Tiết lộ thú vị về người đàn ông chở chai sữa đậu nành rong ruổi trên phố Hà Nội

Hiền Dương -Phạm Huy Thứ năm, ngày 21/09/2023 14:39 PM (GMT+7)
Người đàn ông điều khiển chiếc xe máy cũ chở đầy những chai thủy tinh đựng sữa đậu nành rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.
Bình luận 0

Người đàn ông chở chai sữa đậu nành rong ruổi trên phố Hà Nội. Thực hiện: Hiền Dương- Phạm Huy.

Chai thủy tinh đựng sữa đậu nành trên phố Hà Nội

Thời điểm hàng chục năm về trước, dọc trên các con phố cổ Hà Nội luôn nhộn nhịp hình ảnh các xe máy chở sữa đựng bằng chai lọ thuỷ tinh, giao đến tận nhà hoặc những điểm bán lẻ. 

Giờ đây hình ảnh ấy cũng đã dần "khan hiếm" do có sự xuất hiện của nhiều loại thức uống mới thu hút người dân, giới trẻ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân Việt, trên con phố cổ Hà Nội thỉnh thoảng người dân vẫn bắt gặp người đàn ông chở chai sữa đậu nành rong ruổi khắp phố phường. Đó chính là ông Phạm Văn Tiến (60 tuổi ở chợ Mơ, Hà Nội).

Tiết lộ thú vị về người đàn ông chở chai sữa đậu lành rong ruổi trên phố Hà Nội  - Ảnh 2.

Ông Tiến có 32 năm hành nghề bán sữa đậu nành ở Thủ đô. Ảnh Hiền Dương.

Đến nay ông Tiến đã có 32 năm hành nghề bán sữa đậu nành ở Thủ đô. Từ lúc mới vào nghề, ông đã bắt đầu sử dụng những chai thủy tinh nút bằng lõi bấc để đựng sữa. 

Ông Tiến kể rằng, thời điểm nhiều năm về trước, những người cùng nghề cũng sử dụng các loại vỏ chai bia tàu để đựng sữa, tuy nhiên, giờ đây nhiều nơi bán sữa chủ yếu sử dụng các loại bịch nilon hoặc cốc nhựa. Cũng bởi vậy mà hình ảnh những chai sữa đậu nành dựng trong chai thủy tinh dần mai một.

Mỗi ngày, ông Tiến đều lái chiếc xe máy cũ, đèo theo bốn giỏ lớn chất đầy những chai sữa đậu nành. Ông đi giao sữa trên các tuyến phố, bán cho khách vãng lai và các hàng quán dọc trên các đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Khắc Cần, Cầu Gỗ,...

“Sữa đậu nành đều do nhà tự nấu, thường chúng tôi sẽ bắt đầu nấu sữa từ 2 giờ sáng. Sau đó, chúng tôi đổ sữa vào từng chai thủy tinh và mang chai xếp vào giỏ đựng. Đến 4 giờ sáng, tôi bắt đầu lái xe đi giao sữa. Mỗi ngày tôi chạy đi giao khoảng 5 chuyến sữa”, ông Tiến nói. 

Sẽ duy trì nghề giao sữa cho đến khi không còn sức khỏe

Ông Tiến cũng cho hay, sau mỗi chuyến đi giao sữa, ông lại về nhà nấu mẻ sữa mới cho chuyến tiếp theo, đều đặn xong chuyến nào nấu cho chuyến đấy, một phần để tránh tình trạng sữa đậu nành để lâu bị đông đặc, một phần muốn giữ cho hương vị thơm ngon của sữa đậu nành. 

Mỗi chai sữa được giao có giá dao động từ vài nghìn cho đến vài chục nghìn tùy vào dung tích, số lượng. Một tháng, nghề này có thể đem về cho ông Tiến thu nhập hàng chục triệu đồng.

Tiết lộ thú vị về người đàn ông chở chai sữa đậu lành rong ruổi trên phố Hà Nội  - Ảnh 3.

Chiếc xe máy mang đầy sữa đậu nành của ông Tiến. Ảnh: Hiền Dương.

"Làm nghề nào cũng có những vất vả riêng, làm công việc này chúng tôi phải dậy từ sớm. Thêm nữa, những hôm trời mưa, chúng tôi vẫn phải đi giao để kịp trả hàng cho khách. Dù vất vả là thế tuy nhiên tôi vẫn yêu nghề, mong muốn duy trì nghề này đến khi không còn sức nữa thì thôi", ông Tiến bộc bạch.

Vì đây vốn là công việc kiếm kế sinh nhai, nên hầu như ông Tiến không nghỉ làm buổi nào, ngay cả khi gia đình có việc ông vẫn tranh thủ nấu và đi giao sữa đều đặn. 

Đi dạo trên khu phố cổ, đoạn cắt ngang phố Hàng Gà, Hàng Điếu, chị Nguyễn Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) gặp ông Tiến với chiếc xe chở đầy những chai sữa đậu nành. 

“Lâu lắm tôi mới được thấy hình ảnh đẹp này. Khoảng 5 năm trở về trước, ở Hà Nội có rất nhiều người đi giao sữa đậu nành kiểu này nhưng đến giờ thì ít hẳn đi. Hình ảnh của ông Tiến cũng như nhiều người lao động khác rất đẹp, trân quý", chị Trang nói.

Bản thân chị Trang cũng hay uống loại sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh. 

"Sữa đậu nành tự nấu đựng trong chai mang hương vị tự nhiên, vị thanh nhẹ và phù hợp với khẩu vị nhiều người. Ai thích ngọt có thể tự cho thêm đường. Ngày trước không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, nên cũng cần phải có cách bảo quản sữa để tránh tình trạng bị đông đặc", chị Trang chia sẻ.

Tiết lộ thú vị về người đàn ông chở chai sữa đậu lành rong ruổi trên phố Hà Nội  - Ảnh 4.

Sữa đậu nành được đựng trong các chai thủy tinh. Ảnh: Phạm Huy.

Chị Nguyễn Minh Ánh (19 tuổi, Hà Nội) lần đầu biết đến phương thức đựng sữa đậu nành trong các chai thuỷ tinh là nhờ người bạn giới thiệu. 

Ngoài ra, điều ấn tượng nhất đối với chị Ánh chính là cách ăn mặc của ông Tiến rất chỉnh tề trong bộ sơ mi sơ vin với quần bò, mặc dù ông là người bán hàng luôn bận rộn tay chân. 

“Ông Tiến rất thân thiện, khi tôi gọi điện hỏi địa chỉ mua hàng, ông Tiến đã đi xe máy đến tận nơi. Cảm giác được uống những ly sữa ngon từ những người lao động chất phát như ông Tiến rất thích thú, hạnh phúc", chị Ánh nói thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem