Không quốc gia nào sản xuất được 1kg đường giá dưới 10.500 đồng trừ Brazil

NTTD Thứ ba, ngày 01/12/2020 11:16 AM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La đã chỉ ra những thách thức lớn về sức cạnh tranh giá mía đường Việt Nam với thế giới.
Bình luận 0

Nghịch lý trong giá đường thế giới

Theo ông Đặng Việt Anh, việc Việt Nam thực hiện cam kết loại bỏ hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN đối với đường trắng và đường thô là một trong những yếu tố gây áp lực cho giá đường Việt Nam. So sánh với giá niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế là 7.000 - 8.000 đồng/ kg, giá sản xuất mía đường tại Việt Nam cao hơn nhiều. Nhưng không thể vì thế mà kết luận các doanh nghiệp mía đường Việt Nam hoạt động kém hiệu quả, ngành mía đường Việt Nam yếu kém.

Ông Việt Anh chỉ ra rằng sau Hiệp định ATIGA, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn đường mỗi năm với giá 8.000 đồng/ kg, 90% trong đó có nguồn gốc từ Thái Lan. Nhưng tại chính Thái Lan, người dân đang phải mua đường với giá tương đương 18.000 - 20.000 đồng/ kg, tức cao hơn gấp đôi giá xuất khẩu. Người tiêu dùng Thái Lan phải mua đường nội địa giá cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi để trợ giá xuất khẩu.

Indonesia và Philippines là hai quốc gia khác trong khu vực cũng tham gia ATIGA từ năm 2015. Trong 5 năm từ đó đến nay, người tiêu dùng Philippines phải mua đường ở mức giá tương đương 20.000-22.000 đồng/ kg trong khi người tiêu dùng Indonesia phải trả khoảng 21.000 - 25.000 đồng/ kg, tức cao gần gấp 3 lần giá đường thế giới niêm yết. Đây chính là điểm bất thường trong giá đường quốc tế. 

Theo ông Việt Anh, các quốc gia xuất khẩu đường buộc phải chốt giá đường tối thiểu trong nước ở mức cao để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Ngay cả Mỹ, nơi người nông dân trồng mía dẫn đầu trong cơ giới hóa đất nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, giá đường nội địa cũng tương đương 30.000 đồng/ kg.

Trừ Brazil, không quốc gia nào sản xuất được 1kg đường giá dưới 10.500 đồng - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La phát biểu tại Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới

Trợ cấp làm biến dạng ngành mía đường

Nhìn chung, các cuộc điều tra của Hiệp hội mía đường Thế giới đã chỉ ra rằng giá đường thế giới đang bị bóp méo bởi trợ cấp.

Tại Thái Lan, một trong những nước sản xuất đường hàng đầu thế giới, chính phủ hỗ trợ ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, khoảng 775 triệu USD được chi cho trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 - 525 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể các biện pháp hỗ trợ chính sách như khoản vay có lãi suất thấp và trợ cấp đầu vào.

Brazil, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, cũng áp dụng mạnh biện pháp sản xuất xăng sinh học (ethanol) để hạn chế việc dư thừa nguồn cung đường xuất khẩu lên đến gần 10 triệu tấn đường. 

Mỹ, nước sản xuất đường thứ 6 trên thế giới thì cung cấp những khoản vay không hoàn trả với lãi suất thấp cho các nhà máy chế biến củ cải đường và mía trong nước. Cùng với đó là hàng loạt chính sách bảo hộ và trợ cấp để duy trì lợi nhuận cho nông dân trồng mía trong mọi điều kiện thị trường. 

Chính phủ Ấn Độ hiện công khai trợ giá đường xuất khẩu, bình quân cứ mỗi kg đường Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới sẽ được trợ giá khoảng 3.000 đồng. 

Cuộc điều tra của Hiệp hội mía đường thế giới chỉ ra không quốc gia sản xuất đường nào trên thế giới có khả năng sản xuất 1 kg đường ở mức giá dưới 10.500 đồng trừ Brazil (mức khoảng 10.500 đồng được cho là mức giá để người nông dân trồng mía thu về lợi nhuận). Nghĩa là mức giá niêm yết thế giới (7.000 - 8.000 đồng) đã hoàn toàn bị bóp méo bởi trợ cấp.

Cơ hội nào cho ngành mía đường Việt Nam phục hồi?

Trừ Brazil, không quốc gia nào sản xuất được 1kg đường giá dưới 10.500 đồng - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới

“Không có quốc gia nào trong 120 quốc gia sản xuất đường trên toàn cầu lấy giá đường niêm yết thế giới làm chuẩn thước đo cho giá sản xuất. Họ lấy mức giá đó làm cơ sở để xây dựng các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, trợ giá và trợ cấp để bảo vệ ngành mía đường trong nước” - ông Đặng Việt Anh khẳng định.

Trong khi đó, giá đường Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận trong khu vực, chỉ bằng 60% so với Trung Quốc, 70% giá đường của Philippines và 80% giá đường của Indonesia. Giá đường bán buôn tại thị trường nội địa của Việt Nam chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với giá đường bán buôn bình quân trên thế giới nhưng đã giảm mạnh trong những năm gần đây; từ mức 704 USD/tấn năm 2013 xuống mức dưới 500 USD/tấn năm 2018. Thậm chí, năm 2018, giá đường bán buôn của Việt Nam rơi mạnh xuống mức 493.67 USD/tấn, thấp hơn cả giá đường bán buôn trên thị trường nội địa của Thái Lan là 518,19 USD/tấn.  

Tại Hội thảo giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, ông Đặng Việt Anh kiến nghị các cơ quan ban ngành tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam được bán mía với giá tương đồng Thái Lan, Indonesia và Philippines  - những quốc gia cùng tham gia ATIGA (khoảng 1.200.000 đồng/ tấn). Theo ông Việt Anh, nếu được bán với mức giá đó, ngành mía đường Việt Nam sẽ phục hồi sớm trong khoảng vài năm tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem