Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, giá trị chế biến thủy sản trong giai đoạn mới
Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, giá trị chế biến thủy sản trong giai đoạn mới
Thắng Tình
Thứ hai, ngày 15/05/2023 17:25 PM (GMT+7)
Ngày 15/5, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và triển khai các chương trình, đề án trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì. Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, trường đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh ven biển.
Nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, giá trị chế biến hải sản
Phát biểu tại hội nghị với tư cách là đơn vị đăng cai và là một trong những tỉnh trọng điểm về khai thác hải sản, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giới thiệu những tiềm năng và lợi thế của tỉnh Nghệ An trong phát triển ngành nghề thủy, hải sản nói riêng và những kết quả đạt được trong thời gian qua, các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong gỡ thẻ vàng EC và quản lý tàu cá, hoạt động đánh bắt theo IUU.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có đội tàu 86.820 chiếc, trong đó, tàu có chiều dài dưới 15m là 56.799 chiếc, tàu có chiều dài trên 15m là 30.091 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 là 3,86 triệu tấn. Trong 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 869.400 tấn, trong đó, khai thác biển 829.400 tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cả nước đã công bố 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động, trong đó, 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. Cả nước có khoảng 1.135 cơ sở thu mua và 640 kho lạnh sản phẩm hải sản, với công suất khoảng 78.700 tấn…
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị này là giải pháp chung tay của ngành đối với những khó khăn chung về kinh tế - xã hội, cũng như tình hình xuất khẩu của đất nước.
Theo đó, trong đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước. Không những thế, năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp ghi nhận mức kỷ lục đạt 55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 11 tỷ USD. Tuy vậy, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên từ đầu năm 2023 đến nay kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có nông nghiệp đã giảm mạnh.
Hiện nay, lĩnh vực khai thác thủy sản biển đang bị cảnh báo thẻ vàng của EC nên phải giảm cường lực khai thác. Vì vậy, ngành và các địa phương phải kịp thời có các giải pháp chuyển đổi nghề, khơi thông nguồn hàng xuất khẩu, đầu tư hiện đại hóa công nghệ và giá trị gia tăng, đầu tư cho chế biến chuyên sâu, giảm chế biến thô…
Phát triển bền vững
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn triển khai các chương trình, đề án trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Theo đó, để phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Gần đây, để gỡ thẻ vàng EC đối với thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023, phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Phát biểu tham luận, đại diện Tổng cục Thủy sản nêu lên những khó khăn trong việc giảm cường lực đánh bắt tại các tỉnh, tình trạng tàu cá ít hơn nhiều so với hạn ngạch giao nên rất khó đối chiếu khi EC vào kiểm tra; quy chuẩn, tiêu chuẩn khai thác cho từng ngành nghề chưa hoàn thiện; công nghệ bảo quản chế biến trên tàu còn lạc hậu, tổn thất hải sản sau đánh bắt còn lớn; công tác quản lý sản lượng cá tại các cảng còn bất cập...
Hiện nay, để gỡ thẻ vàng EC đối với thủy sản, nước ta phải giảm sản lượng khai thác biển, nhưng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống ngư dân, giá trị hải sản phải được nâng lên. Vì vậy, không có cách nào khác là phải nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và nâng giá trị chế biến. Các địa phương phải tiếp tục rà soát để phát triển đội tàu và giám sát đánh bắt theo vùng biển được quy hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu còn nghe báo cáo kết quả đánh giá nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác hải sản do Viện Nghiên cứu thủy sản cung cấp; kết quả một số ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình bày; báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại các địa phương.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Hiện Bộ cùng với các bộ liên quan đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, chính sách hỗ trợ phát triển tàu cá và chuyển đổi nghề; sẽ trang bị thêm các công cụ, phương tiện trên tàu cá để giám sát đánh bắt, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Mặc dù EU đã hoãn và chuyển lịch kiểm tra gỡ thẻ vàng sang tháng 10/2023 nhưng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục các giải pháp triển khai quyết liệt về gỡ thẻ vàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.