Tìm về móng chân màu đồng đất

Bài, ảnh: HOÀNG VIỆT HẰNG Thứ sáu, ngày 12/02/2016 20:19 PM (GMT+7)
Chị Ý Yên từ ngọn sông Kỳ Cùng chảy vắt qua nước Trung Hoa, rồi tìm về sông Đáy quê nhà mà phải mất hơn ba mươi năm, khi tuyết đã tan chảy trong lòng.
Bình luận 0

Một mình ngơ ngác với chính mình trên đồng lúa, tìm lại mười cái móng chân màu đồng đất. Chị không sơn móng chân vì chỉ nhớ ngày lội ruộng, mười móng chân màu đồng, đến nay không thể có màu sơn móng chân nghệ thuật nào soán ngôi. Còn hương cau vẫn giữ lại trong tim, dù tuyết đã tan chảy bao năm lưu lạc xứ người.

img

Bờ xôi ruộng mật đã thành dự án.

Hà Nội của chị, vườn xưa rộng hơn 2 hecta đất, đã đổi thay chóng mặt, khu nhà cao chói mắt. Nhưng ngôi nhà ba gian một tầng ở vườn xưa vẫn như con dấu đóng triện trong tim; ở nơi mẹ sinh ra Ý  Yên, vườn xưa hoang vắng. Năm đó còn cách Tết năm ngày, thầy bói xem chân gà phán Ý  Yên sau này sống xa cha mẹ, chân tay động sách bút chứ không động đến đất cát. Đúng, xa quê biền biệt, dù lớn lên bên vườn cải, vườn na.

Đi học bên Trung Quốc, sang Nga rồi ở lại bên đó lấy chồng; chị chỉ biết tin đất vườn xưa từ nhà quê lên phố; đất vườn còn nằm trong dự án của nhà cao tầng. Vài năm sau cha mẹ nhớ vườn, sau khi hiến đất rồi đều bỏ vườn xuống đất nằm bên  nhau. Bờ ao, phiên bản duy nhất trong trí nhớ đứa em gái của gia đình luôn nhắc về cây khế trổ hoa tím, và hoa cau như rắc nắm gạo, thấm đẫm chiều đông.

Trong câu chuyện kể của em gái, luôn chan sự ám ảnh của ao quê. Nhà ta vừa thả bèo tấm; nhà ta nuôi ngan và gà đông cảo ăn Tết. Thư viết mở ra chỉ thấy hương cau hương nhu và màu tre lá của vườn. Ý  Yên nhìn tấm biển báo chỉ đường. Bàn chân của người nông dân làm vườn chính hiệu, gốc gác Hà Nội đã lạc ngay chính quê hương mình, vườn nhà mình. Nhà chị vẫn còn gặp may, hai thước đất rau cách xa nhà đã được giữ lại, ôi hơi thở sót lại của vườn. Trong xóm nhiều nhà vườn nằm trong dự án lớn nhỏ, gia đình nông dân thuần chất ngẫu nhiên bán đất có nhiều tiền, đồng tiền khiến họ mất trắng cả con và cháu kia.

Người nông dân có ruộng có vườn, thở sâu với ruộng và vườn. Mất vườn mất ruộng, chỉ có một số tiền lớn quá, họ đâm ra ỷ lại vào tiền; con trai theo lô đề cờ bạc, con gái chọn bán cau non cho thương lái Trung Hoa, bọn họ cầm tiền tháo chạy, tham bát bỏ mâm thì mất cả vườn lẫn hương. Có năm họ lại đi mua cóc và mèo, dân lại bán hết mèo và cóc. Chuột nhiều phá lúa, không đợi tháng ba vẫn thiếu bữa ăn. Nhiều gia đình, cơ ngơi nhà cửa mất vào tay người khác vì buôn bán bất động sản mà không rành kinh tế. Có gia đình chọn giải pháp sống chung cư, giữ sổ tiết kiệm ăn vào chính đất vườn xưa.

Nỗi niềm của mưa phùn gió bấc thấm đất, không phải dân đồng bằng Bắc bộ thật khó thấu hiểu; đó là màu của rau khúc như rắc phấn thoa lên mặt ruộng chưa cày ải; đó là mùi rạ vương trong khói sương nhạt nhoà. Nhiều thân phận người nông dân họ không diễn tả hết nỗi nhớ của đất, đất đã ăn sâu tới cả cái móng chân màu đồng; và gió bấc lay phay chan vào mưa phùn, cái bóng nón lá áo nâu vác cuốc ra thăm ruộng đầu năm khó phai. Bao nhiêu dự định trồng đậu thay khoai tây hay khoai sọ, đậu ván. Phép tính trồng màu đơn giản nhưng lại giữ được nếp nhà, gia phong người Việt.

Đất vườn đã mang lại hơi thở thật sâu cho quả na mở mắt, quả bưởi hươm vàng, những tiếng chim di buổi sớm ríu rít khắp bờ ao; cây bưởi cành na cũng là là mặt nước, phải dùng dây buộc đỡ cho quả chìm xuống mặt nước ao.Vườn quê, nhà ông Đào hồi mới vào dự án, có khi người ta rào thép gai qua quýt. Cầm đồng tiền dự án, nhìn tường rào của vườn và mãi mãi mất vườn; nước mắt rơi như sương. Nơi đất mà mẹ ta xưa bàn tay nâng giấc từng ngày. Bờ xôi ruộng mật đã thành dự án. Không nhà cao tầng thì thành khu công nghiệp. Vườn chỉ còn trong phiên bản, ký ức đời người.

Bàn chân Ý Yên đi rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều màu da trên khắp nẻo đường đời. Chồng chị, một người Nga đã bỏ đi rồi, anh gục xuống sau lần say rượu, chị mất anh mà mãi sau mới hiểu ra, phận mình chỉ được yên ấm đến đấy; cô con gái độc nhất lại chọn sang châu Phi theo chồng làm nghề chụp ảnh; Ý Yên thấy mình thừa ra ở nước Nga. Chị ghé qua Trung Quốc dạy học; phần kết chị muốn về sống tại quê nhà, đơn giản với túi xách vài bộ quần áo. Cô em gái của chị chọn cách ở vậy, hỏi dóc dáy vào tai: “Học hành đến tiến sĩ, đi hết nửa quả đất mà chị chỉ còn có mỗi vài bộ quần áo đơn giản thế thôi sao?”

“Vì học hành và đi nửa già quả đất nên chị mới chỉ giữ lại vài bộ quần áo trên người, còn mọi thứ vật chất khác bỏ đi. Em cho chị ở nhờ, nếu không chị đi thuê nhà. Ở tạm trên cõi dương gian ấy mà”. Em gái Ý Yên nói, nhà này của hai chị em, chị về còn có bóng vườn, còn thích móng chân cái màu đồng thì đi làm ruộng cho bác Đào.

Đất rau còn hai thước ta, không rộng bằng cái ao, nhưng đủ cho chị trồng ngải cứu và hương nhu, chị thích trồng cúc tần hay duối gai rào cổng thì tuỳ. Còn mai ra sông Đáy nếu mua ốc đá về nấu canh khế rau răm.

Ý Yên hình dung ra con sông Đáy cách nhà có vài ruộng mía, mà phải mất ba mươi năm mới từ châu Âu trở về. Dầu đã nếm trải những ngày đông ảm đạm xứ tuyết, kéo dài tới sáu tháng, khi tuyết cứ trắng xoá trải khắp lối đi, chỗ nào cũng có tuyết, thì nỗi nhớ quê, khói bếp đống rơm, đồng lúa là một tài sản vô giá trong lòng người Việt.

Đất vẫn tơi mịn, hương nhu vẫn trổ hoa, rặng duối gai cũng đơm quả, cây cũng biết bao dung, đất cũng độ lượng với người quay về; dầu có những người con ngoan hay là con hư bỏ nhà ra đi,tìm thiên đường rực rỡ; nhưng đi qua chân trời rực rỡ sẽ gặp buổi hoàng hôn, người ta mới kịp nhận ra không có thiên đường nào ấm áp bằng quê nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem