Đề xuất tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 20/09/2023 10:32 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật Thủ đô quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô.
Bình luận 0

Sáng 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ quan điểm xây dựng luật là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô mà chưa được các dự án Luật này xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô, ông Long cho hay.

Đề xuất tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: QH

Với chính quyền Thủ đô, Bộ trưởng Long cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố theo Nghị quyết số 97 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP.Hà Nội, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3)…

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ trưởng Long thông tin một số nội dung đặc thù. Như, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

TP.Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP.Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Cạnh đó, dự thảo quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc TP.Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng có điểm mới ở lần sửa đổi này.

Cụ thể, Dự thảo quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

Dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

"Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với TP.HCM, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý", ông Long cho biết.

Đề xuất tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Cần báo cáo, ý kiến Bộ Chính trị về đề xuất tăng biên chế ở Hà Nội 

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Bên cạnh đó, TP.Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh.

Về chế độ tiền lương, thu nhập, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm.

"Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", ông Tùng lưu ý.

Về tăng biên chế, thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP Hà Nội là của cơ quan nào.

Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật.

Hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.

Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem