Ngày 6/10 tại TP.HCM, Ban tổ chức Sách hay 2024 đã trao giải cho các tác giả và tác phẩm xuất sắc. Ở hạng mục được quan tâm là Sách văn học, tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của nhà văn Đinh Phương đoạt giải Sách hay cùng với dịch phẩm Ba màn kịch (Tác giả: Jon Fosse, Dịch giả: Thiên Nga).
Nét đặc biệt của "Nắng Thổ Tang" chính là tác phẩm của nhà văn trẻ lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc. 3 điểm nhấn chính của tác phẩm chính là cái kết bi thảm của cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng khởi xướng tại pháp trường Yên Bái năm 1930; phong trào rước Chúa vào Nam năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960.
"Nắng Thổ Tang" cũng thấm đẫm sắc màu văn hóa tâm linh với những trang văn miêu tả cái kỳ ảo, huyền bí của phong tục cổ trong đời sống văn hóa dân tộc và những biến động dữ dội của người theo đạo Thiên Chúa trên hành trình xuống Hải Phòng để vào Nam.
Theo nhà văn Nhật Chiêu, tác phẩm "Nắng Thổ Tang" mặc dù nhắc nhiều đến lịch sử nhưng đây không phải là tác phẩm phản ánh lịch sử theo truyền thống theo kiểu cân đong đo đếm mấy phần hư cấu và sự thật...
"Chúng ta đang tiếp xúc với một tác phẩm tưởng tượng từ tâm theo nghĩa rộng nhất, đây là khúc xạ qua tâm, do đó có nhiều góc nhìn đa dạng và đa chiều, giúp chúng ta sống cùng lịch sử với những suy nghĩ, tâm tình trong cuộc sống thường ngày, chứ không phải thăm một bảo tàng lịch sử.
Đinh Phương với tuổi trẻ của mình luôn cho ta giáp mặt với cuộc đời, do đó tác giả đã đạt được thành tựu đáng nể dù tuổi đời còn rất trẻ, và anh sẽ còn đi xa hơn. Ban giám khảo thông qua tác phẩm đoạt giải Sách hay này kỳ vọng giúp người trẻ biết nhìn vào lịch sử như cuộc sống mỗi ngày chứ không phải nhìn lịch sử như một viện bảo tàng", nhà văn, thành phần ban giám khảo nhận định.
Ở hạng mục Sách nghiên cứu, tác phẩm Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa (tác giả: Phạm Văn Quang) và dịch phẩm Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều (tác giả: Vargyas Gábor, dịch giả: Giáp Thị Minh Trang, hiệu đính: Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan) được vinh danh.
Còn ở hạng mục Sách giáo dục, hai tác phẩm đoạt giải của năm nay là Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục (tác giả: Huỳnh Như Phương) và dịch phẩm Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai? (tác giả: David N. Perkins, dịch giả: Khải Nguyễn).
Ở hạng mục Sách kinh tế, Hội đồng trao giải chọn ra tác phẩm Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh (tác giả: Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến (đồng chủ biên) và dịch phẩm Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường Tài chính(tác giả: Frederic S. Mishkin, dịch giả: Phan Trần Trung Dũng).
Ở hạng mục Sách quản trị, giải thưởng Sách hay năm nay gọi tên Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp (tác giả: Tôn Thất Nguyễn Thiêm) và dịch phẩm Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21 (tác giả: Mustafa Suleyman, Michael Bhaskar, dịch giả: Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm, Quỳnh Anh, hiệu đính: Đào Trung Thành).
Ở hạng mục Sách thiếu nhi, tác phẩm được chọn năm nay là Đại náo nhà ông ngoại(tác giả: Nguyễn Xuân Thủy) và dịch phẩm Chú heo giáng sinh (tác giả: J.K. Rowling, dịch giả: Mai Ba).
Riêng ở hạng mục Sách phát hiện mới có bộ 2 cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) (tác giả: Phạm Thị Kiều Ly; dịch giả: Thanh Thư) và 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ (tác giả: Phạm Thị Kiều Ly) được trao giải.
Ra đời từ năm 2007, với bề dày hơn 17 năm khuyến đọc với sứ mệnh "gạn đục khơi trong", giải Sách hay luôn là một sự kiện văn hóa giáo dục rất được mong chờ của đông đảo giới học giả, chuyên gia, nghệ sĩ, doanh giới, giáo giới, báo giới và nhất là các độc giả mê sách.
Giải Sách hay là giải thưởng độc lập và dân lập đầu tiên về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi nhất hiện nay do học giả và độc giả bình chọn, do Dự án Khuyến đọc Sách hay, Viện Giáo dục IRED và Sáng kiến OpenEdu (cổng tri thức khai phóng trực tuyến) cùng phối hợp tổ chức. Kể từ năm 2020, giải Sách hay được tổ chức 2 năm một lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.