Rất nhiều người yêu Olga Berggoltz tìm ra trong thơ bà một điều gì đó cho riêng mình. Với riêng chị thì sao?
- Những người từng đọc và từng dịch thơ Olga Berggoltz, chắc hẳn đều có một Olga Berggoltz của riêng mình. Đó có thể là một cô gái mới lớn, quay cuồng vì yêu. Có thể là cô đoàn viên sôi nổi hay một người đàn bà hoang mang trong tình yêu. Lúc mạnh mẽ và kiêu hãnh, khi lại yếu đuối, đắm chìm trong rượu-mê-quên để mơ rằng những bi kịch trong đời mình chỉ là ác mộng…
Đọc nhật ký của bà, đọc hồi ký, ghi chép, chia sẻ của các bạn văn và những người thân của bà, tôi có cảm nhận về một Olga "đa diện mạo" như vậy đấy. Trên hết, Olga đối với tôi là một người đàn bà làm thơ, với tất cả những khát khao bình thường nhất của người đàn bà bình thường, mà người đàn bà làm thơ đã không có được!
|
Thi sĩ Olga (phải) và diễn viên A. Phreidikh - người thủ vai Masha trong vở kịch “Sinh ra ở Leningrad”. |
Cuộc đời Olga Berggoltz dường như có những gì gần gũi, tương đồng với những người phụ nữ Việt Nam chăng?
- Tôi vẫn nghĩ, nước Nga với đặc trưng độc đáo về địa lý (Âu-Á) khiến cho nền văn hóa Nga nói chung vẫn luôn khiến người Việt Nam đồng cảm. Olga Berggoltz cũng vậy.
Cay đắng không làm mất đi cái nhìn hồn hậu của một người con gái Nga đối với cuộc đời, rất quyết liệt nhưng cũng đầy độ lượng, và kể cả sau khi viết những dòng nghiệt ngã nhất, nữ sĩ vẫn giữ được những suy nghĩ tha thiết với con người. Chính nhờ đó mà thơ của bà gần gũi với người đọc Việt Nam - dân tộc luôn trân trọng tình người, và nhiều khi nương vào tình người mà vượt lên mọi đau khổ.
Có những quãng thời gian, tôi dịch "như điên" mà cảm hứng không dịu lại. Năm nay, cuốn sách mới được in ra cho dù tôi thực sự chưa hài lòng về cấu trúc bài viết và lượng thông tin mà tôi cho là chưa đầy đủ. Song tình yêu nồng nhiệt đối với Olga thì hẳn bạn đọc đều cảm nhận được và đồng cảm cùng tôi.
Dịch giả Thụy Anh
Chị đã làm việc như thế nào để hoàn thành một công trình tâm huyết như cuốn sách vừa ra này?
- Tôi bắt đầu đọc về Olga từ ngày là sinh viên năm cuối, vào thư viện tìm sách, tìm thơ của bà. Ban đầu, tôi chỉ chăm chăm tìm những bài thơ mà nhà thơ Bằng Việt đã dịch để thử độ nhạy cảm ngôn ngữ của mình với nguyên tác bài thơ. Đó là "Mùa lá rụng", "Mùa hè rớt"…
Và rồi, bất thần nhận ra một Olga khác hơn với Olga tôi từng biết. Nhưng mãi gần 10 năm sau tôi mới bắt đầu dịch Olga, một cách say sưa và nhiệt tình, trong tâm thức của những nỗi đau mơ hồ mà một người đàn bà sống trên đời có thể hoặc bắt buộc phải trải qua.
Chị cũng là một người sáng tác, cả thơ và truyện ngắn, dường như đâu đó, tiếng nói của Olga Berggoltz đã vang lên trong chị?
- Thường thì "người trong cuộc" không tự nhận biết được điều này. Nhưng tôi không nghĩ bị "ảnh hưởng của phong cách Olga Berggoltz" như có người nhận xét vì Olga định hình phong cách rất rõ ràng, là tiếng thơ rành mạch, dứt khoát, mạnh mẽ… Phong cách ấy không dễ gì có được.
Tuy nhiên, trong những sáng tác của tôi, nước Nga với cảnh và người phóng khoáng, nên thơ vẫn hiện lên đâu đó vì gần như cả tuổi trẻ của tôi trôi qua trên miền đất này. Với Olga, tôi có chung một bối cảnh để viết và… yêu thương.
Xin cảm ơn chị!
Quang Hưng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.