TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đâm chết 3 người vì bị đuổi việc; tin mới vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk

A.Đ (T/H) Thứ sáu, ngày 23/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Bị đuổi việc, nam tài xế mang dao đâm 3 người tử vong; thông tin mới vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk; thông tin mới vụ Nguyễn Phương Hằng... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Bị đuổi việc, nam tài xế mang dao đâm 3 người tử vong

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 23/6, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Công an huyện Vĩnh Cửu và Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) xác minh, điều tra nguyên nhân vụ giết người nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn.  

Đồng Nai: Bị đuổi việc, nam tài xế mang dao đâm tử vong nhiều người - Ảnh 1.

Hiện trường vụ đâm chết người. Ảnh: CTV

Ba người tử vong gồm ông Nguyễn Công Đ. (63 tuổi, chủ nhà xe Đ.H.), chị Phan Thị H. (32 tuổi, con dâu ông Đ.), cùng ngụ tại ấp 2 (xã Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu) và bà Nguyễn Thị Q. (43 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa). 

Qua điều tra, công an xác định vào đêm 22/6, nghi phạm Bùi Văn Phú Hiệp (35 tuổi, ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, Đồng Nai) đã đến nhà xe Đ.H. (xã Hiếu Liêm) và dùng dao đâm chết ông Đ. và chị H.. Ngay sau đó, Hiệp lại tiếp tục cầm dao đến nhà xe T.T. (phường Tân Phong) đâm bà Q. tử vong.

Nhận tin báo về vụ việc, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bao vây, bắt giữ đối tượng. Bị bao vây, Hiệp đã dùng dao tự tử và hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện. 

Bước đầu xác định, Hiệp từng là tài xế của nhà xe Đ.H. và nhà xe T.T.. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, Hiệp thường gây mâu thuẫn với khách hàng nên đã bị chủ các nhà xe này đuổi việc. 

Sau đó, Hiệp đã mua dao và tìm đến 2 nhà xe trên gây án. 

Hiện vụ việc tiếp tục được xác minh, điều tra.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Khởi tố 84 bị can, thu giữ nhiều cờ FULRO

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 23/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép".

Cụ thể, nhà chức trách đã ra các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với: 75 bị can về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" (theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015), khởi tố 7 bị can về tội "Không tố giác tội phạm" (Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015), 1 bị can về tội "Che giấu tội phạm" (Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015), 1 bị can về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép" (Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam nêu trên đã được VKS cùng cấp phê chuẩn.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Một trong số những đối tượng bị bắt. Ảnh: CACC

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, liên quan đến vụ việc, đến nay lực lượng công an đã thu giữ 23 khẩu súng các loại (súng quân dụng, súng hơi, súng tự chế); 2 lựu đạn; 1.199 viên đạn các loại; 15 kíp nổ, 1,2kg vật liệu nổ; 1 nòng giảm thanh; 2 ống ngắm; 1 bộ mô hình mìn tập; 30 dao; 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án của các đối tượng.

Với các biện pháp rất nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng công an, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của người dân, nhất là trong vận động, đầu thú và tham gia truy bắt đối tượng, chỉ sau 2 ngày xảy ra vụ việc đã ổn định tình hình trên địa bàn. Đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ hầu hết đối tượng tham gia và thu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, hiện mọi mặt sinh hoạt của tổ chức, cá nhân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã diễn ra bình thường, tình hình ổn định, an ninh, trật tự được đảm bảo.

Bộ Công an đánh giá, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Lực lượng công an đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.

"Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật Việt Nam. Mong muốn các nước, bạn bè quốc tế tích cực phối hợp, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra, xử lý vụ án này nói riêng và trong đấu tranh, phòng chống khủng bố nói chung", Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Thông tin mới vụ Nguyễn Phương Hằng

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 23/6, nguồn tin từ TAND TP.HCM cho biết, các cơ quan luật pháp thực hiện tố tụng trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đang xác minh, điều tra, bổ sung những tình tiết mới.

Đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường gần 74 tỷ đồng, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng phải chứng minh kê khai đóng thuế - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng trước bị bị bắt. Ảnh: ĐQDV

Trong đó, có việc yêu cầu phía bị hại đòi bị can Nguyễn Phương Hằng bồi thường thiệt hại phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình bị thiệt hại là có thật.

Cụ thể, vợ chồng ca sĩ Trần Thị Thủy Tiên – Lê Công Vinh và ca sĩ Huỳnh Minh Hưng (nghệ danh Đàm Vĩnh Hưng) đã có đơn gửi tòa, yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng phải bồi thường tổng thiệt hại bị mất là 73,9 tỷ đồng.

Theo quy định của pháp luật, công dân phải kê khai thu nhập hợp pháp, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo tài chính theo kết quả hoạt động kinh doanh.

Việc xác định thu nhập bị mất, phải là những thu nhập hợp pháp, hợp lệ bị mất, thì người bị thiệt hại, người có yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp có giao dịch phải giao nộp chứng cứ. Ngoài ra, có thể thu thập chứng cứ tại các cơ quan quản lý thuế liên quan.

Đại diện cho phía bị can Nguyễn Phương Hằng cho biết, trong quá trình tham gia tố tụng, phía bà Hằng từng yêu cầu các bên cung cấp các bản hợp đồng, tài liệu giao dịch, chứng từ thanh toán, các phiếu chi, biên nhận tiền, hóa đơn…

Thậm chí, thu thập báo cáo tài chính, chứng từ hay biên lai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập liên quan đến việc ký kết và thực hiện các hợp đồng trong thời gian 6 tháng trước thời điểm bị chấm dứt hợp đồng.

Đại diện của bị can Nguyễn Phương Hằng cũng cho biết thêm, đã có văn bản yêu cầu các cơ quan thuế có liên quan, cung cấp các chứng từ, tài liệu về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Huỳnh Minh Hưng…

Đồng thời thu thập báo cáo tài chính và chứng từ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các đối tác có giao dịch với bà Trần Thị Thủy Tiên và ông Huỳnh Minh Hưng, trong khoảng thời gian 6 tháng trước thời điểm bị chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, tới nay, các yêu cầu từ phía bị can Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trong khi đó, theo văn bản yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ của phía bị can Nguyễn Phương Hằng, bà Trần Thị Thủy Tiên yêu cầu bồi thường thiệt hại 30,9 tỷ đồng (tính tròn số). Và, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đòi bồi thường thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Lê Công Vinh  yêu cầu bà Hằng bồi thường thiệt hại 30,9 tỷ đồng trên cơ sở 6 hợp đồng ký kết với các đối tác gồm các công ty:

H.V Developer (quảng cáo dự án bất động sản, tổng giá trị 3,9 tỷ đồng, thu nhập thực tế bị giảm sút 1,8 tỷ đồng); sữa Q.T (quảng cáo sữa, 3,3 tỷ đồng, thiệt hại 3 tỷ đồng); H.Entertainment (quảng cáo, 3 tỷ đồng, thiệt hại 548 triệu đồng); C.Ator (hợp tác sản xuất 6 MV ca nhạc, 12 tỷ đồng, thu nhập thực tế bị giảm sút 12 tỷ đồng); V.C.Video VN (livestream bán hàng, quảng cáo nhãn hàng, 5 tỷ đồng, thiệt hại 4,6 tỷ đồng) và A.N.T.T (hợp đồng thuê sáng tác bài hát nhạc phim, 9 tỷ đồng, thu nhập thực tế bị giảm sút 9 tỷ đồng).

Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (tức Huỳnh Minh Hưng) yêu cầu bà Hằng bồi thường thiệt hại trên 43 tỷ đồng. Số tiền này dựa trên cơ sở 2 hợp đồng:

Hợp đồng với Công ty TNHH MTV M.B.D độc quyền sử dụng hình ảnh, âm thanh, giọng nói của ông Huỳnh Minh Hưng, với vai trò là đại sứ thương hiệu. Tổng giá trị hợp đồng là 4,5 tỷ đồng, bị thiệt hại 630,2 triệu đồng (hạng mục Shoot chụp hình) và 393,3 triệu đồng (hạng mục Event).

Đặc biệt, biên bản ghi nhớ giữa Công ty CP Tập đoàn A.T và ông Huỳnh Minh Hưng, với nội dung làm đại sứ thương hiệu có tổng trị giá 42 tỷ đồng. Ông Huỳnh Minh Hưng cho rằng, bị thiệt hại 42 tỷ đồng, nên đòi bồi thường thiệt hại.

Nguồn tin từ tòa án cho biết, phía bà Nguyễn Phương Hằng đã yêu cầu ca sĩ Thủy Tiên và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải cung cấp tài liệu về việc thực hiện hợp đồng, chứng từ hóa đơn thuế, biên lai nộp thuế, bản kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân của bà Tiên và ông Hưng, qua các năm 2020, năm 2021 và năm 2022 có liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng với các đối tác (Thủy Tiên 6 hợp đồng, Đàm Vĩnh Hưng 2 hợp đồng).

Ngoài ra, phía bà Hằng cũng đề nghị xác minh, thu thập chứng cứ tại các chi cục thuế ở một số quận - huyện TP.HCM, TP. Hà Nội và 6 công ty ký hợp đồng với vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên để có cơ sở thể hiện vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên bị thiệt hại 30,9 tỷ đồng là có thật.

Tương tự, với yêu cầu bồi thường 43 tỷ đồng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, phía bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ tại Chi cục Thuế quận 10, Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM), Cục Thuế TP.Hà Nội và 3 đối tác liên quan tới việc ký 2 hợp đồng giao dịch với ông Hưng.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đã được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận. Tuy nhiên, để tránh việc người yêu cầu bồi thường có động cơ trục lợi thì trách nhiệm của người yêu cầu bồi thường phải chứng minh mình bị thiệt hại thật sự. Vì vậy, phía bà Nguyễn Phương Hằng đã đề nghị tòa án yêu cầu các bị hại trong vụ án này phải cung cấp các hợp đồng, chứng từ, tài liệu về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán: Khởi tố thêm 15 người

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 23/6, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thêm 15 người liên quan đến vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết "thổi giá" cổ phiếu.

Vụ cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán: Khởi tố thêm 15 người - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt. Ảnh: Đ.X

Những bị can này gồm: Đỗ Thị Huyền Trang - Phó trưởng phòng Kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC;  Nguyễn Thị Nga - nhân viên Ban kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC; Nguyễn Thị Thanh Phương - Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán Công ty CP chứng khoán BOS; Nguyễn Thị Thu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán Công ty CP chứng khoán BOS; Bùi Ngọc Tú - Phó trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán Công ty CP chứng khoán BOS; Trần Thị Lan - Kế toán trưởng Công ty CP chứng khoán BOS; Quách Thị Xuân Thu - Kế toán trưởng Công ty CP chứng khoán BOS; Trịnh Văn Đại - phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros; Trịnh Thị Thanh Huyền - nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển FLC Homes; Trịnh Tuân - Trưởng phòng Vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Hoàng Thị Huệ - nguyên nhân viên Công ty CP thương mại và dịch vụ số FLC; Trịnh Văn Nam - nguyên nhân viên Công ty CP hàng không Tre Việt; Nguyễn Văn Mạnh - nhân viên Phòng Vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Nguyễn Quang Trung - lái xe Bệnh viện đa khoa Hà Thành và Nguyễn Thị Hồng Dung (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 15 người trên để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với 15 người.

Trong số 15 bị can này có nhiều người có mối quan hệ thân thiết, có người là cha - con, có người là vợ - chồng, nay cùng bị khởi tố vì có vai trò đồng phạm trong vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán.

Trước đó, trong vụ án này, ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái ruột là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ, cùng bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC và Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Thiện Phú, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng FLC Faros bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, trong giai đoạn từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo hai em gái là Nga và Huế cùng một số người khác sử dụng các tài khoản đã mở để mua bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường. Mục đích của nhóm là đẩy giá cổ phiếu FLC lên cao nhất, từ 15.500 lên 24.050 đồng, tăng 64%.

Đến ngày 10/1, ông Quyết chỉ đạo đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu với giá trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, chiếm 55,42% khối lượng khớp toàn thị trường, chiếm 10,54% tổng khối lượng lưu hành cổ phiếu FLC. Khi hành vi bị cơ quan chức năng phát hiện, giá cổ phiếu FLC giảm sàn 8 phiên giao dịch liên tiếp.

Bước đầu, cảnh sát xác định hành vi của ông Quyết và những người khác đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10/1.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cáo buộc từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu là ROS) và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Ngăn chặn vụ giả danh công an lừa đảo hơn 3 tỷ đồng

Như Dân Việt đã đưa tin: Công an phường Đức Giang (quận Long Biên, TP.Hà Nội) phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vừa kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền.

Ngặn chặn vụ giả danh công an lừa đảo hơn 3 tỷ đồng - Ảnh 1.

Vợ chồng nạn nhân kể lại sự việc bị đối tượng giả danh công an để lừa đảo. Nguồn: CAND

Thông tin cụ thể vụ giả danh công an để lừa đảo: Trước đó, ngày 22/6, Công an phường Đức Giang nhận được thông tin phản ánh của Phòng giao dịch Việt Hưng - Chi nhánh Ngân hàng TMCP ĐT và PT Thành Đô, về việc đang có 2 khách hàng cao tuổi làm thủ tục mở tài khoản để chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố và Công an quận Long Biên, Công an phường Đức Giang đã tham mưu Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo, huy động các ban ngành tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Trong đó, Công an phường Đức Giang đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin, hướng dẫn cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp... về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao.

Vì thế, trước dấu hiệu bất thường trên, nhân viên ngân hàng đã thông tin sự việc đến Công an phường Đức Giang. Tiếp nhận thông tin, Trưởng Công an phường Đức Giang đã cử cán bộ đơn vị có mặt tại phòng giao dịch.

Khi tổ công tác đến nơi thì hai vị khách đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục mở tài khoản. Trong lúc này, điện thoại của người đàn ông liên tục có cuộc gọi đến. Qua điện thoại, đối tượng là nam giới liên tục thúc giục, yêu cầu vợ chồng nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của họ. Xác định đây là vụ lừa đảo, cán bộ Công an phường đã trực tiếp nói chuyện với đối tượng. Khi nghe trinh sát hình sự Công an phường Đức Giang giới thiệu là công an, đối tượng liền tắt máy điện thoại.

Cùng lúc này, điện thoại của người vợ tiếp tục reo vang. Bên kia đầu máy, đối tượng tự xưng “công an” tiếp tục yêu cầu chuyển tiền… Sau đó, khi nghe thấy giọng nói của trinh sát hình sự Công an phường Đức Giang nghe máy, đối tượng văng tục rồi tắt máy. Lúc này, vợ chồng ông bà mới biết mình bị lừa…

Theo lời của vợ chồng nạn nhân, trước đó, người vợ nhận được điện thoại của đối tượng là nam giới, tự xưng là “công an chống ma túy” của quận Long Biên. Qua điện thoại, người đàn ông cho biết, đang điều tra đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, đối tượng tham gia có nhiều thành phần…

Sau khi đe dọa, người tự xưng là công an đã yêu cầu hai vợ chồng chuyển hơn 3 tỷ đồng, bằng cách mở một tài khoản khác và cung cấp cho “cơ quan công an” do anh ta làm đại diện, để giám sát việc luân chuyển dòng tiền. Theo lời người này thì sau khi điều tra xong, họ sẽ thông báo và sẽ trả lại quyền kiểm soát tài khoản cho vợ chồng…

Theo lời tâm sự của nạn nhân, họ tin vào những lời nói của đối tượng vì trước đó anh ta đã nói đúng số tiền vợ chồng họ đang có trong tài khoản. Vì thế, họ đã tin tưởng, làm theo hướng dẫn của kẻ giả danh công an. Vụ việc được ngăn chặn kịp thời nhờ sự cảnh giác của nhân viên ngân hàng.

Nguồn: ANTĐ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem