiệu quả
Để giải quyết những khó khăn về điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: Trung tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ Y tế thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế theo chỉ đạo của Chính phủ; Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng thuốc và chất lượng thuốc; kịp thời phản ảnh với Trung tâm và Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kịp thời giải quyết.
Bộ trưởng Tiến hy vọng phương pháp tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đang được triển khai thực hiện sẽ kiểm soát tốt giá thuốc, tránh sự chênh lệch giữa nơi này nơi kia, giảm chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ thực hiện mua sắm tập trung vật tư tiêu hao, tương lai xa nữa là trang thiết bị để tiết kiệm chi phí và minh bạch kết quả.
Kết quả đấu thầu thời gian qua đã tiết kiệm được 477 tỷ đồng.
Các chuyên gia dược cũng nhận định, việc đấu thầu tập trung quốc gia giúp giá thuốc chênh lệch không đáng kể giữa các vùng miền; các tuyến điều trị. Do đấu thầu tập trung với lượng thuốc lớn nên giá thuốc rẻ hơn. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia cũng giảm bớt chi phí hành chính trong đấu thầu, góp phần chống lãng phí và minh bạch hóa trong cung ứng thuốc.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất Bộ Y tế cần bổ sung thêm nhiều loại thuốc vào danh mục đấu thầu thuốc tập trung bởi hiện thuốc ung thư mới chỉ đấu thầu tập trung một hoạt chất nhưng thực tế khi điều trị đã phải tiến hành ghép liều. Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện thừa và bệnh viện thiếu để kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho người bệnh. Ngoài ra Bộ cũng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, cấp số đăng ký thuốc, đặc biệt là quy trình cấp số đăng ký thuốc tránh trường hợp các thuốc có hồ sơ đăng ký giả mạo được phép lưu thông trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.