Tìm lối thoát nghèo bền vững cho bà con dân tộc

Chủ nhật, ngày 23/12/2012 07:00 AM (GMT+7)
Dự án CSR của công ty Pepsico Việt Nam kết hợp với công ty Tân Nông tại Bắc Giang đang mở ra một hướng đi mới nhằm giúp đỡ bà con hai dân tộc Sán Dìu và Nùng tại thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang thoát nghèo bền vững.
Bình luận 0

Từ thực tế khó khăn

Hương Sơn có diện tích 37,31 km2, cách trung tâm thành phố Bắc Giang 30km. Đây là xã duy nhất trên 22 xã của huyện Lạng Giang có số đồng bào dân tộc Sán Dìu và Nùng sinh sống chiếm 97% dân số. Thôn có 324 hộ gia đình. Toàn bộ thôn có khoảng 80ha đất nông nghiệp trồng lúa nước; các cây trồng chính là lúa gạo; một số gia đình trồng nhiều loại rau ôn đới như dưa chuột, đậu tương, cải bắp nhưng thị trường cho rau không ổn định. Nông dân ở đây có nguồn thu nhập chính là từ cây lúa với GDP là 5.727.000 đồng (272 USD).

img
Tập huấn kỹ thuật trồng khoai tây cho bà con thôn Đồng Thủy.

Những năm trước, 60% nông dân từng trồng khoai tây ở xã này nhưng hầu hết phải ngừng trồng vì chất lượng kém của hạt giống, năng suất thấp và lại không có thị trường cho khoai tây vì nông dân phải tự tìm đầu ra. Có năm, thương lái các nơi bán giống khoai tây kém chất lượng, bà con nông dân cực nhọc cả vụ 3 tháng nhưng chẳng thu về đồng nào vì cây không cho củ.

Ông, bà Vi Văn Hợp, người Nùng, có con gái đang học Đại học Sư phạm tại Thái Nguyên nói: “Năm trước, tôi trồng đậu cô ve cực lắm, hái đậu mỗi ngày sợ già, người mua lấy đậu đi bán rồi mới trả tiền, còn trồng dưa chuột thì phải tự mình đem ra chợ bán, có khi bán chỉ được 700đồng/1 cân..”. Chị Lý Thị Voòn cho biết: “Mọi năm trồng hoa màu khác, bị thương lái ép giá, đậu cô ve hái không kịp, không bán được thì già mất. Người ta đến lấy đậu đi, rồi mấy hôm sau mới mang tiền đến trả,trả bao nhiêu thì do họ vì họ bán được đắt thì trả mình đắt, không thì họ trả mình tí tiền, mình phải chịu thôi”.

Những cây hoa màu như dưa bao tử, đậu cô ve, khoai tây đều thích hợp với đất ở Hương Sơn. Tuy nhiên, việc trồng tỉa các loại cây này khá cực nhọc. Không chỉ vậy, vấn đề lớn nhất với bà con thôn Đồng Thủy chính là đầu ra, nếu họ phải lo cả việc mang rau quả đi bán thì công sá lên rất nhiều, và chi phí cũng vậy.

img
Tập huấn kỹ thuật trồng khoai tây cho bà con thôn Đồng Thủy.

Tìm lối ra cho bà con dân tộc

Công ty PepsiCo Việt Nam kết hợp với công ty cổ phần sản xuất và thương mại Tân Nông đã lựa chọn Hương Sơn để thực hiện dự án trong vụ mùa Đông 2012- 2013 với diện tích 10ha cho 100 hộ gia đình nghèo thuộc hai dân tộc Sán Dìu và Nùng. Quy trình thực hiện dự án như sau: công ty PepsiCo Việt Nam và công ty Tân Nông tổ chức hội thảo tập huấn kỹ thuật trồng khoai tây, cung cấp giống khoai tây và phân bón, theo dõi sát sao quá trình trồng và chăm sóc khoai, giúp nông dân thu hoạch khoai và đến tận nơi mua toàn bộ khoai tây được thu hoạch theo giá hợp đồng ký trước từ đầu vụ.

Sau 30 ngày thực hiện dự án, đến nay, 10ha đất nông nghiệp trồng khoai tây ở thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn đang phát triển rất tốt, người dân ở đây rất phấn khởi. Ông Đàm Văn Nhợi trưởng thôn cho biết: “Bà con dân tộc rất vui mừng với vụ Đông năm nay.

Trước đây, chúng tôi trồng giống khoai tây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nên không có củ, có năm tìm được giống tốt, cho củ thì lại không có người mua nên rất vất vả. Nay, công ty PepsiCo cung cấp giống tốt và lại đến tận nơi mua nên bà con không còn lo lắng nữa, chỉ lo trồng cây cho đúng để có củ khoai tây to, bán được giá mà thôi”.

Dự kiến, vụ khoai tây mùa đông năm nay sẽ thu hoạch vào thời điểm cận Tết. Mỗi sào (360m2) dự kiến thu được 700 kg, sẽ đem lại cho bà con số tiền lợi nhuận ròng khoảng 2,2 triệu đồng, các gia đình ở đây trồng từ 1 sào đến 3 sào, thu được khoảng 2,2 triệu đến 6,6 triệu không kể công lao động.

img
Nông dân chăm sóc khoai tây sau 30 ngày

Tính về lợi nhuận ròng đạt gấp 4 lần so với trồng lúa mà lại đỡ vất vả hơn, tận dụng được đất trong thời gian mùa đông không trồng lúa được, cải tạo đất, giúp tăng năng suất lúa vụ Xuân. Ông Vi Văn Hợp hy vọng: “Tôi mong trời đừng mưa bão để cây lớn nhanh, cho củ lớn để bán, lấy tiền đó lo cho con gái đang học đại học sư phạm ở Thái Nguyên”. Hai vợ chồng ông Hợp giật gấu vá vai nuôi cô con gái út –người duy nhất trong nhà đi học đại học, cả nhà trông mong vào ruộng và hoa màu, nay khoai tây vụ đông này như một cứu cánh kịp lúc để họ có thêm khoản tiền lo cho con ăn học.

Có thể nói, tìm kiếm một con đường thoát nghèo bền vững cho bà con người dân tộc là việc làm cấp thiết và dự án khoai tây cho người nghèo là một dự án có giá trị nhân văn cao, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem