Tìm giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 19/08/2023 10:04 AM (GMT+7)
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung nhằm tìm ra những giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên.
Bình luận 0

Ngày 18/8, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo "Giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử".

Chương trình có sự tham gia của 100 khách mời đến từ một số sở, ban, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, đơn vị doanh nghiệp tư vấn về lĩnh vực chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đại diện các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…

Tìm giải pháp hiệu quả cho chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo Giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử. Ảnh: Hà Thanh

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên khẳng định, nhờ chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việc áp dụng chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.

Tìm giải pháp hiệu quả cho chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Hà Thanh

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số trong xây dựng NTM; giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; giải pháp xây dựng xã NTM thông minh… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Tiến sĩ Đặng Văn Cường – RETAQ - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT đã tham luận với chủ đề "Chuyển đổi số trong xây dựng NTM - phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị và những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, OCOP, du lịch nông nghiệp nông thôn, quản lý chất lượng sản phẩm... Đây là một trong những nội dung đang được nhiều đơn vị quan tâm và tìm các giải pháp hữu hiệu để thực hiện.

Tìm giải pháp hiệu quả cho chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường – RETAQ - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hà Thanh

Cũng tại hội nghị, TS.Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã tham luận với chủ đề "Một số giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh".

Theo TS.Nguyễn Tiến Dũng, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhiều nền tảng số, điển hình như Ứng dụng C-ThaiNguyen. Đây là một ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại Thái Nguyên với mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai ứng dụng C-ThaiNguyen là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng nông thôn thông minh tại Thái Nguyên, thúc đẩy sự tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương.

Tìm giải pháp hiệu quả cho chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên - Ảnh 4.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, để sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cần thực xây dựng một hệ thống thông tin kết nối các đơn vị và tổ chức liên quan trong việc triển khai chuyển đổi số và quản lý NTM thông minh.

Theo đó, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai..

Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, cần đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm viễn thông, mạng lưới truyền thông và hệ thống điện; tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và các đơn vị chính phủ, nông dân và cộng đồng nông thôn.

Đồng thời, cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem