Tiết kiệm rút gốc linh hoạt: "Cởi trói" băn khoăn cho khách hàng, ngân hàng "tặng" lãi suất chờ hưởng lợi

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 13/08/2022 08:20 AM (GMT+7)
Hàng loạt ngân hàng nhập cuộc tung ra các sản phẩm tiền gửi "rút gốc linh hoạt", thậm chí còn "tặng" thêm lãi suất tiết kiệm cho khách, sau khi quy định mới về gửi tiền tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Băn khoăn của khách hàng được "cởi trói", ngân hàng cũng được "giải vây" trong việc cân đối nguồn vốn.
Bình luận 0

Người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu chứ không bị áp mức không kỳ hạn như hiện nay. Đây là nội dung mới tại Thông tư 04 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1/8 năm nay.

Nghĩa là, một khách hàng gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5%/năm. Sau 2 tháng, khách hàng cần nguồn vốn đột xuất muốn rút ra 200 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm thì khách hàng vẫn sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất khoảng 0,1%/năm với số tiền cần rút, còn 300 triệu đồng còn lại vẫn tiếp tục gửi đủ kỳ hạn 6 tháng và hưởng trọn lãi suất 5%/năm.

Loạt ngân hàng nhập cuộc, "tặng" lãi suất khi khách hàng gửi tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt"

Ngay lập tức, một loạt ngân hàng đã nhập cuộc. Chẳng hạn như "ông lớn" VietinBank, vừa chính thức cho ra mắt sản phẩm mới Tiền gửi rút gốc linh hoạt giúp gia tăng tối đa lợi ích của khách hàng trong việc quản lý tài chính.

Với sản phẩm này tại VietinBank, khách hàng vừa tiết kiệm, vừa linh hoạt trong việc sử dụng tiền khi được rút một phần tiền gửi trước hạn. Đặc biệt hơn thế, khách hàng cũng không bị giới hạn số lần rút trong kỳ gửi tiền, thay vào đó hoàn toàn linh hoạt rút tiền để đáp ứng nhu cầu vốn đột xuất mà không phải tất toán toàn bộ khoản tiền gửi.

Tiết kiệm rút gốc linh hoạt: "Cởi trói" băn khoăn cho khách hàng, ngân hàng "tặng" lãi suất chờ hưởng lợi - Ảnh 1.

NCB cho ra mắt sản phẩm tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt", tặng kèm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng. (Ảnh: NCB)

Tương tự, NCB cũng đã cho ra mắt sản phẩm tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt", phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 04/2022/TT-NHNN mới được NHNN ban hành.

Không chỉ không giới hạn số lần rút gốc trước hạn, sản phẩm cũng cho phép khách hàng thực hiện chuyển nhượng, cầm cố thẻ tiết kiệm để vay vốn tại ngân hàng.

Đáng chú ý, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày ra mắt sản phẩm, NCB còn áp dụng chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất tiết kiệm cho tất cả khách hàng gửi tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt".

Vietbank áp dụng tính năng rút trước hạn một phần gốc với sản phẩm "Tiết kiệm Phát Lộc" dành cho khách hàng cá nhân và 'Tiền gửi linh hoạt của tổ chức' dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Còn tại VietABank, nhà băng này không chỉ áp dụng việc rút gốc một phần cho các khoản tiền gửi từ ngày 1/8 mà còn áp dụng cho toàn bộ các khoản tiền gửi đang gửi tại ngân hàng, kể cả các khoản tiền gửi trước ngày 1/8.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)... cũng bắt đầu cho khách hàng được rút trước hạn một phần tiền gửi với lãi suất không kỳ hạn, số dư còn lại tiếp tục được hưởng mức lãi suất ngân hàng đã cam kết.

Theo đại diện của các ngân hàng, trước đây, khi cần rút tiền trước hạn thì người gửi tiền phải rút toàn bộ số tiền gửi và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, điều này khiến người gửi không mạnh dạn chọn các kỳ hạn dài hơn.

Với các sản phẩm tiết kiệm "rút gốc linh hoạt" sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn linh hoạt của khách hàng. Đây là sự chia sẻ của các ngân hàng; đồng thời đảm bảo tối đa lợi nhuận tiền gửi cho khách hàng. Như vậy, khách hàng không còn phải lo lắng và thiệt thòi khi chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn cho toàn bộ khoản tiền gửi khi có nhu cầu rút vốn trước hạn.

"Cởi trói" băn khoăn cho khách hàng, ngân hàng chờ hưởng lợi

Vui mừng trước quy định mới, bà Hoàng Thu Trang (Hà Nội) đã nhanh chóng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm khoản lương hưu tích góp từ mấy tháng nay. Thay vì chỉ gửi kỳ hạn 3 tháng với lãi suất tiết kiệm 3,4%/năm như trước kia, giờ đây bà Trang đã mạnh dạn hơn khi gửi tiết kiệm 12 tháng, lãi suất tiết kiệm lên tới 7%, tức là gấp hơn 2 lần.

Không chỉ riêng bà Trang mà đây còn là tâm lý chung của nhiều khách hàng khác.

Bà Phạm Thị Đào (Thái Bình) cũng cho biết, lần đáo hạn tới đây của số tiết kiệm hơn 300 triệu đồng của gia đình, bà sẽ chuyển từ gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng sang gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng tại một ngân hàng trên địa bàn. Theo tìm hiểu của bà Đào, với số tiền và kỳ hạn gửi như vậy lãi suất bà Đào có thể được hưởng cao nhất xấp xỉ 7%.

"Ngoài gửi tiết kiệm, chúng tôi cũng không biết đầu tư vào các kênh nào, nên lãi suất càng cao càng tốt nhất là khi lạm phát. Nhưng gửi ngân hàng muốn hưởng lãi cao phải gửi kỳ hạn dài. Chẳng may gia đình cho việc đột xuất cần tiền, rút ra mất hết tiền lãi thì tiếc lắm, còn nếu đi vay đợi đến khi sổ đáo hạn trả cho người ta thì cũng chỉ vay được dăm bữa nửa tháng chứ làm sao người ta có thể đợi vài tháng. Cách tính lãi hiện nay, chúng tôi có được sự lựa chọn tốt hơn khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng", bà Đào nói.

Tiết kiệm rút gốc linh hoạt: "Cởi trói" băn khoăn cho khách hàng, ngân hàng "tặng" lãi suất chờ hưởng lợi - Ảnh 3.

Quy định mới đang dần thay đổi tâm lý "ngại" gửi tiền tiết kiệm dài hạn của khách hàng. (Ảnh: MB)

Không chỉ "cởi trói" cho những băn khoăn, đảm bảo lợi ích cho khách hàng trong việc gửi tiền, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, các sản phẩm gửi tiết kiệm "rút gốc linh hoạt" sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho bản thân các ngân hàng.

Bởi quy định mới này sẽ tạo điều kiện khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều hơn với kỳ hạn dài hơi hơn, từ đó các nhà băng có điều kiện cải thiện nguồn tiền gửi trung, dài hạn - lý do các ngân hàng cung cấp cho khách hàng nhiều gói sản phẩm gửi tiết kiệm với lãi suất kỳ hạn đa dạng và bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất kể từ tháng 5 vừa qua.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, có đến 80% nguồn vốn huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường. Điều này tạo áp lực, rủi ro tới hoạt động cho vay của các ngân hàng khi dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Như vậy, quy định mới "giải vây" cho ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn huy động để cho vay, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới đây, theo Thông tư 08 năm 2020 của NHNN sửa đổi Thông tư 22 năm 2019 quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem