Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ

Bích Thuận - Thảo Quyên Thứ tư, ngày 04/05/2022 09:48 AM (GMT+7)
Đình Vẽ, thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội là một trong số những đình cổ nổi tiếng của Hà Nội, có niên đại hơn 500 năm. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa làng khoa bảng và những nét đặc trưng của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.
Bình luận 0

Ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ. Clip: Bích Thuận - Thảo Quyên

Ngạn ngữ có câu "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ", cũng bởi vậy, Kẻ Vẽ chính là tên của làng Đông Ngạc thời xưa. Được biết, làng Đông Ngạc được xem là nơi đắc địa, vượng khí nên sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. 

Vì vậy, mọi người còn gọi làng bằng cái tên là làng Khoa Bảng hay làng tiến sĩ. Đến nay, những vị tiến sĩ sinh ra từ làng Đông Ngạc vẫn còn được ghi danh tại đình Vẽ, được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Giai thoại về đình Vẽ

Theo tài liệu ghi chép lại, từ thời xưa ở ven bờ sông của làng có một ngôi miếu nhỏ thờ Thổ Thần. Sau khi Bình Định giặc Minh, nhà Lê Thành lập, đời sống dân làng ổn định và phát triển về mọi mặt.

Do nhu cầu tâm linh, dân làng đã lần lượt đi rước chân nhang hai vị thần về thờ là Thiên Thần và Nhân Thần. Đến năm 1637, làng đã xây dựng ngôi đình mới ở đầu xóm ngõ Ngác (vị trí hiện nay) và rước ba vị Thượng Đẳng Thần từ miếu thờ cũ ở bờ sông về thờ.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 2.

Đình Vẽ thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội là một trong số những đình cổ nổi tiếng của Hà Nội.

Ông Lê Văn Châu (72 tuổi), Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc kể lại: "Không giống với những ngôi đình khác chỉ thờ một Hoàng Thành làng, đình Vẽ thờ ba vị phúc thần gồm: Thần Độc Cước (cũng là vị thần được thờ ở đền Độc Cước, Sầm Sơn, Thanh Hoá); Lê Khôi, cháu ruột của vua Lê Thái Tổ và Thổ Thần. Tính đến nay, đình cũng có tuổi đời hơn 500 năm rồi".

Ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu và Phạm Thọ Lý là người đã cung tiến đất làm đình lần đầu.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 3.

Ao nhỏ ở phía bên trong đình Vẽ.

Đình có khuôn viên khá rộng, được thiết kế theo lối kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng.

Qua cổng tam quan nội đến khoảng sân rộng của đình, lần lượt hai bên tả vu, hữu vu và đại đình được nối liền với nhau tượng trưng cho đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, tượng trưng cho cổ rồng. Lối kiến trúc đặc biệt tạo nên vẻ độc đáo nhưng cũng không kém phần linh thiêng, cổ kính cho đình.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 4.

Bia đá trong nhà văn chỉ, khắc tên 27 vị quan chức đỗ đại khoa của làng Đông Ngạc.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng, ông Châu vừa kể rằng, tại nhà văn chỉ của đình có ghi danh 27 vị quan chức đỗ đại khoa (đỗ tiến sĩ trở lên) trong đó có 25 vị sinh ra từ mảnh đất Đông Ngạc. 

"Các ngài đều là người học rộng tài cao, góp công sức rất lớn cho đất nước, hiện nay vẫn còn được lưu danh trên bia đá của quốc tử giám", ông Châu nói.

Đặc biệt, đình Vẽ là một trong số ít những đình không bị tháo dỡ trong kháng chiến chống Pháp nên vẫn còn lưu giữ được những nét cổ kính, hoa văn chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn lịch sử.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 5.

Hoa văn chạm khắc trên mái đình tinh xảo, mang đậm dấu ấn lịch sử.

Trong đình hiện còn lưu giữ những hiện vật quý như đôi hạc, bức hoành phi, bia đá,... tất cả đều có niên đại hàng trăm năm và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, trên mỗi cột đình đều có một câu đối. Tổng cộng có 24 câu đối có niên đại khác nhau.

"Những câu đối này là do các thế hệ sau chắp bút viết nên, với mong muốn sau này được ghi danh, được thờ cúng ở trong đình", ông Châu chia sẻ thêm. 

Tinh thần dân tộc và truyền thống giữ gìn nét đẹp của làng Đông Ngạc

Cho đến nay mỗi hiện vật trong đình Vẽ đều mang giá trị lịch sử và giá trị văn hóa, nghệ thuật rất cao. Từ những câu đối, hoa văn chạm khắc tinh xảo đến lối kiến trúc của đình đều có ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần hiếu học.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 6.

Đình Vẽ còn lưu giữ nhiều hiện vật mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần hiếu học.

Ông Lê Văn Châu nhớ lại: "Ở trong đình có treo bộ tranh gồm 16 chữ hán. Hồi còn bé, mỗi khi tan học về, tôi thường được các cụ gọi vào đình hỏi có còn nhớ 16 chữ hán trên đó nghĩa là gì không, nếu hôm nào tôi không thuộc, các cụ sẽ giải thích từng từ cho đến khi nhớ mới thôi". 

Theo ông Châu, 16 chữ hán bao gồm: Bách, Cốc, Phong, Đăng, Vạn, Niên, Kỳ, Phúc, Chúc, Thọ, Thánh, Hoàng, Tư, Dân, An, Thái. Bên cạnh mỗi chữ sẽ có tranh chữ và hình để giải thích nghĩa từng từ. Ngoài ra, đình còn lưu giữ 7 tấm bia đá được đặt trên lưng rùa, đôi rùa cõng hạc bằng đồng cao 2m, 24 câu đối, kiệu, trống, hoành phi,... Tất cả đều được sơn son thếp vàng.

"Đối với chúng tôi, những người dân trong làng, đình Vẽ là nơi gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống khoa bảng của làng. Mỗi một hiện vật được lưu giữ ở trong này đối với chúng tôi đều rất quý, không gì có thể thay thế được", ông Châu bộc bạch.

Tiết lộ bất ngờ về giai thoại ngôi đình 500 tuổi giữa đất kinh kỳ - Ảnh 7.

Một trong số 16 tranh chữ hán là một trong những bộ tranh cổ hiếm có của đất Thăng Long.

Trải qua bao biến động của thời gian, chứng kiến qua bao thế hệ người dân làng Đông Ngạc, đình Vẽ không chỉ đơn giản là một di tích lịch sử mà còn là minh chứng cho nét đẹp văn hóa của dân làng; là nơi mà các thế hệ học sinh, sinh viên gửi gắm niềm tin, cầu mong công thành danh toại. 

Để tưởng nhớ, tri ân các vị thần, hàng năm vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng 2 âm lịch, dân làng sẽ tổ chức lễ hội đình rất trọng thể, trang nghiêm. Trong những ngày lễ hội, người dân ở khắp làng xung quanh có dịp tụ tập, thể hiện lòng thành kính, biết ơn, ca ngợi những vị tiến sĩ được thờ phụng trong đình.

Để gìn giữ, bảo vệ và phát triển đình, người dân cũng luôn gìn giữ bảo tồn và liên tục tu bổ ngôi đình, đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hóa của cộng đồng, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Đối với người dân Đông Ngạc, bảo tồn ngôi đình chính là giữ lấy hồn cốt của làng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem