Tìm giải pháp tháo nút thắt cho ngành mía đường Việt Nam
Tìm giải pháp tháo nút thắt cho ngành mía đường Việt Nam
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 01/12/2020 09:10 AM (GMT+7)
Sáng nay (1/12), tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới". Hội thảo do Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo, Cục Phòng vệ Thương mại và Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức thực hiện.
Tham dự Hội thảo có sự tham dự của ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương; Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương; Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và thủy sản Bộ NNPTNT;
Hội thảo cũng có sự tham gia của Trưởng, phó các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố. ĐBQH Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên; ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ; ĐBQH Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh; ĐBQH Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi;...
Cùng tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh lĩnh vực mía đường và nông dân trồng mía trên khắp cả nước.
Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/báo Điện tử Dân Việt; Nhà báo Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập thường trực báo NTNN/báo Điện tử Dân Việt cùng tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam Phạm Tiến Nam đã khái quát tình hình và những thách thức lớn mà ngành mía đường phải đối diện trong bối cảnh hàng loạt các FTA như hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (có hiệu lực từ 17/5/2010) và hiệp định ATIGA 1992 gây sức ép lên toàn ngành.
Ông Phạm Tiến Nam chỉ ra rằng các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.
Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang các giống cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.
Ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28, trong đó triển khai các giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ông Phạm Tiến Nam thay mặt cho hội Nông dân - với vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói của giai cấp nông dân - đã đưa ra 4 vấn đề lớn để gỡ thế khó cho ngành mía đường trong nước bao gồm:
Thực trạng ngành mía đường, thực trạng nông dân trồng mía và các dịch vụ ngành mía đường trong bối cảnh FTA;
Người nông dân có nên tiếp tục giảm hay chuyển đổi từ trồng mía sang các cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn hay không;
Tại các vùng trồng mía đường có khả năng áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào trồng trọt sản xuất, bản thân người nông dân cần làm gì, chính phủ và các hiệp hội cần hỗ trợ gì để gia tăng sức cạnh tranh cho ngành mía đường;
Là tổ chức đại diện cho người nông dân, Hội nông dân - đặc biệt là tại các địa phương trồng mía - cần làm gì để hỗ trợ ngành mía đường.
Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp và người nông dân trồng mía đại diện cho các địa phương dự kiến sẽ bước vào phiên thảo luận nhằm đưa ra giải pháp tháo nút thắt cho ngành mía đường trong nước.
Trưởng ban tổ chức, Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt cho rằng cần phải tạo một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia hội nhập. Với ngành mía đường, nhiều nước trên thế giới vẫn có những chính sách "bảo hộ" ngầm nhằm để duy trì giá mía hợp lý, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân trồng mía, bảo vệ vùng nguyên liệu thì hãy cho doanh nghiệp mía đường trong nước một cơ hội được cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực.
Xây dựng chính sách hỗ trợ ngành mía đường là việc làm cần thiết và báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt với vai trò là đại diện cho tiếng nói của người nông dân nên sẽ lên tiếng ủng hộ những chính sách phù hợp với quy tắc của WTO nhằm bảo đảm đời sống và sinh kế cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại tổ chức dưới sự phối hợp chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương nhằm bàn giải pháp về việc thực thi Hiệp định ATIGA sao cho không ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường.
Hội thảo chia thành hai phiên thảo luận: Phiên 1, đánh giá thực trạng ngành mía đường khi thực hiện Hiệp định ATIGA. Phiên 2, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thế nào để bảo vệ ngành mía đường trong nước.
Đây là lần thứ 2 Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức sự kiện liên quan tới ngành mía đường sau lần tổ chức đầu tiên vào tháng 12/2019.
Tin cùng chủ đề: Hội thảo Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.